Diện tích đất lâm nghiệp tại huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Tình trạng “phát canh thu tô”?
Lâu nay, quản lý đất đai nông, lâm trường luôn là vấn đề “nóng” tại nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử ở một số địa bàn có nông, lâm trường, thậm chí là có cả đơn thư công dân gửi đến các cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Cảnh Tài, ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn) phản ánh, việc quản lý, sử dụng đất từ Nông trường Tây Hiếu 2 có những bất cập, không đúng quy định của Nhà nước.
Cụ thể, theo ông Tài, Nông trường Tây Hiếu 2 thực hiện hợp đồng giao nhận khoán sử dụng đất không đúng Nghị định số 168, ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định “trường hợp hợp đồng hết thời hạn, nếu bên nhận khoán không vi phạm hợp đồng khoán và có nhu cầu nhận khoán thì tiếp tục được ký hợp đồng”; mà khi hết hạn hợp đồng, người nhận khoán dù muốn làm tiếp, nông trường cũng yêu cầu thanh lý và bàn giao lại đất cho nông trường, sau đó mới làm hợp đồng giao lại để “ép” người nhận khoán, nếu không thì giao đất cho người khác.
"
Việc quản lý, sử dụng đất từ Nông trường Tây Hiếu 2 có những bất cập, không đúng quy định của Nhà nước; trong đó có một số khoản thu bất cập, gây bức xúc, bất bình trong những người nhận khoán đất.
Ông Nguyễn Cảnh Tài, ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn
Ông Nguyễn Cảnh Tài cũng phản ánh một số bất cập trong thu các khoản từ nông trường. Như trong sản xuất, dù không có bất kỳ sự đầu tư, hỗ trợ nào về nguồn vốn vay, giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người nhận khoán, nhưng nông trường vẫn thu 2 triệu đồng/ha diện tích trồng mới cao su; thu sản lượng khoán vượt mức mà Nhà nước quy định 5%; thu 1 triệu đồng/ha đối với công nhân hết tuổi lao động chuyển nhượng cho thành viên trong gia đình cũng là công nhân trong nông trường, thu 1,5 triệu đồng/ha chuyển cho thành viên trong gia đình nhưng không phải là công nhân nông trường và thu 5 triệu đồng/ha đối với các hộ chuyển nhượng cho nhau.
Cũng ở xã Nghĩa Hiếu, ông Dương Hồng Hải, ở xóm Lê Lợi phản ánh, các hộ dân nhận khoán đất từ nông trường để sản xuất, tuy nhiên lại không được làm chủ trên mảnh đất nhận khoán của mình, muốn xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cũng không được làm, trong khi sản xuất theo định hướng, quy hoạch của nông trường thì không hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Minh ở xóm Trung Thịnh phản ánh rằng, người dân muốn chăn nuôi trong diện tích trồng cam, chanh, mía, vừa tăng thu nhập, vừa có nguồn phân bón phục vụ cây trồng cũng không được phép làm.
Ông Nguyễn Xuân Minh, xóm Trung Thịnh, xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn) kiến nghị Nông trường Tây Hiếu điều chỉnh phương án sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Liên quan đến bất cập trong quản lý, sử dụng đất từ nông, lâm trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - ông Hoàng Quốc Việt thừa nhận: Hiện nay, có tình trạng công ty nông, lâm trường hoạt động dưới dạng “phát canh thu tô” mà không có hoạt động hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật nào cho người sản xuất.
"
Hiện nay, có tình trạng công ty nông, lâm trường hoạt động dưới dạng “phát canh thu tô” mà không có hoạt động hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật nào cho người sản xuất.
Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Bên cạnh đó, giữa một bên đất của người dân sản xuất không phải nộp thuế, một bên đất người dân hợp đồng nhận khoán từ các nông, lâm trường phải nộp thuế, đang tạo ra sự so sánh trong nhân dân. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu để có phương án sử dụng đất nông, lâm trường có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Từ thực trạng bất cập trong quản lý, sử dụng đất từ các công ty nông, lâm trường, người dân và chính quyền các địa phương đặt ra băn khoăn về vai trò và có nên duy trì về thể chế quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm trường như hiện nay, mà cần nghiên cứu để thu hồi về cho các địa phương quản lý để giao cho người dân sản xuất.
Diện tích rừng trồng cây nguyên liệu giấy tại huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mai Hoa
Xử lý vướng mắc để bàn giao đất cho người dân
Nghệ An là địa phương có số lượng nông, lâm trường quốc doanh lớn trong cả nước. Thời điểm trước năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 19 nông trường và 18 lâm trường quốc doanh.
Triển khai chủ trương của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường và chuyển công ty nông, lâm nghiệp qua các giai đoạn, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có 11 công ty nông, lâm nghiệp, gồm 4 công ty lâm nghiệp được giao quản lý và sử dụng hơn 51.337 ha (diện tích đất đã thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý hơn 6.812 ha) và 7 công ty nông nghiệp được giao quản lý, sử dụng hơn 13.048 ha (diện tích đất đã thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý là hơn 5.008 ha.
Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, sau các lần sắp xếp, chuyển đổi, hiện có tổng 14 đơn vị, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý và sử dụng khoảng hơn 595.277 ha. Về tổng đội TNXP có 12 đơn vị, nay sắp xếp, giải thể hoặc đã dừng hoạt động chờ giải thể thì chỉ còn 5 đơn vị đang hoạt động, trong đó có 4 đơn vị do Tỉnh đoàn quản lý với tổng diện tích giao quản lý, sử dụng hơn 22.970 ha.
Mô hình trồng chè công nghiệp tại xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Có thể nói, việc sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm trường, các ban quản lý rừng và tổng đội TNXP được tỉnh quan tâm chỉ đạo sớm và tập trung quyết liệt, đảm bảo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại nhất hiện nay là việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng và tổng đội TNXP đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng đất, giao nhận khoán đất sản xuất giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân có nơi chưa đúng với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt, tự ý chuyển đổi cây trồng, mô hình sản xuất; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, đòi lại đất của nhân dân đối với quỹ đất mà các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng vẫn xảy ra, như tại các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ.
Đối với đất được giao các ban quản lý rừng quản lý, mặc dù các đơn vị đã chủ động tổ chức rà soát, tách bóc những diện tích tranh chấp, trả lại các diện tích rừng sản xuất chuyển đổi sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhưng việc quản lý sử dụng đất rừng còn nhiều bất cập.
Các đơn vị chưa thực hiện việc thuê đất rừng sản xuất theo Luật Đất đai, nên còn thiếu trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng đất được giao, chưa thực sự chú trọng phát huy tiềm năng đất rừng sản xuất hiện có; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Việc quản lý, sử dụng đất, giao khoán đất giữa Tổng đội TNXP và các đội viên nhìn chung còn nhiều bất cập, vướng mắc; tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng trái quy định vẫn xảy ra tại một số đơn vị.
Lãnh đạo huyện Anh Sơn kiểm tra hiệu quả mô hình trồng chè tại xã Cao Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Bên cạnh các tồn tại nêu trên, vấn đề được dư luận và Nhân dân quan tâm nhất hiện nay, đó chính là người dân thiếu đất sản xuất, nhưng quỹ đất đã được thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về cho các địa phương quản lý, chưa được giao cho người dân.
Huyện Anh Sơn được đánh giá là đơn vị tích cực, chủ động trong việc triển khai lập, phê duyệt lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành việc giao đất ở 7 xã với tổng diện tích 1.214 ha, cấp được 688 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân. Hiện huyện còn 1 xã với hơn 1.570 ha diện tích được thu hồi, bàn cho địa phương quản lý tại xã Phúc Sơn chưa xây dựng được phương án sử dụng đất để giao cho người dân.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, vướng mắc do khi thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý đang bàn giao tổng thể, chứ chưa được đo đạc, bóc tách theo từng loại đất cụ thể để có cơ sở xây dựng phương án; mặt khác, một số diện tích được nhận khoán nhưng chưa thực hiện thanh lý hợp đồng khi công ty lâm nghiệp giải thể nên chưa có cơ sở để xử lý.
Tại huyện Con Cuông, tổng diện tích thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý chỉ có hơn 361 ha; tuy nhiên đến nay vẫn còn hơn 42 ha chưa được lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án sử dụng đất để giao cho người dân.
Nguyên nhân, theo ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, phần lớn diện tích giao về địa phương đã được các hộ dân tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp hoặc tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép; cho nên quy trình thực hiện kéo dài. Bên cạnh đó, kết quả đo đạc địa chính diện tích trả về chưa phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất của các hộ gia đình, không có mốc giới bàn giao thực địa từng thửa đất, bởi vậy, khi lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải bỏ chi phí đo đạc lại, khiến người dân chưa đồng tình.
Đoàn giám sát HĐND huyện Con Cuông khảo sát ở cơ sở. Ảnh: CSCC
Từ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đặt ra trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và tổng đội TNXP, nêu ý kiến tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh vào trung tuần tháng 11/2023 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan cấp tỉnh và các địa phương cần bám Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; bám Nghị quyết của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để tiếp tục thực hiện Đề án giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được gia hạn đến năm 2025, trong đó quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện trích lục, trích đo, bóc tách phân loại các loại đất làm cơ sở để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh và giữa các sở, ngành với các địa phương trong giải quyết các tồn tại, vướng mắc đang đặt ra hiện nay, nội dung nào vượt thẩm quyền cần báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tháo gỡ.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc