Giải quyết dứt điểm các tồn tại trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm, nghiệp

Thứ năm - 07/12/2023 10:57 399 0
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra vào sáng 7/12, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt đã đăng đàn trả lời chất vấn về nội dung: Công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và tổng đội thanh niên xung phong. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới.
Giải quyết dứt điểm các tồn tại trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm, nghiệp
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt đăng đàn trả lời. Ảnh TH

Đề xuất 6 giải pháp nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và công ty nông, lâm, nghiệp

Anh-tin-bai

Đại biểu Lê Thị Thêu, Đơn vị Tân Kỳ nêu ý kiến

Đại biểu Lê Thị Thêu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý giải quyết vấn đề 05 hộ dân tại xóm Tân Phong, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ đã làm nhà ở, sinh sống ổn định từ những năm 1992 đến nay nhưng vẫn nằm trong ranh giới sử dụng đất của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, trong quá trình lập phương án để trình UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con thì để lại một phần diện tích đất mà 5 hộ dân đã sinh sống từ năm 1992 đến nay tại xã Tân Phú. Khi tiếp nhận được thông tin phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra để rà soát, lập phương án sử dụng đất theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản tiến hành thu hồi phần diện tích đất 5 hộ dân đang sử dụng. Dự kiến trong tháng 12 này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đối với phần diện tích đất của 5 hộ dân đang sinh sống tại xã Tân Phú thuộc đất của công ty và bàn giao về huyện Tân Kỳ để thực hiện các bước công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sau khi rà soát đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan.

Đối với nội dung đại biểu Thêu nêu về giải quyết hài hòa giữa việc quản lý, sử dụng đất của các đơn vị Công ty nông lâm nghiệp, BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các Tổng đội Thanh niên xung phong và nhu cầu đất sản xuất của người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra 6 giải pháp thực hiện, gồm: Thứ nhất, UBND cấp huyện đẩy nhanh việc lập, phê duyệt phương án sử dụng đất để giao đất cho nhân dân địa phương quản lý. Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện sẽ tổ chức rà soát quỹ đất của công ty nông, lâm, nghiệp và các Tổng đội sử dụng không hiệu quả, khoán trắng để tiếp tục bàn giao về cho địa phương để giao nhân dân sản xuất, phát huy hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Thứ ba, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai, hoạt động sản xuất của các công ty nông, lâm, nghiệp và các Tổng đội.

Thứ tư, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát kỹ, bóc tách các diện tích đất của các công ty nông, lâm, nghiệp, các Tổng đội có đất của nhân dân đã sử dụng, đã được công ty giao trái thẩm quyền để làm nhà ở như 5 hộ dân ở Tân Kỳ để tiếp tục rà soát, bàn giao cho địa phương. Thứ 5, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại 3 loại rừng, trong đó có diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên sang đất rừng sản xuất để giao người dân sản xuất. Thứ 6, rút kinh nghiệm các đợt tổ chức rà soát bàn giao đất về cho địa phương quản lý theo đúng quy định, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát chặt chẽ quỹ đất tránh trường hợp sai sót như trước đây.  

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (đơn vị Quỳnh Lưu) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đã bàn giao đất cho người dân sử dụng đã lâu nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ do không đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trường hợp đất do các hộ xây dựng làm nhà ở trước thời điểm thành lập của các công ty nông, lâm, nghiệp, các Tổng đội TNXP thì sẽ thu hồi, bàn giao cho địa phương để tiến hành cấp GCNQSDĐ cho người dân. Đối với các hộ xây dựng nhà ở do nông, lâm, trường và Tổng đội giao, phải xử lý giao đất trái thẩm quyền theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính Phủ và theo Quyết định 28/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh để cấp GCNQSDĐ cho dân. Thời gian qua, thực hiện Thông báo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch rà soát rất cụ thể các đối tượng sử dụng đất trái thẩm quyền để tập trung giao đất, cấp GCNQSDĐ. Giám đốc Sở TN&MT cũng đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất tồn đọng theo Kế hoạch 85, trong đó có đất trái thẩm quyền.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường , một trong những nguyên nhân chưa cấp GCNQSDĐ do chưa đo đạc, hiện nay, diện tích đất cũng như kinh phí đo đạc rất lớn. Trong giai đoạn tới, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh cố gắng bố trí được 50% kinh phí theo quy định của Trung ương, nếu được thì khoảng 3, 4 năm sẽ tiến hành giải quyết cơ bản xong các tồn tại này.

Trường hợp những hộ nào thật sự cấp thiết để được cấp GCNQSDĐ thì có thể thực hiện bằng cách tự đóng tiền khoảng 1,5 triệu/thửa, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành đo đạc, trích lục, trích đo làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn thì địa phương báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường giao Văn phòng đăng ký đất đai tham mưu xử lý. Về lâu dài, Chính phủ đã có Quyết định số 32/QĐ-TTg về đo đạc, quản lý đất nông, lâm, trường và UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án trong thời gian tới sẽ tiến hành lập thiết kế kỹ thuật dự toán và trình UBND tỉnh phê duyệt, cho triển khai việc đo đạc trả đất về cho nhân dân ổn định sản xuất. Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nội dung này.   

Sẽ thu hồi phần diện tích đất Tổng đội Thanh niên xung phong đã giải thể trong năm 2024

Anh-tin-bai
 
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy An, Đơn vị Anh Sơn nêu ý kiến. Ảnh TH

Trả lời nội dung đại biểu Nguyễn Thị Thúy An băn khoăn về việc Tổng đội Thanh niên xung phong 1 (Anh Sơn) được giao quản lý hơn 300 ha đất đến nay đã được giải thể nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tổng đội Thanh niên xung phong 1 được giao 500ha đất tại Quyết định số 1613 ngày 17/10/1986. Qua báo cáo của huyện Anh Sơn, năm 2016, Tổng đội đã thực hiện bàn giao đất cho các xã Khai Sơn, Cao Sơn, Long Sơn quản lý, đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi đất. Qua sà soát hồ sơ, ngày 20/2/2013, UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo thực hiện các nội dung này đối với huyện Anh Sơn và các xã liên quan; trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, dự kiến trong quý I/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành lập thiết kế kỹ thuật dự toán xong. Trong năm 2024, sẽ thực hiện việc đo đạc, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích Tổng đội đã giải thể để bàn giao cho nhân dân sử dụng.

Về nội dung đại biểu Thúy An phản ánh, năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 1.536,78 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn (đã giải thể) theo Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 02/6/2010 tại xã Phúc Sơn để bàn giao về cho địa phương quản lý; trong đó có nhiều diện tích đất nhân dân đã xây dựng làm nhà sinh sống ổn định; tuy nhiên, từ đó đến nay chưa được đo đạc, lập hồ sơ địa chính để cấp GCNQSDĐ cho người dân.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trước khi có Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ, có 2 vấn đề tồn tại xảy ra. Thứ nhất là khi Công ty lâm nghiệp Anh Sơn giao khoán xong, giải thể nhưng không thanh lý hợp đồng (đến năm 2043 mới hết thời hạn), Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành rà soát nội dung này để tham mưu UBND tỉnh xử lý vấn đề tồn tại. Thứ hai, trong xã Phúc Lợi hiện đang khoanh luôn phần đất của bà con sản xuất từ lâu, hiện có nhiều phần đất trả về tuy nhiên chưa tiến hành đo đạc được. Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với huyện và giao Văn phòng đăng ký đất đai đến khảo sát, kiểm tra, tiến hành giúp huyện Anh Sơn trong đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho dân.

Đại biểu Vương Quang Minh đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để thực hiện giải phóng mặt bằng quỹ đất đã được UBND tỉnh thu hồi của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nông nghiệp Sông Hiếu bàn giao cho địa phương quản lý làm cơ sở cho UBND huyện thực hiện việc chia lại đất sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân khác đang thiếu đất. Đồng thời, cho biết kế hoạch thu hồi phần diện tích chưa có quyết định thu hồi khoảng 95 ha tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.  

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với phần diện tích đã bàn giao, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng quản lý đất đai tiến hành lập dự toán để thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý. Đối với phần diện tích 95ha, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục giao các phòng của Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan và Văn phòng quản lý đất đai thiết kế kỹ thuật dự toán, tham mưu UBND tỉnh thu hồi, cố gắng năm 2024 sẽ thu hồi phần diện tích đất này giao về huyện Quỳ Châu quản lý.

Trả lời nội dung của đại biểu Hoàng Lân (đơn vị Nghi Lộc) về công tác phối hợp trong việc thu hồi đất nông, lâm, trường trả lại cho địa phương để giao cho người dân sử dụng và trong tổng số 12,794.36 ha có bao nhiêu diện tích đất người dân không muốn nhận vì không thể sản xuất,... Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện công tác phối hợp, tham mưu UBND tỉnh thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý là 12,794.36 ha. Hiện UBND các huyện đang tiến hành lập phương án, một số huyện đã lập phương án và đã giao cho người dân. Trong tổng số 12,794.36 ha có 9.000 ha đất sản xuất được, hơn 3.000 ha đất còn lại gồm đất ở, đất đồi núi đá, đất sông suối, đất giao thông... khi nào tiến hành đo đạc xong mới có được số liệu chính xác.

Để ngăn chặn tình trạng Công ty CP Tổng công ty chè Nghệ An đã thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện việc rà soát lại các hộ nhận khoán, tài sản trên đất của người dân gây khó khăn trong việc quản lý của địa phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tổng diện tích đất thu hồi của các công ty chè với diện tích hơn 3.800ha và trong quá trình thực hiện, các đơn vị chưa tiến hành rà soát hết đất công ty chè đã giao cho dân ở, đất khoán trắng cho các hộ dân nên xảy ra một số vi phạm, tồn tại, bất cập trên địa bàn huyện Con Cuông. Qua ý kiến cử tri, tháng 11 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc sử dụng đất của công ty chè trên địa bàn huyện Con Cuông. Sau kỳ họp HĐND tỉnh, các đoàn tiếp tục làm việc, rà soát diện tích sử dụng đất của công ty chè báo cáo tỉnh xử lý các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Anh-tin-bai

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân, Đơn vị Thanh Chương đề nghị cho biết giải pháp để đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhằm sớm ổn định cuộc sống; giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp GCNQSDĐ có nguồn gốc từ nông lâm trường hiện nay. Ảnh TH

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh TH

Về nội dung khả năng cân đối nguồn lực, giải pháp, lộ trình tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để giải quyết các tồn tại trong việc đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp GCNQSDĐ có nguồn gốc từ nông lâm trường hiện nay, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết, về nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc, giao đất, cấp GCNQSDĐ thuộc nhiệm vụ theo Đề án của Chính phủ. Theo đó, nguồn vốn thực hiện là nguồn ngân sách Trung ương và địa phương trong khả năng cân đối. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án để thực hiện nhiệm vụ này với tổng nguồn vốn 224 tỷ đồng thực hiện từ  năm 2022 đến năm 2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh phân bổ theo tiến độ thực hiện Đề án. Năm 2022, tỉnh đã phân bổ 20 tỷ đồng, năm 2023 là 25 tỷ đồng. Để tranh thủ tối đa nguồn lực từ Trung ương cũng như sử dụng ngân sách địa phương có hiệu quả, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để Bộ Tài chính trình Chính phủ bố trí nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 và năm 2024 vì Trung ương mới bố trí bổ sung năm 2022. Đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện đo đạc, cắm mốc giao đất và cấp GCNQSDĐ theo nhiệm vụ Đề án tránh việc hủy dự toán.

Kiên quyết giải quyết dứt điểm các vi phạm, đảm bảo công bằng, không để kéo dài, tồn đọng

Anh-tin-bai

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu

Kết luận nội dung chất vấn này, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, địa phương thực hiện 5 nhóm vấn đề gồm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan quyết liệt, hiệu quả hơn trong việc quản lý đất đai. Tiến hành rà soát, sắp xếp đất đai của các công ty nông, lâm, trường đang quản lý hiện nay trên 64.440ha có phát huy hiệu quả hay không, nếu không hiệu quả thì thu hồi để giao cho người dân còn thiếu đất sản xuất, giao các chủ thể khác có đủ điều kiện về năng lực tài chính, năng lực thị trường và các năng lực khác để phát huy hiệu quả sử dụng đất. Cùng với đó,  rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì họp liên ngành giải quyết dứt điểm, nếu thuộc phạm vi, quyền hạn của Trung ương thì đeo đuổi, bám sát kiến nghị và giải quyết càng nhanh, càng tốt. Trong xử lý các công việc liên quan đến vấn đề này, các cấp, các ngành, đơn vị liên quan thực hiện công tâm, minh bạch, kiên quyết giải quyết dứt điểm các vi phạm rõ ràng, đảm bảo công bằng, không để kéo dài. Đây là vấn đề lớn tồn đọng kéo dài, việc nhạy cảm, cử tri và nhân dân rất quan tâm, đề nghị UBND tỉnh đưa nội dung này vào báo cáo chuyên đề hàng năm trình HĐND tỉnh.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây