KỸ THUẬT TRỒNG CÂY HƯƠNG BÀI

Thứ sáu - 15/10/2021 00:22 3.370 0
Cây hương bài là loại cây lâm sản ngoài gỗ mọc tự nhiện ở trong rừng ở nhiều nơi. Cây hương bài là cây có giá trị kinh tế cao, dễ sống, dễ trồng, ngắn ngày, có thể trồng thuần loài hay trồng xen với cây rừng, cây ăn quả khác theo mô hình nông lâm kết hợp (Vải, nhãn, keo...). Nhiều vùng đã gây trồng và cho thu nhập cao, giúp dân thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả.
  1. Một số đặc điểm và giá trị của cây hương bài
    1. Một số đặc điểm cây hương bài
Cây Hương bài (hương lâu, rễ hương, huệ rừng, lưỡi dòng, rẽ quạt…) có tên khoa học là Dianella ensifolia dc (Dianella odorata lamk. Dianella javanica sandwicensis hook. Et arn. Dieanella nemorposa (I) Dc), là cây thân thảo, thuộc họ lúa. Cây có chiều cao từ 40 - 50 cm, có thể tới 1 m, lá mọc so le, có bẹ lá ôm lấy thân hai bên hình nan quạt, Lá có hình mũi mác dài 40 – 70 cm, rộng 1,5 – 3,5 cm, không có cuống. Hoa mọc thành cụm, ở tận cùng dài từ 10 - 20 cm, mọc thành thùy xim ngắn. Hoa màu tím nhạt, nụ hình trứng, mỗi hoa có 3 lá đài, 3 cánh trắng, 6 nhị, bầu hình cầu và 3 ngăn. Quả mọng, khi chín có màu tím sẫm, hay màu xanh đen, hình cầu, đường kính từ 8 - 9 mm, có 1 - 3 hạt hình trứng, mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 5 hoặc tháng 9 tháng 10.
Hương bài phân bố nhiều nơi thuộc các tỉnh phía bắc và miền trung, là loài cây ưa khí hậu nóng ẩm, ưa sáng nhưng cũng có thể chịu bóng, có khả năng chịu được nắng hạn và rét lạnh. Cây có thể sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất feralit, đất phù sa, đất đồi núi ít chua, thoát nước và không bí chặt. Cây phát triển và sinh trưởng thích hợp nhất là đất Feralit màu đỏ vàng, cho rễ có màu vàng và rất thơm.
    1. Giá trị của cây hương bài
Cây hương bài có rễ màu vàng, có chứa tinh dầu mùi hương thơm đặc trưng, dễ chịu nên thường được nhân dân khai thác làm nguyên liệu sản xuất hương được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài ra cây rễ hương còn dùng để chế biến dược liệu, chất khử mùi, khử độc, diệt chuột, diệt côn trùng…
Cây hương bài có bộ rễ chùm, ăn sâu, bám chắc vào đất nên tạo nên kết cấu bảo vệ đất, chống xói mòn tốt. Ngoài ra, lá mọc dày, nếu trồng với mật độ thích hợp thì hạn chế được nước mưa xói mòn, rửa trôi đất mặt. Có thể trồng thuần hoặc trồng xen với cây lâm nghiệp, cây ăn quả tăng chức năng phòng hộ của rừng.
  Cây hương bài có giá trị kinh tế cao nên người dân một số địa phương gây trồng và phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.
  1. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hương bài
    1. Kỹ thuật chọn đất trồng
            Cây hương bài phù hợp với nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là loại đất Feralit màu đỏ vàng có xen lẫn sỏi đá tại vùng miền núi, trung du Nghệ An, cây cho năng suất, chất lượng tốt, rễ hương có màu vàng rơm và rất thơm. Hương bài có thể trồng vùng đất bằng hoặc đất dốc, không nên trồng trên đất dốc quá 15o vì khó canh tác, dễ bị xói mòn rửa trôi. Nếu trồng ở đồi cao thì nên trồng cây hương bài từ 1/3 chân đồi trở xuống. Không trồng hương bài vùng đất trũng, đọng nước hoặc vùng đất thấp bị mưa lũ gây ngập úng. Nên quy hoạch vùng đất trồng tập trung hoặc những thửa đất có diện tích đủ lớn từ 0,3 ha trở lên tiện cho việc trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ.
    1. Thời vụ, phương thức và mật độ trồng
- Thời vụ trồng: Hương bài mỗi năm có thể trồng vào 2 vụ: Vụ xuân từ tháng 1 – 3, vụ thu từ tháng 8 – 10.
- Phương thức và mật độ trồng: Cây hương bài có thể trồng thuần loài (đất vườn nhà, vườn rừng, đất trống canh tác sau nương rẫy…) hoặc trồng xen cây lâm nghiệp, cây ăn quả… Nếu trồng thuần mật độ khoảng 60.000 cây/ha, trồng xen khoảng 30.000 cây/ha.
    1. Chuẩn bị giống
Cây hương bài có thể nhân giống trồng bằng hạt, bằng hom hay tách gốc. Tuy nhiên, phương pháp tách gốc dễ làm, dễ áp dụng.
- Chọn cây mẹ có nhiều cây con thời kỳ bánh tẻ (không già, không non), không bị sâu bệnh hại và ít nhất từ 10 - 12 tháng tuổi trở lên, chiều cao cây mẹ từ 50 cm trở lên.
- Hom gốc chừa bẹ lá cao  4 - 5 cm, tách 2 – 3 hom/gốc. Tách xong hom nên đem đi trồng ngay để tránh mất nước. Nếu tách vào buổi sáng để chiều trồng thì trước khi trồng ngâm qua nước lạnh 30 phút mới đem trồng.
- Nếu chưa trồng kịp thì có thể đào hom gốc giốngcó ít nhất 2 mắt trở lên, tách từng hom rồi đem giâm vườn ươm 20 - 25 ngày đem trồng.
    1. Cách xử lý thực bì, làm đất
- Xử lý thực bì: Đối với đất sau khi thu hoạch các loài cây lâm nghiệp cần vệ sinh sạch sẽ bằng cách gom các càn h nhánh, lá lại, phơi khô và đốt; Đối với đất có cây bụi tái sinh, sử dụng máy cắt phát hết cây bụi, băm nhỏ, phơi khô gom lại đem đốt; Đối với đất sản xuất nông nghiệp thì chỉ cần cuốc cỏ dại gom lại, phơi khô và đem đốt; Thời gian phát dọn trước lúc trồng từ 1,5 – 2 tháng.
- Làm đất: Đất có địa hình tương đối bằng phẳng và độ dốc thấp có thể cày lật đất. Sau đó tiếp tục bừa kỹ đất, lên luống hoặc chừa rãnh thoát nước. Đất có độ dốc lớn hoặc có nhiều gốc cây thì cuốc lật đất toàn diện hoặc cuốc đất theo băng, theo đám.
    1. Phân bón và phương pháp bón phân
- Lượng phân bón cho 1 ha: + Đối với trồng thuần: Vôi bột 400 – 500 kg, Phân chuồng hoai: 8 -10 tấn, NPK loại (8: 10: 3): 900 kg. Đất xấu có thể bón bổ sung đạm Urê: 80 – 140 kg/ha.
+ Đối với trồng xen thì lượng phân bón các loại giảm đi ½ so với trồng thuần.
- Cách bón: +  Bón lót: Sau khi cày bừa xong bón toàn bộ vôi vột, rạch hàng bón lót toàn bộ phân chuồng và phân NPK.
+ Bón thúc: Những nơi đất xấu bón bổ sung phân Urê. Thời gian bón thúc sau khi trồng được 4 - 6 tháng kết hợp với xới đất và làm cỏ.
    1. Đào hố hoặc rạch hàng
- Sau khi đất được cày bừa kỹ, nếu đất bằng có thể sử dụng cày, cuốc rạch theo hàng:
- Rạch hàng sâu 15 - 20 cm, rộng 10 – 15  cm.
- Cự ly trồng: Hàng cách hàng: 50 cm x 50 cm, cây cách cây: 30 x 30 cm. Hoặc có thể trồng dày hơn với cự ly hàng cách hàng: 40 cm x 40 cm, cây cách cây: 25 cm x 25 cm.
- Nếu đất dốc và trồng xen cây lâm nghiệp, cây ăn quả thì cuốc hố theo từng đám với kích thước hố 30cm x 30cm x 30 cm.
    1. Cách trồng
- Đặt gốc hoặc thân rễ xuống rạch, nghiêng 1 góc 45o, trồng từ 2 - 3 dảnh/gốc
- Lấp đầy đất, lấy tay ấn hoặc lấy chân dậm chặt quanh gốc.
- Nơi đất có độ dốc cần bố trí hàng theo đường đồng mức, cuốc rãnh vơi đất xuống phía dưới dốc, đặt hom lên phía trên.
- Khi trồng nên bố trí trồng hàng so le theo hình nanh sấu.
- Sau khi trồng cây hương bài, thường xuyên kiểm tra nếu cây bị chết, động vật, côn trùng phá  hại thì tiến hành trồng dặm.
    1. Chăm sóc, bảo vệ
Mỗi năm chăm sóc, làm cỏ cho hương bài từ 2 – 3 lần.
- Lần 1: Sau khi trồng 2 – 3 tháng tiến hành làm cỏ, phá váng, xới đất và vun gốc.
- Lần 2: Cách lần 1 từ 2- 3 tháng, tiến hành làm cỏ, bón bổ sung phân Urê nếu thấy cần thiết và vun gốc. 
- Lần 3: Cách lần 2 từ 2 – 3 tháng, tiến hành nhổ cỏ, xới vun đất.
- Bảo vệ gia súc súc, gia cầm phá hại: Cần làm hàng rào bằng dây kẽm, tre mét hoặc đào hào ngăn cách trâu bò, dê… phá hại. 
    1. Cách phòng trừ sâu bệnh hại
Cây hương bài rất ít bị sâu bệnh hại. Tuy nhiên, khi trồng thuần loài nhiều năm thường xuất hiện bệnh đốm vằn (khô vằn).
- Nguyên nhân: Do nấm Rhizoctonia solani sống trong đất gây ra. Mầm bệnh lây lan chủ yếu qua nước tưới, đất mang mầm bệnh và tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh vụ trước hoặc mầm bệnh từ cây bị bệnh từ nơi khác tới.
- Triệu chứng: Trên bẹ lá xuất hiện các vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành vết vằn da hổ dạng đám mây. Khi bị nặng, cả bẹ lá và lá phía trên bị chết lụi. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt đất là nơi phát sinh trước sau đó lan lên các lá phía trên.
- Điều kiện phát sinh: Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Nhiệt độ khoảng 24 – 32o C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Bón thừa đạm, bón đạm nhiều lần, bón không cân đối NPK cùng với gieo trồng với mật độ cao tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh.
- Biện pháp phòng trừ
+ Làm vệ sinh vườn trồng, thu gom sạch tàn dư cây bệnh từ vụ trước, tập trung lại đem đốt. Cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng.
+ Không sử dụng vườn giống đã bị nhiễm bệnh để trồng. Trồng theo mật độ thích hợp, không trồng dày quá, bón phân theo tỷ lệ cân đối NPK, phân chuồng phải được ủ hoai mục.

+ Có thể dùng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân chuồng hoai hoặc tưới trực tiếp vào đất có tác dụng phòng được nhiều bệnh, trong đó có bệnh đốm vằn.
+ Kiểm tra vườn cây thường xuyên, phát hiện sớm mầm bệnh, nếu ít có thể nhổ bỏ đem đốt. Khi diện tích bị nhiễm từ 20% thì sử dụng một số loại thuốc hóa học như Camilo 150SC, Chevil 5SC, Tilt 250ND, Anvil 5SC, Rovral 50WP... để phòng trừ. Liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật hoặc nhà sản xuất.
  1. Kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản hương bài
    1. Thu hoạch
- Thời gian thu hoạch: Hương bài là cây trồng hàng năm, 1 năm là có thể thu hoạch hoặc có thể để lâu hơn nhưng thường không quá 16 – 18 tháng.  Cây trồng vào vụ xuân tháng 1 – 2 thì thu hoạch vào tháng 1, 2 năm sau. Nếu trồng vụ thu tháng 8 -10 thì thu hoạch từ tháng 10 – 12 năm sau.
- Thu hoạch: Chọn những ngày nắng, khô ráo, tổ chức thu hoạch rễ hương. Dùng cuốc, xẻng... bới đất xung quanh gốc hương bài, nơi có điều kiện đất bằng phẳng thì có thể cày lật đất. Dùng tay nhổ toàn bộ cây lên, đập rũ sạch đất cát bám vào rễ hương. Dùng dao sắc cắt sát gốc chừa thân cây từ 15 – 25 cm tính từ gốc hoặc cắt theo yêu cầu của khách hàng.
    1. Sơ chế
- Rễ hương sau thu hoạch đem phơi khô trên nền xi măng, gạch hoặc phơi trên bạt, nilon.
- Có thể dùng máy ép, ép bớt nước để phơi khô thì thời gian phơi rút ngắn chỉ có 2 - 3 ngày.
- Nếu thời tiết mưa ẩm kéo dài có thể cho vào lò sấy để sấy khô.
    1. Bảo quản
 Sau khi rễ được phơi, sấy khô cho vào bao tải 2 lớp, lớp trong bằng bao nhựa PVC (nilon), lớp ngoài bằng tải đay cho vào kho cất trữ thoáng mát, khô ráo. Hoặc sau khi phơi khô cho vào máy đập bột xay nhỏ cho vào bao nilon chở đến nơi tiêu thụ hoặc để làm nguyên liệu sản xuất hương.   

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây