Có thể nói trong một thập kỷ qua Nghệ An khá thành công trong xây dựng nông thôn mới và trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Nhưng nông thôn mới Nghệ An vẫn chưa định hình được những nét văn hóa mới. Trong khi đó, Nghệ An là một tiểu vùng văn hóa đặc trưng với nhiều giá trị văn hóa được tiếp nối qua bao nhiêu thế hệ. Vậy nên, trong giai đoạn tới, khi đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, Nghệ An phải giải bài toán về xây dựng nền văn hóa mới ở nông thôn mà vẫn lưu giữ được các nét văn hóa đặc trưng.
Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức lại về những đối tượng tham gia vào quá trình kiến tạo nên các giá trị văn hóa mới ở nông thôn hiện nay. Trong xã hội truyền thống, chủ yếu là các chủ thể của nền văn hóa giữ vai trò kiến tạo nên các giá trị văn hóa của họ. Đó là các cá nhân, các hộ gia đình, các nhóm và chính quyền xã. Nhưng hiện nay, xã hội nông thôn đang hướng đến hình thành nền văn hóa đa chủ thể. Trong đó có những người bên trong bao gồm các cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng, nhóm chuyên môn, chính quyền xã; và nhóm bên ngoài là những người có liên quan, có quan hệ giao dịch, hợp tác, tương tác với những người bên trong. Như vậy, các giá trị văn hóa mới được kiến tạo từ nhiều chủ thể khác nhau là đặc trưng trong xã hội nông thôn hiện nay và trong tương lai gần. Trước hết, đó là các giá trị văn hóa cá nhân. Trước đây, trong một cộng đồng thì các giá trị văn hóa cộng đồng được coi trọng, sau đó đến văn hóa nhóm như là các giáp, dòng họ, gia đình. Riêng các giá trị cá nhân ít được để ý, nhiều khi người ta còn phải ấn giá trị cá nhân đi bởi thể hiện rõ quá sẽ có thể bị cộng đồng bài trừ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, giá trị văn hóa cá nhân lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ và thể hiện ngày càng rõ nét. Giá trị cá nhân gắn với tự do, với quyền riêng tư của mỗi con người cụ thể. Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo cần tôn trọng giá trị cá nhân, không đối lập giá trị cá nhân với giá trị cộng đồng, giá trị nhóm mà còn phải đặt giá trị cá nhân vào trung tâm để xây dựng các giá trị văn hóa cộng đồng. Đó là một cách để phát huy giá trị văn hóa truyền thống bên cạnh các giá trị văn hóa mới, xây dựng nên nền văn hóa hài hòa, đa dạng và tiến bộ. Thứ hai là phát huy giá trị văn hóa nhóm mới. Nhóm mới là các nhóm xã hội chia sẻ một số điểm chung và được thiết lập trên tinh thần tự nguyện như nhóm nghề nghiệp, nhóm giới tính, nhóm sở thích…. Nếu các nhóm truyền thống như giáp, dòng họ, hội nghề nghiệp (cũ) có quy chế rõ ràng, liên kết chặt chẽ và ràng buộc lẫn nhau thì các nhóm mới lại hoàn toàn trái ngược, quy chế lỏng lẻo, liên kết yếu và không có sự ràng buộc quá nhiều giữa các thành viên. Nhưng các nhóm mới đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống xã hội nông thôn và họ cũng là một phần không thể thiếu trong phát triển nông thôn giai đoạn tới. Các nhóm này hướng đến sự chia sẻ trên tinh thần tự nguyện của các thành viên. Và nó cũng là một sự bổ sung cho hệ thống giá trị văn hóa của các nhóm truyền thống. Thứ ba là giá trị văn hóa mới từ các thiết chế xã hội mới. Giá trị văn hóa của các thiết chế cũ như làng xã, dòng họ, gia đình vẫn còn phổ biến và sẽ không mất đi trong quá trình phát triển nông thôn. Nhưng bên cạnh đó cũng hình thành các giá trị văn hóa của các thiết chế mới như doanh nghiệp, công ty, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới… Những thiết chế này càng ngày càng có vị trí quan trọng trong xã hội nông thôn. Và các thiết chế này cũng tạo ra những giá trị văn hóa riêng biệt: văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công ty, văn hóa câu lạc bộ, văn hóa hợp tác xã kiểu mới. Nso cũng góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa ở nông thôn. Dễ dàng nhận thấy rằng tầng lớp thanh niên đang ngày càng tham gia vào hoạt động ở các thiết chế mới hơn là các thiết chế cũ. Ở nông thôn, số người đi làm việc tại các daonh nghiệp, công ty ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhiều hơn so với ở lại làm nông gần nhà. Họ gắn với các giá trị văn hóa mới từ các thiết chế mới này nhiều hơn cá thiết chế cũ như làng xã, dòng họ. Phát huy các giá trị của thiết chế văn hóa mới chính là tạo điều kiện để các thiết chế văn hóa này góp phần vào việc định hình hệ thống giá trị văn hóa chung của nông thôn cũng như góp phần vào việc quản trị xã hội, làm cho xã hội phát triển lành mạnh hơn, nhân văn hơn và bền vững hơn. Phát huy các giá trị văn hóa mới vào xây dựng nông thôn mới là quá trình làm cho các giá trị văn hóa này lan tỏa trong cuộc sống ở nông thôn. Các giá trị văn hóa cá nhân khi được coi trọng đúng mức sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân vươn lên sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn và làm việc hiệu quả hơn bởi khi đó con người riêng tư, cá nhân được cởi trói. Giá trị nhóm mới cũng vậy, khi được tạo điều kiện thuận lợi sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển nông thôn. Sự liên kết nhóm nhìn thì lỏng lẻo nhưng sức sống vẫn rất mạnh mẽ. Nó sẽ là nguồn lực mới cho việc định hình các giá trị cộng đồng trong giai đoạn tới. Còn với các thiết chế mới thì dễ dàng nhận thấy hơn bởi càng ngày, vai trò của các doanh nghiệp, công ty, câu lạc bộ hay hợp tác xã kiểu mới càng quan trọng đối với sự phát triển. Tôn trọng các giá trị văn hóa do các thiết chế này tạo ra cũng là một sự thu hút các nguồn lực quan trọng cho phát triển nông thôn. Như vậy, phát triển nông thôn trong giai đoạn mới cần nhận thức rõ và phát huy được các giá trị văn hóa mới đang ngày càng có vai trò quan trọng ở nông thôn.
Một vấn đề quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa mới vào xây dựng nông thôn mới chính là nhận thức về mối quan hệ giữa các yếu tố văn hóa mới và yếu tố văn hóa truyền thống. Nếu xem đây là những giá trị mang tính đối lập nhau thì sẽ rơi vào cực đoan và không tốt cho quá trình xây dựng và phát triển nông thôn. Bởi nếu quá xem trọng yếu tố truyền thống và bài trừ yếu tố mới hay ngược lại đều tác động tiêu cực đến cuộc sống. Các nền văn hóa đều trải qua các quá trình biến đổi và các giá trị văn hóa không phù hợp sẽ mất đi đồng thời các giá trị văn hóa mới hình thành và bồi đắp và nền văn hóa đó. Nói cách khác, quá trình phát triển văn hóa là sự chọn lọc, thay thế giữa các yếu tố văn hóa cũ và mới. Xây dựng nông thôn mới cần nhận thức rõ về quy luật đó. Ở nông thôn Việt Nam, các giá trị văn hóa cũ là sản phẩm của xã hội khép kín, của các nhóm kín với sức liên kết chặt chẽ nhưng lại thiếu sự linh động. Các giá trị văn hóa mới lại được hình thành và phát triển trong quá trình hội nhập, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa nên mang đặc trưng là linh động, cởi mở. Vậy nên, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới cần coi trọng nhiệm vụ kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống với các yếu tố văn hóa mới sao cho hợp lý nhằm tạo nên một bức tranh nông thôn vừa có nền tảng vững chắc của văn hóa truyền thống, vừa có sự cở mở, linh động của nông thôn hiện đại để hội nhập và phát triển. Để làm được điều đó thì cần phải có quan điểm cởi mở, tạo ra một môi trường năng động để các yếu tố văn hóa liên tục được bổ sung, điều chỉnh, cạnh tranh và thay thế. Đây chính là cơ chế để nền văn hóa tự vận động, tiếp nhận và chọn lọc các giá trị văn hóa hợp lý trong quá trình phát triển. Nói tóm lại, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các yếu tố văn hóa mới không ngừng được kiến tạo và các yếu tố văn hóa cũ cũng không ngừng bị thách thức và thay đổi. Các giá trị văn hóa mới thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các giá trị cá nhân, giá trị nhóm và các thiết chế mới được sản sinh. Các giá trị văn hóa mới cùng với các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng bổ sung, điều chỉnh, cạnh tranh và thay thế cho nhau, tạo nên hệ giá trị văn hóa phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Vậy nên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, việc làm sao để phát huy các giá trị văn hóa mới trên cơ sở kết hợp hài hòa với các giá trị văn hóa truyền thống trở thành vấn đề quan trọng và cần phải được coi trọng bởi nó là nguồn lực phát triển cơ bền vững địa phương./.