Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân ở Nghệ An

Thứ năm - 10/11/2022 20:31 640 0
Tiếp xúc, đối thoại là diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thông qua tiếp xúc, đối thoại để nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ và người dân nhằm góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, những vấn đề phức tạp... Đồng thời làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 16.480 km2­, địa hình phức tạp; dân số đông, trên 3,3 triệu người; có hơn 468km đường biên giới giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; có 82 km bờ biển; hạ tầng có sân bay, bến cảng, đường bộ và đường sắt Bắc Nam đi qua. Kinh tế, xã hội những năm gần đây phát triển khá, nhu cầu giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội ngày càng lớn, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu tăng cường công tác nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Ngày 30/8/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 2924-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc đối thoại với Nhân dân. Sau 9 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã phát huy hiệu quả và được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đa số kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được tiếp thu và xử lý tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và điểm nóng.
Quá trình triển khai thực hiện Quy chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân: Công văn số 4063-CV/TU, ngày 07/01/2019 về chỉ đạo thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; Kế hoạch số 184-KH/TU, ngày 01/4/2019 về thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Các cấp ủy, chính quyền chủ động đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại vào chương trình công tác hàng năm; kịp thời ban hành các văn bản tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị các nội dung, điều kiện đảm bảo để tổ chức tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo các bộ phận giúp việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp xúc, đối thoại. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại tại một số đơn vị thực hiện nghiêm túc gắn với kiểm tra thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Sau 9 năm thực hiện Quy chế, công tác tiếp xúc, đối thoại trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và từng bước đi vào nền nếp. Từ năm 2012 đến năm 2016, công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở chủ yếu được thực hiện qua tiếp xúc, đối thoại chuyên đề, đột xuất; thông qua tiếp công dân định kỳ của ủy ban nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại của cấp ủy, chính quyền; công tác tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp và qua gặp mặt đầu Xuân giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với các doanh nghiệp, nhà đầu tư; đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện với đoàn viên, thanh niên, công nhân, người lao động,… Từ năm 2017 đến nay, nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành công văn số 4063-CV/TU, công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được triển khai thường xuyên, bài bản hơn. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện và xã đã đưa nội dung tiếp xúc, đối thoại định kỳ vào chương trình công tác hàng năm, có nội dung, chương trình cụ thể.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 4.986 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất với tổng số lượt người tham gia là 392.525, trong đó cấp tỉnh 25 cuộc, cấp huyện 679 cuộc, cấp xã 4.282 cuộc. Tổng số ý kiến được tập hợp là 46.416, trong đó, liên quan lĩnh vực kinh tế có 33.883 ý kiến (chiếm tỷ lệ 73%); văn hóa - xã hội với 6.594 ý kiến (chiếm tỷ lệ 14,2%); quốc phòng - an ninh với 2.979 ý kiến (chiếm tỷ lệ 6,4%); xây dựng hệ thống chính trị với 1.168 ý kiến (chiếm tỷ lệ 2,53%); các vấn đề khác 1.792 ý kiến (chiếm tỷ lệ 3,86%). Tổng số ý kiến được giải quyết tại hội nghị là 40.846 (đạt 87,7%), trong đó: cấp tỉnh có 307 ý kiến (đạt 90%), 36 ý kiến sau hội nghị, đến nay đã được giải quyết; cấp huyện có 3.938 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 85%), 649 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 47 ý kiến chưa được giải quyết; cấp xã có 36.442 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 87,94%), 4.973 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 24 ý kiến, phản ánh chưa được giải quyết.
Ở cấp tỉnh ngoài việc gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp hàng năm, lần đầu tiên (tháng 5/2018) Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND 480/480 xã phường, thị trấn, có 1.034 đồng chí tham dự. Tại Hội nghị, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng từ cán bộ cơ sở, qua đó lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất giải quyết các vấn đề kiến nghị, đề xuất kịp thời, hiệu quả. Thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, hàng tháng (vào ngày 05), Bí thư Tỉnh ủy chủ trì tiếp công dân. Từ tháng 4/2019 đến 30/8/2021, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại 25 cuộc với 151 vụ việc/161 lượt người, trong đó có 617 đơn khiếu nại, 627 đơn tố cáo và 1.574 kiến nghị và nội dung khác. Đến nay đã giải quyết 609 đơn khiếu nại (đạt tỷ lệ 98,7%), 625 đơn tố cáo (đạt tỷ lệ 99,6%), 1.558 kiến nghị và nội dung khác (đạt tỷ lệ 98,9%).
Công tác tiếp xúc cử tri được HĐND các cấp quan tâm, từ năm 2016 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức 32 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tập trung, nhận được 1.640 kiến nghị, đã giải quyết 94,6%; cấp huyện đã nhận được 15.723 kiến nghị, đã giải quyết đạt 86,3%; cấp xã đã nhận được 88.689 kiến nghị, đã giải quyết đạt 86%. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Riêng UBND tỉnh, từ năm 2013 đến nay đã tiếp 5.460 lượt công dân, với 7.659 người đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh. Tổng số đơn tiếp nhận là 7.042 đơn, trong đó có 276 đơn/316 vụ việc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đến nay đã giải quyết 311 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,4%.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực, chủ động trong nắm bắt, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp để cấp ủy, chính quyền tổ chức được 122 hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp huyện, 3.075 hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp xã. Đoàn Thanh niên tổ chức được 78 hội nghị tiếp xúc, đối thoại ở 3 cấp, giữa cán bộ Đoàn với đoàn viên, thanh niên, giữa Thường trực Tỉnh đoàn với cán bộ đoàn xã, phường, thị trấn. Liên đoàn Lao động đã phối hợp với các chủ doanh nghiệp tổ chức được hơn 42 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với công nhân, người lao động với 12.200 lượt người tham gia. Hội Phụ nữ đã tổ chức được 354 cuộc tiếp xúc ở cả 3 cấp, với 15.432 lượt người tham gia. Hội Nông dân tổ chức được 217 cuộc, với 11.213 lượt người tham gia. Hội Cựu chiến binh 127 cuộc, với 10.298 lượt người tham gia.
Như vậy, thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, các cấp ủy, chính quyền đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên, hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh hơn, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn. Kết quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại ngày càng chất lượng và đi vào nền nếp; tinh thần dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia; thành phần tham dự ngày càng mở rộng. Các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân thuộc thẩm quyền cơ bản được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và phát sinh điểm nóng.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiếp xúc, đối thoại tại một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân chưa bài bản, thiếu đồng bộ. Phân công đơn vị chủ trì tổng hợp, theo dõi, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đánh giá, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại của các địa phương, đơn vị chưa rõ. Một số kiến nghị, đề xuất của Nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người gây bất ổn về an ninh trật tự, giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Một số cơ sở thực hiện tiếp xúc, đối thoại còn hình thức, số lượng người dân tham gia chưa nhiều, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình tại địa phương. Phương pháp điều hành đối thoại có nơi còn cứng nhắc, không đặt ra các vấn đề đáng quan tâm để gợi mở người dân tham gia góp ý kiến, thảo luận và đưa ra giải pháp thực hiện. Nắm, tổng hợp tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trước, trong tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế; tham mưu giải quyết ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại còn bị động. Kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở sau tiếp xúc, đối thoại còn chung chung, chưa ghi nhận và giao nhiệm vụ cụ thể giải quyết các vấn đề kiến nghị của Nhân dân. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại có lúc còn lúng túng, chưa đồng bộ, đùn đẩy trách nhiệm và hiệu quả chưa cao. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại chưa được thực hiện thường xuyên. Đánh giá sự hài lòng của người dân sau tiếp xúc, đối thoại chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn, chế, khuyết điểm nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân và thực hiện kết luận, đánh giá sự hài lòng của Nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhạy cảm tại một số cơ sở còn để xẩy ra sai phạm, gây bức xúc trong Nhân dân. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong nắm tình hình, dư luận Nhân dân và giám sát quá trình thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “tư duy nhiệm kỳ”, để lại hậu quả tiêu cực khó khắc phục, giải quyết.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và xử lý, giải quyết kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại, nhất là xử lý kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.
Thứ hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước.
Thứ ba là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, công tác dân tộc, tôn giáo.
Thứ tư là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tiếp xúc, đối thoại.
Thứ năm là, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Thứ sáu là, lựa chọn hình thức, nội dung tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ bảy là, thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại đảm bảo quy trình, chất lượng. Trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại cần phải phân công đơn vị chủ trì tham mưu tiếp xúc, đối thoại. Quá trình tiếp xúc, đối thoại phải có chương trình cụ thể. Sau khi tiếp xúc, đối thoại phải ban hành thông báo kết luận kết quả tiếp xúc, đối thoại; trả lời những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân.
Thứ tám là, thực hiện quy trình xử lý kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại đảm bảo kịp thời, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Thứ chín là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. Hàng năm đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp xúc, đối thoại, thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân./.

Tác giả bài viết: Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây