Nghệ An: Lần đầu tiên đưa dân ca dân tộc thiểu số vào trường học

Thứ ba - 22/03/2022 05:07 420 0
Trường PTCS DTBT Tây Sơn là ngôi trường đầu tiên ở Kỳ Sơn đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa.
Trường PTCS DTBT Tây Sơn với 100% học sinh là người dân tộc Mông. Việc học tập bằng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ thứ hai khiến cho chất lượng giáo dục đại trà không cao. Nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để tạo một môi trường học tập lôi cuốn được học sinh tham gia nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hút học sinh thích tới trường. Bên cạnh đó, nhà trường nhận thấy văn hóa dân tộc Mông có nhiều nét đẹp rất đặc trưng. Tuy nhiên, với sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, nhiều nét văn hóa đẹp dần bị mai một. Nhiều em không biết chơi những nhạc cụ của cha ông, chưa am hiểu các phong tục, văn hóa truyền thống, chưa có ý thức gìn giữ và phát triển những nét văn hóa tiêu biểu, đẹp của dân tộc mình.
Qua nghiên cứu, khảo sát tâm lý học sinh, nhà trường đã quyết định đưa học nhạc cụ, phong tục, trò chơi dân gian của dân tộc Mông vào chương trình ngoại khóa của trường; nhằm góp phần giáo dục học sinh thêm yêu và tự hào giá trị văn hóa của dân tộc mình; tạo sân chơi, giúp cho học sinh đến trường với tâm thế vui vẻ, thoải mái, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học.
Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, mỗi tuần nhà trường sẽ mời nghệ nhân và các cụ cao niên khác về tham gia giao lưu, truyền dạy cho học sinh toàn trường trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Các nghệ nhân đã chia sẻ giá trị văn hóa của dân tộc; trình diễn những điệu múa khèn điêu luyện. Học sinh ở trường đều rất hứng thú, chăm chú theo dõi, học hỏi... Ở trường, ở xã đã hình thành nên phong trào và có nhiều cuộc thi biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc sôi nổi. Từ đây, ý thức học tập của các em học sinh cũng dần tốt lên, các em thích đến trường hơn.
Kỳ Sơn là 1 trong 3 huyện của Nghệ An được xếp là huyện nghèo nhất của cả nước, những năm qua, 71 trường học trên địa bàn đã quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện sẽ tiếp tục triển khai mô hình giáo dục này ở các trường học khác trên địa bàn huyện.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây