Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và sức sống tại miền quê Hưng Nguyên

Chủ nhật - 29/11/2020 21:42 388 0
Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa kết tinh từ đời sống lao động, sản xuất và chiến đấu hàng nghìn năm qua của nhân dân trên dải đất núi Hồng sông Lam. Vừa qua UNESCO đã chính thức vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng đối với loại hình dân ca độc đáo được hình thành trong lao động và sinh hoạt của cư dân hai tỉnh 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cùng với đó là sự phấn khởi và luôn cảm thấy tự hào của hàng vạn người dân xứ Nghệ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian này cũng đang sống và phát triển ngay tại mảnh đất Hưng Nguyên – một miền quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.
         Câu lạc bộ Ví Giặm xã Hưng Tân  là một trong những đơn vị không chuyên được đánh giá cao của tỉnh. Dù thành phần chủ yếu trong câu lạc bộ là người dân lao động đơn thuần, nhưng họ đã dàn dựng được hàng chục tiết mục dân ca hết sức độc đáo và có giá trị. Các nghệ sĩ của câu lạc bộ dân ca này đã phần nào tái tạo thành công các trò diễn xướng dân gian và đan cài những tình cảm thời đại với những khúc hát ca ngợi quê hương, đất nước. Rất nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, mang đến cho nhân dân địa phương những chương trình vừa đậm chất truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại, những buổi văn nghệ hết sức có ý nghĩa.
        Trải qua nhiều thời đại, các làn điệu dân ca Ví Giặm đã góp phần hết sức to lớn vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ cho người dân Nghệ Tĩnh, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống giàu bản sắc của nước ta. Với việc UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành động lực, tiếp thêm nguồn sinh lực để làn điệu dân ca Ví, Giặm mãi lan rộng trong lòng dân tộc. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa kết tinh từ đời hàng nghìn năm qua của nhân dân trên dải đất núi Hồng sông Lam. Nên giờ đây  không chỉ những nghệ sĩ chuyên nghiệp, những người lớn tuổi mới có sự đam mê mà ngay cả tầng lớp thanh thiếu niên cũng vậy. Từ nhiều năm qua, ngoài việc phát động phong trào tập và biểu diễn hò Ví, Giặm sâu rộng trong đời sống nhân dân, Hưng Nguyên đặc biệt chú trọng  đào tạo bài bản về dân ca truyền thống cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các trường học trên địa bàn huyện đã đưa dân ca vào trường học với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phong phú; tạo nên sự thích thú, hào hứng đối với học sinh.    
         Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn Hưng Nguyên đã có đến 6 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm. Đáng mừng hơn là phần lớn các câu lạc bộ đã chú trọng đến yếu tố nguyên gốc ở môi trường, không gian và hình thức diễn xướng, kể cả trang phục, đạo cụ, cảnh trí thông qua các thể hát chính như hò,Ví, Giặm.
         Giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại với sự du nhập của nhiều loại hình âm nhạc, thế nhưng, có thể nhận thấy, tại mảnh đất Hưng Nguyên, dân ca ví giặm  vẫn  có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân. Lời ca tuy mộc mạc, giản dị, song nó đã lay động đến những gì sâu thẳm nhất trong mỗi tâm hồn con người. Để rồi từ đó mỗi người thêm yêu và tự hào với những giá trị truyền thống của quê hương. 
         Dân ca ở mỗi vùng miền đều mang những màu sắc âm hưởng khác nhau. Câu hò ví giặm sâu thẳm ân tình được sinh ra từ trong lao động, từ bến nước sân đình, từ những đêm hát phường hát hội. Nó gợi lên niềm thương nỗi nhớ với người đi xa và là sợi chỉ xe duyên với những người ở lại. Tính cách của con người Nghệ Tĩnh hồn hậu, chất phác, vậy nên câu hát dân ca cũng chân chất, đằm thắm mà say đắm lòng người./.

Tác giả bài viết: Thanh Trà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây