Mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào người Thái và người Thổ nơi đây vẫn giữ được những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng riêng của mình.
Đối với người Thái, vào những ngày cận tết, nhà nhà, người người nô nức chuẩn bị quần áo, đồ ăn, và các trò chơi dân gian. Thường 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng lớn nhất trong năm, sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng và sáng 30 nhà nhà luộc bánh trưng.
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).
Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường, đặc biệt là mặc áo Thái dài và đeo thêm một số đồ trang sức khác. Trước đây, đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào tối 28, 29 hoặc 30. Người ta thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, ông Mó lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, ông Mó đích thân buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Trong đêm giao thừa, người lớn ngồi quây quần bên bếp lửa để chào đón những giây phút quan trọng, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để định đoán thời tiết. Nếu như con nai rừng kêu trước thì sang năm mới sẽ làm ăn khó. Nếu như con mèo mà kêu trước thì sang năm mới sẽ loạn cọp (hổ)… Còn các chàng trai, cô gái tiếng trống chiêng, tiếng hát giao duyên vẫn vang lên đều đặn trong đêm giao thừa. Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm giao thừa. Đồng bào quan niệm rằng nếu bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn.
Trước đây đồng bào Thái có tục lấy nước cầu may. Nước đối với người Thái là mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Nếu như lấy nước mà gà đã gáy rồi thì sẽ không còn ý nghĩa. Nước để lấy là nước suối, nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt, trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó họ cùng gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.
Sau nghi lễ lấy nước cầu may, các thành viên trong gia đình bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Người Thái lấy thủ và bốn chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là nhưng món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt giàng, bánh chưng… Mâm cúng thường có từ 2-3 mâm, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ dưới chân cầu thang… và những vong hồn của những người chết oan, chết trẻ, chết nơi đầu đường xó chợ. Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô. Con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng một Tết. Ngày mồng một tết, bố mẹ, hay chủ nhà không ra khỏi nhà chờ con rể đến chúc phúc. Tối ngày mùng một hay mồng hai họ đã làm lễ tạ. Đối với đồng bào dân tộc Thái hết sức giữ gìn lời ăn tiếng nói, không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau...
Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất trong những ngày Tết là hội “phọn cồng, phọn cóng” nổi tiếng, người dân tha hồ vui chơi nhảy sạp, tung còn trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Hội vui thường kéo dài cho đến rằm tháng giêng.
Bên cạnh đó, đồng bào người Thái còn tổ chức các lễ Tết cơm mới, mừng nhà mới (tết uống rượu), rồi đến tết ông Táo, tết đón sấm đầu năm, tết Síp Sí (14/7 âm lịch), tết độc lập (2-9)…
Khác với đồng bào người Thái, người Thổ Qùy Hợp đón tết thường đơn giản hơn, nhưng cũng không kém phần ấm cúng. Thường vào tuần thứ ba của tháng chạp, các gia đình người Thổ đã gần như kết thúc công việc, giành thời gian mua sắm, soạn sửa nhà cửa để đón tết. 30 tết, người Thổ tổ chức lễ cúng gia tiên cuối năm “Khắp ấn”. Lễ cúng cũng đơn giản chỉ 01 cỗ xôi, gà, rượu để báo với tổ tiên “Hôm nay là ngày cuối năm, con cháu đã chuẩn bị các đồ lễ tết đầy đủ, xin phép được tạo mộ, chỉnh trang nhà cửa, bàn thờ tổ tiên”.
Vào đêm 30 tháng Chạp, người Thổ sửa soạn 01 cỗ xôi gà, trà, rượu, tùy điều kiện từng gia đình bổ sung thêm thịt trâu, thịt bò, hoa quả, kẹo, bánh (không có bánh chưng) đặt lên bàn thờ để cúng mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Sáng mồng một tổ chức ăn tết, có: xôi, gà và chuẩn bị được cái gì thì đặt lên bàn thờ cúng gia tiên, sau lễ cúng cả gia đình sum vầy, tổ chức ăn tết chúc phúc cho nhau.
Khác với các đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, người Thổ chỉ mời một số người cao niên, trưởng họ, người uy tín trong làng đến ăn tết cùng gia đình chứ không mời đại trà cả làng. Một điểm khác nữa là đến sáng mồng hai người Thổ mới dâng lên tổ tiên các loại bánh chưng, bánh tét, bánh rán… thay mâm cỗ xôi gà. Đến sáng mồng ba tết thì soạn 01 mâm xôi gà để cúng tiễn tổ tiên trở về chốn cũ.
Sau lễ cúng tổ tiên ngày mồng ba tết, người Thổ mới bắt đầu tổ chức các hoạt động dân gian truyền thống của mình như: Ném còn, chơi đu, hát đối, đánh cồng chiêng, đi thăm hỏi chúc phúc cho nhau ở trong làng ..., Đây cũng là điểm khác so với các DTTS khác tổ chức đánh cồng chiêng, hát đối, nhảy múa trong ngày tết của gia đình.
Đón tết cổ truyền mỗi một dân tộc thiểu số đều có nét văn hóa đặc trưng riêng, tuy nhiên vẫn nằm tựu chung trong văn hóa tết cổ truyền người Việt. Dù ngày tết có bận rộn, có nhiều thứ để lo toan thì người Việt mỗi năm đều mong đến tết. Trải qua hàng nghìn năm, cuộc sống đã có nhiều biến đổi, nhưng tết của người Việt nói chung và đồng bào thiểu số nói riêng vẫn không thay đổi.