Trong 10 năm qua, việc triển khai thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất. Những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), tạo được hành lang pháp lý đối với các mặt công tác nghiệp vụ PCCC&CNCH. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mặt công tác PCCC&CNCH thuộc phạm vi quản lý.
Triển khai quyết liệt, toàn diện các mặt công tác PCCC&CNCH
Giai đoạn 2013-2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 136 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện các mặt công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành hơn 2.800 văn bản; UBND các xã, phường, thị trấn ban hành hơn 50.000 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các mặt công tác PCCC&CNCH trên địa bàn theo phân công, phân cấp quản lý.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó đã huy động được sự vào cuộc, phát huy sức mạnh tập thể của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác PCCC&CNCH.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính căn cơ, chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi, nguồn lực cho các lực lượng làm công tác PCCC&CNCH, như: Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 17/3/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 12/11/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3539/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh về ban hành Đề án “Tăng cường trang bị phương tiện, trang thiết bị bảo đảm yêu cầu công tác PCCC&CNCH cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025”...
Công tác PCCC&CNCH được triển khai nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ban ngành, đoàn thể các cấp trong thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH được duy trì và ngày càng chặt chẽ hơn. Lực lượng Công an đã ký Quy chế phối hợp với 15 Sở, ngành trong tổ chức triển khai thực hiện công tác đảm bảo ANTT, an toàn PCCC&CNCH. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh ký kết Hiệp đồng phối hợp đảm bảo an toàn PCCC đối với các đơn vị quốc phòng đóng quân trên địa bàn tỉnh...
Xây dựng và nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC
Xác định hoạt động của các mô hình bảo đảm an toàn PCCC là “Cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền các cấp đến cơ sở, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, chủ công là lực lượng Công an tăng cường xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn. Trong đó, tập trung đối với 06 nhóm đối tượng trọng điểm về PCCC, gồm: Bệnh viện; Chợ; Trường học; Khu chung cư; Khu dân cư tập trung nhiều nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Nhà máy, cơ sở sản xuất liên quan đến hóa chất, nguyên liệu, hàng hóa dễ cháy.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, các điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 386 mô hình Khu dân cư an toàn PCCC; 257 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; 16 mô hình Trường học an toàn PCCC; 06 mô hình khu di tích an toàn PCCC; 06 mô hình rừng an toàn PCCC; 05 mô hình chợ an toàn PCCC; 02 mô hình bệnh viện an toàn PCCC; 01 mô hình cơ sở sản xuất an toàn PCCC; 01 mô hình chung cư an toàn PCCC; 01 mô hình khu công nghiệp an toàn PCCC...; 01 mô hình “Tiếng kẻng phát thanh phòng gian, phòng cháy”. Ngoài ra, toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng và nhân rộng 1.022 Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ, hẻm trong khu dân cư có chiều sâu từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không thể tiếp cận khi có cháy, nổ.
Các mô hình sau khi được xây dựng, nhân rộng đã phát huy hiệu quả, nhiều vụ cháy đã được kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ thời điểm phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Công tác kiểm tra, tự kiểm tra về PCCC được thực hiện nghiêm túc
Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh đã tổ chức 03 đợt thanh tra chuyên ngành, 29 đợt kiểm tra liên ngành và 142 đợt kiểm tra chuyên đề; tổ chức kiểm tra định kỳ 228.229 lượt. Qua công tác kiểm tra kịp thời phát hiện 28.223 tồn tại, ban hành 19.855 công văn kiến nghị đề nghị cơ sở khắc phục; lập 4.845 biên bản vi phạm hành chính; ban hành 4.845 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, CNCH với tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng. Lực lượng chức năng tạm đình chỉ hoạt động đối với 210 cơ sở, đình chỉ hoạt động đối với 05 cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC.
Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy vai trò của người đại diện các cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và các cá nhân trên địa bàn ngày càng được nâng cao; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức PCCC và các biện pháp an toàn cho cán bộ, công chức và người lao động trong phạm vi quản lý của mình. Cùng với đó, các cơ sở, hộ gia đình cũng đã tổ chức công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục nhưng thiếu sót về PCCC, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong quá trình sử dụng thiết bị điện, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, bố trí hàng hóa, vật tư đảm bảo khoảng cách an toàn và lối thoát nạn… Phương tiện PCCC tại chỗ được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 92 Đội PCCC chuyên ngành với 907 đội viên (trong đó 04 Đội hoạt động theo chế độ chuyên trách, 88 Đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách); 6.352 Đội dân phòng với 44.925 đội viên; 28.362 Đội PCCC cơ sở với hơn 300.000 đội viên.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Nghệ An đang quản lý 82 phương tiện cơ giới các loại, cụ thể: 28 xe chữa cháy, 03 xe thang chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, 04 xe trạm bơm, 07 xe CNCH, 13 xuồng, canô chữa cháy, CNCH…và hàng trăm các phương tiện, trang thiết bị khác phục vụ công tác huấn luyện và chiến đấu.