MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẦN LƯU Ý TRONG VỤ SẢN XUẤT HÈ THU 2024

Thứ bảy - 12/10/2024 11:27 105 0
Đề án tổ chức sản xuất vụ hè thu và vụ màu năm nay đã được Sở NN&PTNT triển khai sớm để các địa phương thực hiện. Với mục tiêu phấn đấu gieo cấy 79.500 ha lúa, năng suất bình quân 47,30 tạ/ha, sản lượng 376.070 tấn. Trong đó, lúa hè thu 56.900 ha, năng suất 51,0 tạ/ha, sản lượng 290.190 tấn; lúa mùa 22.600 ha, năng suất 38,0 tạ/ha, sản lượng 85.880 tấn. Ngoài ra còn gieo trồng 12.000 ha ngô, trong đó có 3000 ha ngô sinh khối; 680 ha lạc; 2200 ha đậu đỗ các loại; 2600 ha vừng và 11.400 ha rau màu khác.
Để đạt được các mục tiêu nói trên trong vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay như đã nói trên sẽ gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu gây ra tình trạng nắng nóng, hạn, mặn đến sớm, nguồn nước ở các sông suối, hồ đập giảm mạnh, nhiều cánh đồng lúa xuân hiện nay đang vào thời kỳ trổ bông và chín thiếu nước tưới nghiêm trọng, nhất là vùng bơm điện lấy nguồn nước từ sông Lam lên.
Vì vậy, vụ sản xuất hè thu và vụ mùa năm nay phải xác định là vụ sản xuất gặp khó khăn lớn do nắng nóng, hạn hán xẩy ra nghiêm trọng và từ đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho sâu bệnh các loại, chuột phát triển, phá hoại mạnh.
Nguy cơ nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng:
Năm 2023 được xác định là năm nắng nóng, hạn hán và nhiệt độ không khí cao nhất kể từ năm 2023 trở về trước. Năm 2024, được dự báo sẽ là năm nắng nóng, hạn hán và nhiệt độ không khí còn cao hơn năm 2023 do hoạt động của ELNino kéo dài đến tháng 5 và ảnh hưởng của nó sang đến các tháng 6, 7 và 8, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính (ENSO) và sau đó nữa chuyển sang pha La Nina vào các tháng cuối năm, lúc ấy mới có mưa.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, dị thường, cực đoan, khó đoán định. Có lẽ, từ trước lại nay chưa bao giờ đang trong tháng 3, chưa sang mùa hè mà nắng nóng lên đến 420C ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam và trên 410C ở các huyện Tương Dương, Nghĩa Đàn Nghệ An.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, khu vực Bắc Trung Bộ từ tháng 5 đến tháng 7 nắng nóng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cường độ nắng nóng xẩy ra gay gắt, khó lường. Nhiệt độ không khí từ tháng 3 đến tháng 9 cao hơn TBNN cùng kỳ từ 1 – 1,50C, trong đó nhiệt độ các tháng 6 và 7 ở Nghệ An có thể cao hơn trên 1,50C, do ảnh hưởng của gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh. Lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6 thấp hơn TBNN từ 10 – 20% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) ở 1.061 hồ đập lớn nhỏ tính đến đầu tháng 4/2024 cho thấy: Số hồ đập do các Công ty TNHH Thuỷ lợi quản lý 103 hồ, hiện có hơn 92% tổng số hồ có dung tích nước chứa hữu ích thiếu hụt so với dung tích thiết kế, cụ thể: có 8 hồ đầy nước, chiếm 7,7%, cùng kỳ 2023 có 6 hồ; có 47 hồ dung tích trên 70% dung tích thiết kế, chiếm 45,63%, cùng kỳ 2023 có 58 hồ; có 29 hồ có dung tích từ 50 – 70% dung tích thiết kế, chiếm 2,8%, cùng kỳ 2023 có 25 hồ; có 19 hồ có dung tích từ dưới 50% trở xuống, chiếm 18,4%, cùng kỳ 2023 có 14 hồ.
Các hồ đập do các địa phương quản lý có 958 hồ. Lượng nước trong các hồ chứa hiện tại chỉ có 186 hồ khá đầy nước, chiếm 19,41%; có 537 hồ có dung tích nước chứa đạt trên 70% dung tích thiết kế, chiếm 56,05%; có 235 hồ có dung tích nước chứa đạt từ 30 – 70% dung tích thiết kế, chiếm 24,53%.
Hồ thuỷ điện Bản Vẽ, hồ chứa nước lớn nhất hiện nay ở Nghệ An có dung tích nước thiết kế lên đến 1.835 triệu m3, dung tích nước chứa hiện tại là 1.434,3 triệu m3, đạt 78,2%.
Lưu lượng nước hiện tại trên các con sông ở Nghệ An, nhất là sông Lam xuống thấp nhất so với cùng kỳ này TBNN. Mực nước sông Lam chảy qua cống bara Nam Đàn chỉ ở mức 0,25 – 0,30 m/1,15 m so với thiết kế để đưa nước vào kênh Thấp phục vụ nước tưới cho 19.000 ha lúa ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Vinh, Cửa Lò.
Những hiện tượng thời tiết được dự báo nói trên, cùng với thực tế về nguồn nước tưới hiện có ở các hồ đập, sông suối, ao hồ… Cảnh báo trước cho chúng ta biết nắng nóng, hạn hán sẽ xẩy ra rất nghiêm trọng, trước mắt là vụ sản xuất hè thu và vụ mùa sẽ gặp khó khăn lớn để chúng ta sớm chủ động có biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thời tiết gây ra.
Một số biện pháp sản xuất cần lưu ý:
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, nhiều địa phương trong tỉnh bước vào thu hoạch vụ lúa xuân năm nay, sau đó tiến hành gieo cấy lúa hè thu. Nhưng vụ sản xuất hè thu năm nay đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra. Vì vậy, đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần lưu ý thực hiện tốt mấy biện pháp sau đây:
Thứ nhất: Theo báo cáo sơ bộ của các huyện, thành, thị bước đầu toàn tỉnh có 4.265 ha diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu năm nay có nguy cơ bị hạn nặng, không có đủ nguồn nước tưới. Con số này còn có thẻ nhiều hơn nữa, vì khả năng nắng nóng và hạn hán còn có thể xảy ra rất nghiêm trọng trong những ngày tháng sắp tới, khó tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần rà soát, tính toán, cân đối nguồn nước tới có thể và không thể đủ tưới cho vụ sản xuất hè thu năm nay, nhất là ở các vùng bán sơn địa, vùng cao cưỡng, vùng cuối kênh; vùng bơm điện ven sông Lam, sông Hiếu, sông Con và vùng tưới nước các hồ đập nay đã khô cạn nước… Tất cả những vùng nói trên, nếu không còn đủ nguồn nước tưới suốt cả vụ sản xuất lúa thì cần chủ động chuyển sang gieo trồng sớm các cây trồng ngắn ngày, như: ngô sinh khối, khoai lang tủ rơm rạ, lạc, vừng, đậu đỗ và các loại cây rau màu khác… tuyệt đối không nên bỏ hoang.
Thứ hai: Tất cả các địa phương và các cơ sở sản xuất khuyến cáo bà con nông dân giữ nước tại ruộng, tuyệt đối không tháo nước khô cạn trong ruộng trước khi gặt lúa xuân để dễ dàng thu hoạch lúa, rơm rạ.
Thứ ba: Chỉ nên tập trung gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 ngày trở xuống, càng ngắn ngày càng tốt, như các giống: Khang dân đột biến, Khang dân 18, TBR 97, PC6, HN6, SV181, Việt Lai 20… Các giống lúa này vừa có năng suất khá cao, vừa ngắn ngày cho thu hoạch sớm để tránh né bão lụt cuối vụ và thời gian sử dụng nước tưới ít hơn.
Thứ tư: Gieo cấy được càng sớm càng tốt và chỉ nên gieo mạ để cấy. Gieo cấy sớm để cho thu hoạch sớm với phương châm “thu hoạch xong lúa xuân đến đâu, làm đất gieo cấy lúa hè thu đến đó, làm ngày không đủ làm đêm”. Hạn chế đến mức thấp nhất gieo sạ (gieo thẳng) để tiết kiệm nước. Vì trước khi gieo sạ, ruộng phải tháo khô cạn nước, gây lãng phí nước, trong lúc đang cần nước chống hạn. Mạ gieo để cấy, gieo trước khi thu hoạch lúa xuân khoảng 8 – 10 ngày, gặt xong lúa xuân cấy ngay.
Vụ hè thu này nếu được gieo cấy các giống ngắn ngày, gieo mạ để cấy, gieo cấy sớm thì sẽ cho thu hoạch xong cơ bản trước ngày 5/9, chậm lắm cũng không sau ngày 10/9 để tránh thiên tai bão lụt thường xẩy ra từ sau ngày 10/9 hàng năm trở đi ở Nghệ An.
Thứ năm: Chủ động phòng chống sâu bệnh và chuột. Theo dự báo của Chi cục trồng trọt và BVTV thì vụ hè thu 2024 có khả năng sẽ xuất hiện nhiều loại sâu bệnh phá hoại, nhất là: chuột, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn… Vì vậy, các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cần có kế hoạch và biện pháp tổ chức diệt chuột, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của chuyên ngành BVTV từ tỉnh đến huyện, thành, thị.

 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây