Thời tiết ở Nghệ An rất khắc nghiệt và thất thường, lúc trời nắng thì chói chang, mùa hè thì nhiệt độ thường lên tới 38 - 40 độ C, mùa mưa lại thường xuyên, mưa nhiều xối xả làm ngập úng hỏng hết rau màu, mùa đông lại rất lạnh xuống đến 10 -12 độ, thời tiết khí hậu thay đổi thất thường rất rõ rệt, nên trồng trọt chăn nuôi làm gì cũng khó, khó cả trồng rau màu.
Để việc trồng rau đạt được hiệu quả thì ta phải căn cứ các yếu tố sau:
Hạt giống, giống cây phải có nguồn gốc, khi sản xuất ra giống phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, không có mầm bệnh, chất lượng giống phải tốt thì mới cho năng suất chất lượng.
Dinh dưỡng của đất, thông thường cây phải chăm bón theo khoa học kỷ thuật, luôn đảm bảo dinh dưỡng, cây thích hợp với độ pH từ 6,5 – 7, là trung tính, phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Độ ẩm của đất, phụ thuộc vào một số loại cây trồng, độ ẩm tốt nhất giao động từ 60% – 80%, nhất là trồng rau thì độ ẩm giúp cây phát triển tốt.
Nhiệt độ, về nhiệt độ phụ thuộc vào vụ mùa và thời tiết, nếu thời tiết nóng quá cũng sẽ rất ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Dựa vào những đặc điểm đó thì ở Nghệ An, việc trồng rau trên sân thượng rất khó đảm bảo, chính vì thế người dân rất ngại trồng và chỉ trồng được một vụ xuân là phù hợp với các yếu tố trên, nên người dân không mặn mà lắm, mà nhu cầu trồng rau lại rất cao.
Bởi thực trạng từ trước tới nay, người dân thường sử dụng các loại xô, chậu, khay nhựa, thùng xốp để trồng rau, trồng hoa, trồng cây cảnh và cây ăn quả, rồi bỏ đất và cát vào, chăm bón phân. Một thực tế khi trồng như thế này thì sẽ gặp tình huống, nếu trời nắng quá thì đi với nóng, tưới buổi sáng trưa thì đất khô, thậm chí là khô vón cục làm cây không đủ ẩm để phát triển, khi trời mưa thì thường kèm theo gió, loét choét, làm cho cây liêu xiêu không tiêu được nước, bị ngập cục bộ, kéo thời gian dài sẽ bị thối rễ, hỏng cây, kéo theo mầm bệnh, nên dẫn đến người dân chưa mặn mà lắm, vì rất bỏ ra nhiều công chăm sóc mà lại kém hiệu quả.
Nhận thấy được điều này, tôi đã dày công nghiên cứu đưa ra phương pháp, cách trồng rau trên sân thượng, bước đầu đã thành công, tạo ra cho mình mô hình ưng ý.
Trước tiên, để làm vườn trên sân thượng, phải làm chống thấm thật tốt, có độ dốc tiêu nước tốt, có chỗ thoát nước như làm bể bơi, sau đó chia ô, chia thửa, cách nhau khoảng 1m, đồng thời phía trên là lối đi thì phía dưới là mương thoát nước, có tác dụng kép, như vậy khi trời mưa phải đảm bảo được hệ thống thoát, để rau không bị ngập úng, và làm như vậy ra vườn không bị bẩn chân, ra thường xuyên, đi được quanh thì sẽ phát hiện sâu bệnh và xử lý kịp thời.
Chuẩn bị hệ thống tưới, bởi trên sân thượng thì tưới là một yếu tố quan trọng, bởi khi trời nắng to, nắng lâu, nhiệt độ cao thì phải thường xuyên tưới để luôn giữ ẩm, tạo độ ẩm hạ nhiệt độ cho cây phát triển bình thường.
Sau đó, thay vì bỏ đất, vì đất khi nắng sẽ làm cho nó vón cục, mưa thì ngập cục bộ không đảm bảo đến chất lượng cây trồng, tôi đi xin mụn cưa thải, rồi đi xin xỉ than nơi cửa hàng ăn uống về đập vụn, trộn lại với nhau theo tỉ lệ 1:1, dùng chế phẩm sinh học Compost Maker ủ cho nhanh hoai, trộn đều vào nhau rồi tưới nước, đem ủ trực tiếp tại vườn sân thượng, tạo thành một khuôn viên diện tích rộng, thay vì xô chậu gây tốn kém, chắm sóc phức tạp mất tính thẩm mỹ.
Thực chất, đây là một loại giá thể, nếu đầu tư mua xơ dừa giá thành khá cao, nếu bỏ đất, bỏ cát thì nó sẽ nén chặt cây khó sống, như ta đã biết là kém hiệu quả, nếu làm giá thể nhỏ thì chi phí đắt gấp ba mà không phù hợp với thời tiết và khí hậu ở Nghệ An, và không trồng được cây quanh năm, mặt khác đi xin mùn cưa và xỉ than là chi phí không đồng, một mặt lại giải quyết được vấn đề rác thải cho xã hội thải ra môi trường, mà cây tươi tốt thì phụ thuộc vào kiến thức khoa học và kỷ thuật về dinh dưỡng mà mình chăm bón.
Với tư duy đúng, và những căn cứ khoa học trong thực tiễn trên, tôi đã quyết định làm thí nghiệm, thí điểm và bắt tay vào để thực hiện mô hình, sau một tháng chuẩn bị đi thu gom mụn cưa, xỉ than về xử lý, với diện tích trên sân thượng 40m2, tôi dùng đến 10 khối mụn cưa trộn với xỉ than, san dày 25cm là đủ để trồng các loại cây sống cạn như rau rồi, thành ô, thành thửa trông rất đẹp mắt, ban đầu đang để cho nó chuyển hóa thành mùn đất, nên được tưới nước thường xuyên, để nó nhanh hoai, bước đầu tôi đã hoàn thành mặt bằng, ủ hoai và tiến hành trồng cây.
Trồng cây được chia thành các nhóm sau: Rau sống, rau thơm, rau nấu canh, nghiêng về rau dược liệu, để tăng thêm dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh.
Khi vại hạt rau cũng phải có mẹo, đầu tiên phải ngâm hạt vào trong nước ấm từ 8 đến 10 tiếng để cho hạt căng ra, khi đó đủ ẩm nó sẽ nhanh mọc mầm và lên đều, các loại rau đúc bằng hạt đừng vại rồi khỏa đất, như vậy sẽ có hạt nằm thấp năm cao, sau này mọc cũng không đều lắm, dẫn đến cây to cây nhỏ, đặc biệt đối với hạt mà có cây thể trạng yếu như rau mùi, cây thì là,… lấy dao xiết thành từng hàng sâu khoảng 4cm, hàng cách hàng khoảng 5cm, sau đó rải hạt xuống lấp lại, như vậy sau khi cây mọc sẽ chắc rễ và mưa không bị giập bị xói, vừa lên đều, vừa chắc, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, nếu sau này mình có muốn gối vụ thì trồng giữa khoảng cách hai hàng đó.
Với những loại rau có những đặc tính riêng, cũng cần phải có kiến thức để chăm sóc, sau khoảng 3 tháng vườn rau đã được lấp kín, bước đầu đã bén với đất, lúc này ta thường xuyên theo dõi để chăm sóc, ngắt tỉa và chăm bón, khi đất đã hoai thì thấy những lợi ích như sau, khi tưới nước xuống thì khoảng 30 giây nước đã rút, không lo ngại cây bị ngập úng, đặc biệt loại giá thể này giữ ẩm được rất lâu, khoảng 4 đến 5 ngày mới hết ẩm, khi thấy cây hơi kém phát triển, thì rải một ít phân chuồng, phân xanh mỏng ở trên mặt đất, sau đó tưới nước phân sẽ ngấm đều, không giống như trồng đất phải trộn đều, và cây có thể mọc rễ dài trong phạm vi đất trồng, lại tơi xốp nên phát triển rất tốt, cây càng nên xanh tốt.
Đặc biệt lưu ý trong quá trình trồng cây, thì sẽ xuất hiện một số loại bệnh, nấm. khuẩn, sâu, bọ,…nên mình ra vườn thường xuyên nên phát hiện sớm ngăn ngừa được nên không bị lây lan, nếu tưới nước là tưới vào giờ chiều trời vừa mát, lại ngừa các loài bướm đẻ trứng hạn chế bớt sâu bệnh.
Với một khu vườn nhỏ xinh trên sân thượng, với diện tích 40m2, hàng ngày tôi thường hái một nắm rau thơm và một nắm rau nấu canh với nhiều loại khác nhau, đủ phục vụ cho một gia đình 5 người ăn, tự túc rau không phải đi chợ, ngoài ra còn trồng thêm các loại dưa chuột, trồng ổi, trồng cóc, phục vụ thêm dinh dưỡng cho gia đình.
Khi khu vườn đã đi vào ổn định thì việc chăm sóc cũng trở nên dễ dàng hơn, vừa tạo nguồn rau sạch, vừa thỏa nổi đam mê, có một không gian xanh ngay trong ngôi nhà của mình, hiên nay có rất nhiều người có cùng đam mê đến tham quan học hỏi, và nhân rộng mô hình, hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều mô hình vườn trên sân thượng, tạo không gian xanh nơi đô thị.