Chủ động vào cuộc
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao miền Tây Nghệ An, được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc kỳ thú, sơn thủy hữu tình. Bên cạnh đó, ở Con Cuông còn có rất nhiều bản làng Thái cổ xưa, lưu giữ nguyên vẹn những bản sắc văn hóa truyền thống. Tại các bản làng này, nhiều nghề truyền thống hấp dẫn như dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất rượu men lá, nếp cẩm, rượu cần vẫn được duy trì.
Với những lợi thế về cảnh sắc, giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, từ năm 2012 trở đi, Con Cuông đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch canh nông. Qua đó, địa phương đã thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài nước về tham quan nghỉ dưỡng (mỗi năm thu hút từ 30-40 nghìn lượt khách du lịch). Con Cuông cũng dần trở thành một điểm đến khá nổi bật trên bản đồ du lịch Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh những thành quả đạt được, du lịch Con Cuông còn có nhiều hạn chế. Một trong số đó là hiệu quả, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại chưa cao. Huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống đặc sắc như: Dệt thổ cẩm, tre mỹ nghệ, mây tre đan, rượu men lá, rượu cần, cam, mứt cam, rau quả tươi, ẩm thực… hay như chợ phiên, du lịch cộng đồng. Thế nhưng, các sản phẩm này chưa trở thành sản phẩm “quà tặng” du lịch, chưa được du khách mua sắm, sử dụng nhiều.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Chương trình là tiền đề cho việc hình thành, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, trong đó có các sản phẩm phục vụ du lịch.
Nhận thức rõ chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống trở thành sản phẩm hàng hóa và sản phẩm du lịch. Phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chắp cánh cho du lịch, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cũng như cải thiện đời sống người dân. Và ngược lại, sản phẩm du lịch được hoàn thiện thành các sản phẩm OCOP sẽ quảng bá, thu hút du khách về với địa phương.
Từ nhận thức này, huyện Con Cuông đã chủ động phát triển sản phẩm OCOP gắn với “công nghiệp không khói”. Huyện đã phối hợp cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các xã/thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trên địa bàn bắt tay vào xây dựng các sản phẩm OCOP trên cơ sở hoàn thiện từ những sản phẩm du lịch sẵn có. Các nội dung trọng tâm hỗ trợ là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ; tập huấn nâng cao kiến thức, tay nghề; hỗ trợ các nguồn lực theo quy định; hỗ trợ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan.
Để xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, Con Cuông tiến hành định hướng, chọn lựa các sản phẩm một cách có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên các tiêu chí là tiềm năng tiêu thụ của sản phẩm, tính bền vững khi vận hành ra thị trường tiêu thụ, sự lan toả của sản phẩm và đóng góp cho cộng đồng. Huyện đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng sản phẩm, không làm ồ ạt, làm cái nào chất lượng cái đó. Trong quá trình này, Nhà nước sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP ở một số khâu nhất định, đặc biệt là quảng bá sản phẩm.
Việc xây dựng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thành sản phẩm du lịch – OCOP đã đem lại kết quả tốt. Đơn cử như sản phẩm du lịch cộng đồng bản Xiềng (xã Môn Sơn) được hình thành từ năm 2012, được vận hành theo hình thức tổ dịch vụ. Khi xây dựng OCOP, Hợp tác xã Nông nghiệp – Du lịch cộng đồng xã Môn Sơn đã ra đời thực hiện điều hành, kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tại bản Xiềng. Ông Vi Văn Tư - Giám đốc Hợp tác xã này chia sẻ: Khi hợp tác xã đứng ra điều phối thì hoạt động du lịch tại đây trở nên bài bản và mang tính chuyên nghiệp hơn, các dịch vụ tour, tuyến cũng đã được kết nối nhiều hơn.
Hợp tác xã đã triển khai các gói dịch vụ ẩm thực (các món ăn truyền thống của đồng bào Thái); lưu trú (dịch vụ ngủ nghỉ nhà sàn qua đêm) trải nghiệm đi thuyền trên sông Giăng, dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ, uống rượu cần… Các dịch vụ trên được tổ chức dựa trên những yếu tố bản sắc truyền thống kết hợp với yếu tố du lịch có trách nhiệm, sáng tạo. Chất lượng phục vụ du khách ngày càng được nâng cao nên du lịch cộng đồng bản Xiềng đã thu hút 1.000-2.000 khách mỗi năm. Qua đó, đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong bản.
OCOP giúp du lịch cất cánh
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông: Trong 5 năm qua, huyện đã dày công xây dựng nên 7 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao, bao gồm: Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; Mô hình du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê; Sản phẩm dây thìa canh, cà gai leo của Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát; Rượu men lá Lê Đông; Rượu men lá Châu Liên; Rượu nếp cẩm Thảo My… và 16 sản phẩm đạt 3 sao.
Điều đáng ghi nhận là tất cả các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của Con Cuông khi hoàn thiện đều đã được quảng bá, giới thiệu; được khách hàng chấp nhận, tiêu thụ với sản lượng khá. Chị Vi Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Điều phối du lịch Tây Nghệ nhận xét: Sản phẩm OCOP được bày bán, giới thiệu khá dày trên phạm vi toàn huyện, cũng như các điểm lưu trú, khu du lịch. Ở mỗi điểm này đều có nhân viên bán hàng, hiểu rõ và sẵn sàng giới thiệu kỹ về sản phẩm OCOP bản địa. Huyện Con Cuông rất chịu khó tham gia các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Cán bộ và người dân Con Cuông tin tưởng sử dụng và tham gia quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của địa phương. Bản thân các doanh nghiệp, cá nhân tích cực và chủ động quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên vẫn phải nói rằng, cũng như nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An, việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của Con Cuông cũng có nhiều hạn chế, khó khăn, đó là: Quy mô sản xuất còn nhỏ, sản xuất chủ yếu là thủ công, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư; chưa quan tâm đến kiểu dáng, mẫu mã, bao bì chưa đổi mới, các loại giấy chứng nhận. Các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít… Các sản phẩm chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Để sản phẩm OCOP và du lịch Con Cuông cùng phát triển, cất cánh rõ ràng các chủ thể sản phẩm OCOP ở Con Cuông cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm với việc hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ ở tất cả các khâu để cải tiến, nâng cao năng suất. “Thổi hồn” vào sản phẩm bằng những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của địa phương. Đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị trải nghiệm; chú trọng cách thức quảng bá, giới thiệu, khuyến mãi, ưu đãi sản phẩm. Cần đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Tăng cường mối liên doanh liên kết với doanh nghiệp du lịch.
Xác định rõ những mặt được và chưa được của các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của địa phương, huyện Con Cuông đã tạo điều kiện để các chủ thể sản phẩm OCOP đưa các sản phẩm của mình vào các điểm du lịch trên địa bàn để quảng bá, kinh doanh. Đồng thời, huyện Con Cuông đã tiến hành khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của các chủ thể sản phẩm đăng ký trên địa bàn và đang tập trung hỗ trợ, hoàn thiện, phát triển để tiến tới được cấp các loại chứng nhận. Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, Con Cuông đã phối hợp cùng các ngành thực hiện hỗ trợ việc cải tiến phương thức sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Con Cuông cũng tích cực đồng hành cùng chủ thể các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông khẳng định: Mặc dù là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND huyện và các chủ thể OCOP đã và đang tạo ra những bước ngoặt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước làm thay đổi tư duy, biến những tiềm năng, lợi thế từ núi rừng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho chủ thể và người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện… Thời gian tới, Con Cuông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, khai thác hết tiềm năng, góp phần giúp người dân làm giàu ngay chính trên thôn, bản của mình.