PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA ĐỊA PHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở XÃ THÀNH SƠN, HUYỆN ANH SƠN

Thứ hai - 27/02/2023 08:22 802 0
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động văn hóa văn nghệ tại bản Bộng - Ảnh Đình Ngọc
Hoạt động văn hóa văn nghệ tại bản Bộng - Ảnh Đình Ngọc
Bản Bộng xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn là một bản nằm bên tả ngạn của dòng sông Con. Có 240 hộ, 1.028 khẩu. Bản có 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống lâu năm. Có 6 dòng họ anh em cùng chung sống: Họ Lô, Họ Lương, Họ Vi, Họ Ngân, Họ Lữ, Họ Hà. Bản có cảnh quan sơn thủy hữu tình, Dân cư sinh sống được phân bố theo ô bàn cờ (4 gia đình 1 ô), có bãi tắm 3,5 ha bên bờ sông Con, Miếu bản Buung nằm dựa lưng vào núi ngoảnh mặt ra sông, có nhiều ngôi nhà sàn Thái cổ nhất trong các bản, có hồ sen nằm giữa trung tâm bản... Bản Bộng là bản đạt danh hiệu “Làng văn hóa dân tộc thiểu số” cấp tỉnh đầu tiên của tỉnh cũng như cả nước, được công nhận vào năm 1997. Bản được huyện Anh Sơn đánh giá cao về việc duy trì các hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Thái như cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp,... Duy trì và phát triển tốt các lễ hội mang đậm đà bản sắc dân tộc như: lễ cầu mùa, lễ mừng lúa mới; nhiều món ẩm thực truyền thống phong phú: Canh bon, cá nướng, gà nướng, cơm lam, xôi ép, mooc rêu, bánh sừng bò,... phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển. Nhiều năm liền luôn giữ vững danh hiệu Bản văn hóa, không có người sinh con thứ 3, An ninh chính trị thôn bản luôn đảm bảo, hoạt động của hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay xã Thành Sơn đang trong giai đoạn xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới cuối năm 2022, Bản Bộng đã tiên phong góp phần rất lớn trong phong trào xây dựng nông thon mới của xã Thành Sơn.
Tôi đánh giá cao về mô hình xây dựng bản làng văn hóa tại bản Bộng xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn. Bà con dân tộc Thái luôn có ý thức trong việc giữ gìn nếp sống văn hóa trong sinh hoạt, đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chỉnh trang diện mạo quê hương, làng bản, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh; thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, có nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa riêng có của tộc người Thái. Phát huy các nghề truyền thống, giữ nếp nhà sàn kiến trúc Thái cổ, lưu giữ, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống và các nhạc cụ dân tộc... đặc biệt lễ hội “Cầu mùa” vào ngày 05/01 Âm lịch) và lễ hội “Mừng lúa mới” vào ngày 05/5 (Âm lịch) được bản duy trì từ lâu đời. Việc xây dựng bản làng văn hóa gắn với xây dựng diện mạo nông thôn mới được thực hiện theo phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, việc nào thuộc về nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc trách nhiệm tập thể thì cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chú trọng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển của đồng bào, trẻ hóa câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ,... thông qua việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, thành lập các câu lạc bộ như: câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ bóng chuyền hơi của hội người cao tuổi, câu lạc bộ hát Khắp, hát Nhuôn,... hàng năm bản tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ với các bản trong huyện.
Đảng bộ và chính quyền nhân dân xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn đã xây dựng Đề án về xây dựng làng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững trên quan điểm: (i) Du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới; (ii) Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng của bản Bộng; (iii) Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả và bền vững.

Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn nhưng phục dựng được các nét văn hóa đặc trưng từ xa xưa của người Thái xã Thành Sơn nói chung và bản Bộng nói riêng. Hứa hẹn thời gian tới bản Bộng xã Thành Sơn là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh./.

Tác giả bài viết: Ths Hoàng Đình Ngọc - VPĐP Nông thôn mới tỉnh Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây