Khởi nghiệp với mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Nam Đàn

Thứ bảy - 12/10/2024 11:22 45 0
Khởi nghiệp với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, lựa chọn của nhiều thanh niên. Với sức trẻ cùng nhiều ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp trên chính đồng đất quê hương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Trong đó điển hình có chàng thanh niên trẻ Lê Cảnh Hiếu sinh năm 1989, trú tại xóm 5, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn là một trong những kỹ sư trẻ tuổi khởi nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 
Xã Nam Anh huyện Nam Đàn là một trong những xã có địa hình bán sơn địa, đất đai rất cằn cỗi khó sản xuất nhưng với lợi thế xã hội ngày càng đổi mới, các con đường mở rộng thuận tiện cho các xe phân khối lớn vào thu mua nông sản nên Anh Hiếu vẫn quyết tâm tận dụng quỹ đất đai rộng lớn của gia đình để sản xuất nông nghiệp bền vững. Với nguyện vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê nhà, tốt nghiệp khoa Nông Lâm Ngư - Trường Đại học Vinh, sau khi ra trường với kinh nghiệm hơn một năm làm việc ở Isarel và nhiều năm công tác ở lĩnh vực giống cây trồng, anh khởi nghiệp bắt đầu bằng làm vườn. Năm 2018, để thực hiện ý tưởng này anh không ngại gom góp toàn bộ hơn 500 triệu đồng của bản thân và gia đình để cải tạo đất vườn và mua sắm trang thiết bị, cây giống.  Trong đó, để sớm có thu nhập, chàng kỹ sư trẻ đã dành hơn một nửa diện tích để trồng ổi và táo Đài Loan vì đây là loại cây dễ trồng và dễ tiêu thụ. Số đất còn lại, một phần anh trồng cam Xã Đoài, phần còn lại anh tổ chức ươm cây giống, ngoài ra anh còn được hỗ trợ xây dựng khu nhà lưới ứng dụng công nghệ cao 1000m2 để luân canh sản xuất rau củ quả an toàn.
Thời gian đầu, anh Hiếu tìm tòi nghiên cứu và đã đầu tư sản xuất thành công mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng. Toàn bộ cây dưa đều được trồng trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý mầm bệnh, trộn lẫn với đất, các loại phân bón vi sinh và ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động. Sau 3 tháng thâm canh, cây dưa lưới phát triển tốt, sạch sâu bệnh, đạt năng suất khoảng 2,5 - 3tấn quả/1000m3; cho doanh thu khoảng 80 - 90 triệu đồng/vụ, ngoài ra diện tích ổi lê Đài Loan cũng cho thu nhập cao, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 15.000 - 20.000đ/kg. Như vậy, gia đình anh thu nhập từ các loại cây trồng bình quân trên 250 triệu đồng/năm.
Với thành công ban đầu đã tiếp thêm sức mạnh và niềm đam mê, đến cuối năm 2019, anh Lê Cảnh Hiếu đã mở rộng quy mô sản xuất thêm 1 nhà lưới với diện tích 1000m2, đến năm 2022 anh đã xây dựng thêm 1 nhà lưới với diện tích 2000m2. Như vậy, diện tích sản xuất công nghệ cao của gia đình anh hiện tại 4000 m2.

Khi đến tham quan mô hình gia đình anh Lê Cảnh Hiếu thực sự chúng tôi rất ngưỡng mộ và tự hào, trên mảnh đất cằn sỏi đá có chàng thanh niên rất trẻ tuổi rất nhiệt huyết và đam mê làm kinh tế rất giỏi. Nhìn anh tươi cười toát lên hình ảnh một người nông dân chân chất thật đáng khâm phục. Anh phấn khởi chia sẻ: “Làm nông nghiệp là phải hết sức tâm huyết, chăm sóc cây và đất tỷ mỉ thì mới có thu nhập. Ban đầu, khi lập nghiệp tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư sản xuất, nhưng hiện tại thì sản phẩm và giá trị nông nghiệp công nghệ cao nó mang lại lợi ích thực sự cho gia đình và cộng đồng”. Hằng năm, anh Hiếu luân canh sản xuất để vừa tăng thu nhập vừa giảm hiện tượng sâu bệnh hại. Vụ xuân hè trồng dưa lưới, dưa chuột, vụ Thu đông trồng cà chua leo, Vụ đông xuân trồng các loại rau củ quả như: rau cải, xu hào, bắp cải,…Sản phẩm của anh hiện nay đã đi vào chuỗi cửa hàng siêu thị trong và ngoài tỉnh. Cứ như vậy sản xuất quanh năm, riêng với diện tích nhà màng 4000m2 sau khi trừ chi phí đầu tư bình quân cho thu nhập 360 triệu đồng/năm,  ngoài ra anh còn giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn trong xóm.
Bằng niềm đam mê làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê nhà và ứng dụng nền nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, mô hình của thanh niên Lê Cảnh Hiếu đã đưa lại nhiều kết quả khả quan ngay trên mảnh  đất cằn, trở thành mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Nam Đàn.

 

Tác giả bài viết: PV - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây