Ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác
Thứ hai - 05/09/2022 20:385970
Ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác thủy sản là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng cho sản phẩm thủy sản sau khai thác. Máy dò ngang đa chùm, đèn LED, hầm bảo quản PU hay bảo quản bằng Ni tơ lỏng là những tiến bộ kỹ thuật được ngư dân sử dụng hiệu quả trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Trong bối cảnh hoạt động khai thác thủy sản đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian bám biển sản xuất của bà con ngư dân dài ngày…. Những năm gần đây Chính phủ cũng như UBND tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật cho ngư dân, nhờ đó hoạt động khai thác thủy sản trong tỉnh những năm qua có chuyển biến và phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh Nghệ An có 3469 tàu cá, trong đó 1221 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác ở vùng khơi được trang bị các trang thiết bị hiện đại. Tại Nghệ An, các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc được sử dụng phổ biến trên tàu cá. Đội tàu khai thác xa bờ tỉnh nhà đã được tiếp cận và ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa hiện đại trong quá trình đánh bắt như: Máy dò ngang, máy tời thủy lực, máy thu lưới vây tang treo, hệ thống căng tăng gông và thu thả lưới cho nghề lưới chụp, …. Bên cạnh đó, kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã bước đầu được một số tàu khai thác thủy sản kết hợp ánh sáng như nghề lưới vây, lưới chụp,….. thử nghiệm, áp dụng nhằm thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác. Ứng dụng đèn LED đối với tàu cá hoạt động nghề Lưới chụp (Ảnh sưu tầm) Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, việc sử dụng đèn LED trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng giúp giảm chi phí chuyến biển trung bình 21,8%, tăng doanh thu lên 21,7% và tăng lợi nhuận trung bình hơn 52% cho ngư dân. Hơn nữa các tàu sử dụng đèn LED để khai thác thủy sản sẽ giảm được hao mòn và kéo dài thời gian sử dụng máy phát điện, tiết kiệm nhiên liệu và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính. Việc áp dụng công nghệ khoa học – kỹ thuật để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ ngày càng được các chủ tàu/thuyền trưởng quan tâm. Hầm bảo quản bằng vật liệu PU trên tàu cá (Ảnh sưu tầm) Trong đó hầm bảo quản làm bằng vật liệu Polyurethane (PU) trên tàu cá ngày càng được bà con ngư dân sử dụng rộng rãi. Hầm bảo quản làm bằng vật liệu PU có độ kín cao, không thoát nhiệt, tránh nước và không khí bên ngoài thẩm thấu vào. Qua thực tế sử sụng hầm Pu có ưu điểm hơn hẳn so với hâm bảo quản lạnh thông thường trước kia. Hầm bảo quản làm bằng vật liệu PU tiết kiệm được 30% lượng đá hao hụt, kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng nguyên liệu thủy sản sau khai thác….. Thời gian bảo quản đối với hâm bảo quản lạnh thông thường tối đa 12-15 ngày, còn đối với hầm PU sau 15 ngày chất lượng nguyên liệu bảo quản vẫn đảm bảo tốt. Ứng dụng tiến bộ công nghệ khoa học - kỹ thuật vào khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác bước đầu đã đem lại những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác thủy sản vẫn là lĩnh vực mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản phẩm khai thác đư vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao, tổn thât sau thu hoạch lơn từ 20-30%. Để nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu thì phát triển công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản cần phải được ưu tiên hàng đầu vì đây là yếu tố sống còn đối với bà con ngư dân.