Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An

Thứ hai - 29/06/2020 04:53 806 0
Thực trạng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An đang đặt ra nhiều thách thức cho các ngành chức năng và cộng đồng cư dân trên địa bàn. Để góp phần giải bài toán bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây, chúng tôi đề xuất bộ giải pháp gồm 2 nhóm: nhóm giải pháp bảo tồn và nhóm giải pháp phát huy
Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An


1. Nhóm giải pháp bảo tồn di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An
1.1. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở và nhân dân trong vùng về giá trị và lợi ích của việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể gắn với phát triển kinh tế, giáo dục truyền thống, tạo ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa. Đổi mới công tác tuyên truyền tạo sự đột phá, chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp lãnh đạo về vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của di sản văn hóa vật thể trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Sinh hoạt văn hóa tâm linh tại đền Chiêng Ngam xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
1.2. Xây dựng một số chính sách ưu tiên, mang tính đặc thù cho miền Tây Nghệ An trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nhất là đối với các di sản có giá trị cao gắn với phát triển kinh tế du lịch, khơi dậy cảm hứng cộng đồng, thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia;
Xây dựng chính sách huy động ngân sách nhà nước kết hợp lồng ghép với các chương trình theo lĩnh vực. Chính sách khuyến khích để huy động vốn đầu tư của xã hội như lập quỹ bảo tồn di sản, kinh tế di sản…, nguồn vốn đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…chính sách khuyến khích người dân tổ chức và tham gia các hoạt động về văn hóa, tài trợ, đóng góp tài chính cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bao gồm các hình thức đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác công tư, bán vé một số di tích, danh thắng nổi tiếng cho khách tham quan.
1.3. Khuyến khích các nông lâm trường sau khi giải thể, sát nhập chuyển giao các hiện vật lưu giữ, trưng bày tại nhà truyền thống về nhà truyền thống huyện để quản lý, bảo quản, trưng bày phục vụ khách thăm quan và nhân dân trên địa bàn.
1.4. Kiểm kê, đánh giá, phân loại các di sản văn hóa vật thể, lập hồ sơ xếp hạng, làm căn cứ khoa học và pháp lý cho việc bảo vệ di tích. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, đánh giá giá trị di tích, các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu, đủ các tiêu chí để lập hồ sơ xếp hạng và thực hiện khoanh vùng bảo vệ.
1.5. Thanh tra, kiểm tra và giám sát công tác thi hành luật di sản văn hoá và các pháp luật liên quan trong quá trình tổ chức hoạt động bảo tồn, phát huy di sản.
2. Nhóm giải pháp phát huy di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An
2.1. Xây dựng chiến lược truyền thông đa dạng, phù hợp với trình độ, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, quảng bá hình ảnh của di tích, danh thắng, tiềm năng, thế mạnh của miền Tây Nghệ An thông qua các ấn phẩm quảng cáo, tờ gấp, sách hướng dẫn, các hội chợ, triển lãm, phát trên loa phát thanh của các xã, làng, bản. Tăng cường công tác giao lưu, trao đổi với các cơ quan văn hóa, bảo tàng trong tỉnh, trong nước và thế giới.
Hợp tác với đài truyền hình Trung ương, đài truyền hình địa phương xây dựng nội dung phim tư liệu, phóng sự, video về các di tích, danh thắng, giới thiệu di tích thông qua các chương trình “điểm đến cuối tuần”, “đến từ di sản”, “bước ra từ bảo tàng”...
2.2. Chính sách ưu tiên đầu tư cho các di tích danh thắng nổi tiếng về giá trị lịch sử, lễ hội, văn hóa để tạo ra nguồn lực văn hóa thu hút du khách và các nhà đầu tư, các nhà tài trợ.
Ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích khai thác các giá trị văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng như: hệ thống nhà sàn; các nghề thủ công truyền thống; ẩm thực; văn hóa mặc và các loại hình nghệ thuật truyền thống: văn nghệ dân gian (xuôi, nhuôn, khắp, múa sạp, múa dỗ ống (tăng bu)...), các câu lạc bộ dân ca, các lễ hội văn hóa, lễ hội văn hóa tâm linh.
2.3. Tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể thông qua việc đánh giá, lựa chọn những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo cơ bản, đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về các văn bản của nhà nước, về nghiệp vụ trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể cho đội ngũ cán bộ đang làm việc hiện nay.
2.4. Xây dựng chính sách ưu tiên trong công tác đầu tư đối với các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, các tuyến đường nối các di tích danh thắng, các điểm đến, các tua du lịch cộng đồng và hạ tầng du lịch: Điện, nước, cơ sở lưu trú, nơi nghỉ dưỡng,vv.
2.5. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa vào việc bảo vệ, phát huy hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An.
Miền Tây Nghệ An là vùng đất có nhiều tiềm năng về di sản văn hóa vật thể, từ di tích lịch sử đến danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Đó là một trong những điều kiện quan trọng để hình thành và phát triển kinh tế di sản ở miền Tây Nghệ An, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc ở các huyện miền Tây Nghệ An


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây