Tổ chức triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 Và Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn m

Thứ năm - 10/11/2022 20:20 840 0
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quán triệt một số nội dung của Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 -2025; Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 Phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thông tin về kế hoạch triển khai 2 Chương trình trên.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Việc triển khai thực hiện một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, về phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số…
Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên
Quyết định 924/QĐ-TTg xác định, Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.
Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội; tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực của xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm theo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ nguồn lực các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chất thải phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích quản lý tổng hợp chất thải theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.
Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định…
Tham luận tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo về tình hình xây dựng nông thôn mới; đồng thời các địa phương cũng đã nêu một số kiến nghị để việc thực hiện các chương trình đảm bảo hiệu quả. Cụ thể, Trung ương cần có thêm các cơ chế để đầu tư các nhà máy nước sạch ở vùng miền núi. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cần xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi khép kín; xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Trung ương cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, an toàn thực phẩm, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm…
Khẩn trương triển khai nội dung của các Chương trình đã được phê duyệt
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, hai Chương trình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề nghị các Bộ, ngành liên quan, các địa phương khẩn trương triển khai các nội dung của các Chương trình đã được phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất về nội dung và cách thức tổ chức Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Rà soát kỹ lưỡng các nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình, đảm bảo không trùng lặp, chống chéo với nội dung, nhiệm vụ của các chương trình chuyên đề khác và các chương trình, dự án khác được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung tại Quyết định số 924/QĐ-TTg và Quyết định số 925/QĐ-TTg đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Xác định rõ nội dung công việc, lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các Chương trình. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò cộng đồng và tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện các chương trình. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có giải pháp, sáng kiến trong thực hiện các Chương trình…

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây