Bạo lực học đường rất đáng lo ngại “Bạo lực học đường” là một cụm từ chỉ những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về thể chất và tinh thần trong phạm vi trường học, hoặc liên quan đến trường học. Đó là các hành vi đe dọa, bắt nạt, trấn lột, đánh nhau; các hình phạt quá đáng và kỳ quái của giáo viên, của nhà trường; quấy rối tình dục, hiếp dâm… Bạo lực học đường gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất như gây thương tích dưới nhiều dạng khác nhau, thậm chí tử vong; gây bất ổn về tâm lý, tinh thần lâu dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời. Bạo lực học đường khiến không chỉ học sinh, mà cả phụ huynh, giáo viên đều bất an, lo lắng, hoang mang… Trên thế giới Bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra rất phổ biến tại hầu hết những quốc gia trên thế giới và trở thành một vấn đề nhức nhối được toàn xã hội quan tâm. Theo báo cáo của cơ quan phòng chống tội phạm Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường, họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Theo ước tính của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), mỗi ngày có khoảng 565 trẻ em tự sát vì không chịu nổi cảnh bị bạo hành học đường. Ngoài ra, còn có nhiều học sinh nhập viện với chấn thương ở nhiều cấp độ khác nhau liên quan đến bạo lực học đường. Đó là chưa kể nhiều vụ nổ súng giết người hàng loạt diễn ra trong nhà trường. Bạo lực học đường diễn ra ở khắp mọi nơi, từ châu Phi tới châu Mỹ; từ châu Âu, tới châu Á; từ nước nghèo tới nước giàu… Ở châu Á, tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều diễn ra các vụ bạo lực học đường khá nghiêm trọng. Như vậy, bạo lực học đường là hiện tượng toàn cầu đáng báo động. Hiện tượng này diễn ra trong bối cảnh trên thế giới có nhiều xung đột, chiến tranh cục bộ, sự bất bình đẳng, nghèo đói, quyền con người bị vi phạm… Đây là một vấn nạn và vấn đề này đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam Không phải chỉ bây giờ, mà cách đây hàng chục năm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự đáng lo ngại về bạo lực học đường. Báo chí, truyền thông cũng đã cảnh báo về điều này. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng đáng tiếc, vấn đề không được cải thiện mà hình như càng ngày càng trầm trọng thêm. Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, trung bình trong một năm học, trên toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, trong 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau (Tổng số học sinh trên toàn quốc năm học 2021 - 2022 khoảng 23 triệu). Hiện nay, do smartphone cũng như camera giám sát được sử dụng rộng rãi nên nhiều vụ bạo lực được ghi lại khá rõ ràng, chi tiết và đưa lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Có thể kể một số vụ điển hình. Cuối tháng 3/2022, một clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. 2 nữ sinh lao vào đánh, giật tóc, bắt quỳ, xé áo kèm theo những lời chửi bới, đe dọa, nữ sinh bị đánh không phản kháng lại mà ôm người chịu trận. Một số nữ sinh dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, vào mặt em trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Một tuần sau đó, nữ sinh này không thể đến trường, bị tổn thương về thể chất và rối loạn về tinh thần, luôn mất ngủ và sợ xuất hiện trước đám đông. Một vụ việc khác nghiêm trọng hơn: Một học sinh lớp 6 tên H. của Trường THCS Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trong khi đi vệ sinh đã xảy ra xô xát với học sinh lớp 7. Kết quả, H. bị con dao rọc giấy đâm tử vong. Vụ bạo lực xảy ra tại trường quốc tế ISHCMC-AA vào cuối tháng 5/2022 tuy không gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho học sinh nhưng lại gây sốt trên mạng xã hội. Nhiều người hoang mang vì tại “ngôi trường có mức học phí 600 triệu đồng/năm học” vẫn xẩy ra bạo lực thì biết tìm đâu ngôi trường an toàn?! Theo các chuyên gia, những vụ việc được biết đến, những con số được thống kê khi nào cũng thấp hơn so với thực tế. Bởi vì, còn rất nhiều trường hợp bị nhà trường, phụ huynh, học sinh giấu đi để không bị kỷ luật, không bị trừng phạt hay đơn giản nhằm giữ thể diện cho nhà trường, cho gia đình. Như vậy, chúng ta có thể thấy bạo lực học đường diễn ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn; từ miền xuôi tới miền núi; từ trường công lập, dân lập, tư thục tới trường quốc tế. Hơn thế nữa, bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh với nhau (số vụ nữ sinh cãi nhau, đánh nhau tăng đáng kể), mà còn diễn ra giữa học sinh và giáo viên, giữa học sinh với phụ huynh, giữa giáo viên với phụ huynh. Không ít giáo viên trừng phạt học sinh bằng những hình phạt kỳ quái. Đã có những học sinh lăng mạ, thậm chí là đánh đấm giáo viên. Cũng đã có những phụ huynh vào tận trường đánh học sinh, chửi bới giáo viên để bênh con. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách công bằng: Bạo lực học đường diễn ra khá thường xuyên, khá phổ biến, rất phức tạp nhưng nó cũng không nghiêm trọng hơn bạo lực xã hội, bạo lực gia đình. Sở dĩ người ta lo lắng, hoang mang, quan tâm nhiều hơn đến bạo lực học đường vì sự tương phản của nó: Môi trường giáo dục vốn yên bình, mô phạm, đầy ắp yêu thương nay lại nhuốm màu bạo lực. Điều đáng buồn là khi bạo lực xẩy ra, những người chứng kiến thường không can ngăn mà dùng điện thoại để ghi hình, thậm chí là cổ vũ. Những biểu hiện này khiến người ta lo lắng cho tương lai.
Ảnh: Nguồn internet Những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường Trong khoa học, người ta cho rằng, việc tìm ra nguyên nhân của vấn đề được xem là đã giải quyết được 50% vấn đề. Chính vì thế, việc chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một hiện tượng xã hội phức tạp như bạo lực học đường thường có nhiều nguyên nhân, trực tiếp và gián tiếp. Một số nguyên nhân trực tiếp Nguyên nhân đầu tiên của bạo lực học đường nằm ở tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, ở lứa tuổi từ 11 - 18 có những thay đổi lớn lao cả về thể chất lẫn đời sống tinh thần, tình cảm. Sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm lý, sinh lý ở lứa tuổi này làm bùng phát những hành động bạo lực. Các em muốn khẳng định cái “tôi” của mình nhưng thường làm không đúng cách. Nguyên nhân thứ hai là hầu hết các trường hiện nay đưa ra yêu cầu quá cao, quá khắt khe đối với thành tích học tập và rèn luyện của học sinh. Điều này gây sức ép nặng nề đối với các em, khiến các em không kiểm soát được hành vi của mình. Nguyên nhân thứ ba là lứa tuổi học sinh bị tác động mạnh mẽ của những hành vi bạo lực trên phim ảnh, tivi, games, đồ chơi bạo lực, mạng xã hội… Hàng ngày, các em tiếp xúc với vô vàn những hành vi bạo lực trong thế giới ảo nên các em bị nhiễm, các em xem đây là chuyện bình thường. Nguyên nhân thứ tư là sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình trở nên lỏng lẻo, hình thức. Những cuộc họp phụ huynh chủ yếu để nhà trường truyền đạt và giải thích các khoản đóng góp chứ ít bàn về trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục nhân cách cho con em của họ. Một số nguyên nhân gián tiếp Đất nước ta đang ở giai đoạn đầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường. Các chuyên gia cho rằng, đây là giai đoạn “thị trường hoang dã”, nghĩa là song song với những ưu điểm của phát triển kinh tế, nhiều tiêu cực về xã hội sẽ diễn ra. Điều này dẫn tới một số nguyên nhân gián tiếp của bạo lực học đường. Nguyên nhân thứ nhất: Cha mẹ ít quan tâm đến con và thường quan tâm không đúng cách. Nhiều bậc cha mẹ mải mê kiếm tiền nên họ ít có thời gian trò chuyện cùng con cái. Họ giao việc quan tâm, chăm lo, săn sóc con cái cho người giúp việc. Để cho con vui vẻ, hài lòng, họ mua cho con nhiều đồ chơi đắt tiền, thậm chí cho con nhiều tiền để tự ý mua sắm và ăn chơi. Nguyên nhân thứ hai là ngoài xã hội có quá nhiều bạo lực. Hầu như hàng ngày, chúng ta chứng kiến những vụ xô xát có sử dụng hung khí trên đường phố, ở các quán ăn, trong đường làng, ngõ xóm… Nguyên nhân của những vụ xô xát này thường là va chạm giao thông, cái nhìn không thân thiện, mâu thuẫn, tranh chấp tiền bạc, đất đai, tình cảm… Nguyên nhân thứ ba là tỷ lệ ly hôn tăng, số gia đình hỗn hợp ngày càng nhiều. Chưa có con số chính thức (và được kiểm định) về tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam nhưng chắc chắn con số này tăng nhiều so với 30 năm về trước. Điều này dẫn tới việc những gia đình hỗn hợp (của những người kết hôn lần thứ hai, thứ ba…) ngày càng nhiều. Đây là những gia đình có “con anh, con em, con chúng ta” nên đời sống tình cảm khá phức tạp. Ngoài ra, phải kể đến những gia đình của các bà mẹ, ông bố đơn thân. Dù họ có yêu thương con cái như thế nào đi chăng nữa thì vẫn có khiếm khuyết trong việc giáo dục con. Nguyên nhân thứ tư là trong thế giới hội nhập, chúng ta đã đưa cả cái hay lẫn cái dở của nước ngoài vào nước ta. Ở một số nước tiên tiến trên thế giới, phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa, cách ứng xử… của họ có nhiều cái chưa phù hợp với Việt Nam nhưng vẫn được du nhập vào nước ta. Điều này khiến một số trẻ em “sốc văn hóa” ngay tại nhà mình, nước mình nên có hành vi bạo lực. Nguyên nhân thứ năm là sự phân hóa giàu - nghèo tạo ra những mâu thuẫn dẫn đến xung đột. Một điều dễ thấy là không ít con cái nhà giàu thường có thái độ hách dịch, xem thường, trêu chọc con nhà nghèo. Không ít vụ xô xát diễn ra trong nhà trường chỉ vì con nhà nghèo mặc không đúng mốt, đi xe không sang trọng. Ngoài ra, thái độ sùng bái đồng tiền, sùng bái hàng hiệu, sùng bái vật chất cũng góp phần tạo nên cách ứng xử tiêu cực của trẻ em trong mối quan hệ với bạn cùng lớp, cùng trường. Đó là chưa nói tới việc hống hách, cửa quyền của một bộ phận những người thi hành công vụ cũng ảnh hưởng tới sự lựa chọn hành vi của các em. Trong nhiều trường hợp, các em chọn hành vi bạo lực để bày tỏ thái độ phản kháng của mình. Một số giải pháp phòng, chống bạo lực học đường Nếu chúng ta đặt mục tiêu xóa hẳn bạo lực học đường thì rõ ràng đấy là mục tiêu không khả thi. Chúng ta chỉ đặt mục tiêu giảm bớt bạo lực học đường thì mới tìm ra những giải pháp có hiệu quả. Giải pháp đầu tiên: Nâng cao tình thương và trách nhiệm của giáo viên. Giáo viên không chỉ dạy học sinh kiến thức, mà còn dạy học sinh cách làm người. Để làm được điều này, trước hết giáo viên phải có tình thương, sau đó là phải có trách nhiệm đối với học sinh. Dựa vào những điều này, giáo viên mới có thể gần gũi và cảm hóa được học sinh. Như vậy, việc cần làm hiện nay là tìm cách để đội ngũ giáo viên nhận thức được vai trò quan trọng của mình đối với việc hình thành nhân cách của học sinh. Giáo viên làm điều này không chỉ qua lời nói, mà còn phải qua việc làm, nghĩa là giáo viên phải làm gương tốt cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể mở những lớp tập huấn, hoặc phát động đợt sinh hoạt về việc nâng cao tình thương và trách nhiệm đối với học sinh. Giải pháp thứ hai: Cần có cơ chế phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Mỗi năm tổ chức một vài buổi họp phụ huynh là không đủ để gia đình và nhà trường trao đổi thông tin về việc học tập và rèn luyện của học sinh. Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm cần chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tiếp xúc và trao đổi với phụ huynh học sinh. Trong những cuộc trao đổi này, việc khen - chê học sinh phải khách quan và có tinh thần xây dựng. Nên nhớ, khi bạo lực học đường xẩy ra, nhà trường phải là người nhận trách nhiệm đầu tiên. Giải pháp thứ ba: Khẩn trương, bình tĩnh, khách quan giải quyết mâu thuẫn, xung đột. Cần phải thấy rằng, trong nhà trường thường xuyên có mâu thuẫn, xung đột. Vấn đề ở đây là phải kịp thời phát hiện và giải quyết trước khi chúng biến thành những cuộc ẩu đả. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp đội trật tự (sao đỏ, cờ đỏ) và những người bảo vệ. Giải pháp thứ tư: Tạo môi trường an toàn và không khí thân thiện trong nhà trường. Hiện nay hầu hết các ngôi trường đều được xây dựng khang trang và có tường rào để biệt lập với khu dân cư. Hầu hết các ngôi trường đều có bảo vệ (thậm chí là bảo vệ được đào tạo chuyên nghiệp), vì vậy cần sử dụng lực lượng này hiệu quả; tạo cho họ vị thế có thể giúp đỡ để tạo ra sự an toàn trong sân trường. Giải pháp thứ năm: Dựa vào chính quyền và các cơ quan chức năng. Đừng quên là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng có trách niệm bảo vệ nhà trường và tạo điều kiện để thầy và trò học tập và rèn luyện. Do vậy, cần dựa vào chính quyền và cơ quan chức năng để tạo an ninh học đường. Đây là điều mà nhiều trường chưa làm tốt, cần phải khắc phục. Trên đây là một số giải pháp mà nhà trường có thể chủ động thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Còn để giảm bạo lực học đường lâu dài, bền vững thì chúng ta tin vào chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Một khi những biện pháp đồng bộ trong việc quản lý xã hội được thực hiện, nhà trường cũng có những bước phát triển tích cực.