Nhiều chợ truyền thống ế ẩm: Vì đâu nên nỗi...?

Thứ ba - 21/11/2023 07:25 260 0
Những tháng cuối năm - mùa cao điểm mua sắm nhưng hiện nay, tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng có. Thực trạng này kéo dài 5-7 năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhiều chợ truyền thống ế ẩm: Vì đâu nên nỗi...?

"Ế đỉnh điểm, ế chưa từng có"

bna_vắng hoe.jpg

Tầng 1 chợ Vinh vắng hiu hắt. Ảnh: T.P

Ngày cuối tuần song chợ Vinh chỉ lác đác khách, chủ yếu là khách sỉ. Những gian hàng vắng vẻ, chủ ki-ốt người ngồi thêu vá, người lướt điện thoại, nhóm thì chơi tú-lơ-khơ giết thời gian. Chị Nguyễn Hải Tân, chủ một ki-ốt kinh doanh giày dép cho biết: “Ế lắm. Chợ không có người qua lại, cũng hiếm người mua hàng. Mọi năm, vào thời điểm chuyển rét này, mặt hàng giày dép bán chạy lắm. Thế mà năm nay, hàng tồn đọng, ế ẩm”.

Ở tầng 2, các ki-ốt bán áo quần cũng ngập tràn đồ đông với áo phao, áo nỉ, áo dạ, áo len… nhưng cũng rất vắng khách. Kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ Vinh hơn 30 năm nay, ông Phạm Thế Chiến cho biết, tình hình ế ẩm kéo dài đã 5-7 năm nay. Song, từ năm 2020 đến nay là đỉnh điểm. Đặc biệt, trong năm 2023, tình trạng ế ẩm được các tiểu thương xem là “chưa từng có”.

bna_ế.JPG

Một quầy bán cặp sách, túi xách ở chợ Ga Vinh cả ngày không có người mua. Ảnh: T.P

“Ba năm nay, nhất là sau dịch Covid-19, khách vắng hẳn. Mặc dù vậy, vẫn phải nhập hàng về, cập nhật xu hướng thời trang, đa dạng mẫu mã để phục vụ khách. Đi với đó là chấp nhận bán giảm giá, có những mặt hàng chỉ bán hoà vốn, thậm chí chịu lỗ để kéo khách nhưng cũng không ăn thua. So với trước, lượng khách lẻ giảm đến 80%, nay chỉ duy trì khách sỉ. Trước năm 2020, 2 ki-ốt thuê đến 4 nhân viên làm nhưng 2 năm nay, để tiết giảm chi phí, thì cắt giảm hết, chỉ còn 2 vợ chồng đứng ốt”, ông Chiến cho biết.

Không chỉ các sạp quần áo, trang sức vắng khách mà những quầy gia dụng cũng thường rơi vào cảnh người bán đông hơn người mua. Ở chợ ga Vinh, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng, ngoài các gian hàng thực phẩm tươi sống là sôi động người mua bán thì ở đình chính, lại hiu hắt, vắng lặng. Nhiều quầy treo bảng chuyển nhượng, cho thuê lại ốt, bán ốt… Những tiểu thương cố bám trụ với việc kinh doanh hàng ngày ra mở ốt bán nhưng không có người mua, có những ki-ốt cả ngày không bán được mặt hàng nào.
 

bna_đóng ốt.jpg

Ế ẩm, thua lỗ khiến nhiều tiểu thương đóng cửa, treo biển sang nhượng ki-ốt. Ảnh: T.P

Ông Lê Văn Thành, Ban quản lý chợ Hưng Dũng cho biết: “Nhiều tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép tại chợ cho biết, số lượng khách hàng đến mua bán, giao thương ngày càng giảm, việc lưu thông hàng hóa chậm hơn so với giai đoạn trước rất nhiều”.

Không chỉ ở thành phố, ở các chợ trung tâm vùng nông thôn cũng lâm vào cảnh tương tự, kinh doanh ế ẩm, không có người mua, việc lưu thông hàng hoá giảm sút. Những chợ có tiếng như Sa Nam (Nam Đàn), Giát (Quỳnh Lưu), Sy (Diễn Châu)… trước đây sầm uất, kinh doanh nhộn nhịp, tấp nập mua bán, nay cũng đìu hiu, lượng khách hàng giảm sút từ 50-60% so với trước.

“Tất cả các mặt hàng ở chợ đều ế ẩm. Ế từ hàng thực phẩm thiết yếu đến các mặt hàng áo quần, giày dép. Có khó khăn đến mấy thì vẫn phải mua gạo, mua thức ăn, mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày chứ? Do đó, nói do kinh tế khó khăn chỉ là một phần thôi”, một tiểu thương cho biết.

Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh có 371 chợ dân sinh đang hoạt động, trong đó, có 7 chợ hạng I, 20 chợ hạng II, 240 chợ hạng III và 104 chợ chưa được xếp hạng. Trong đó hơn 70% được xây dựng kiên cố, bán kiên cố; các chợ tạm cũng được các địa phương nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tiểu thương và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ và các loại hình kinh doanh hiện đại, một bộ phận người dân đã thay đổi, tiếp cận với thói quen tiêu dùng mới, khiến chợ truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn và đang có nguy cơ mất dần vị thế.

Mua sắm trực tuyến “lên ngôi”

bna_chợ ga.JPG

Hiện nay, rất ít người dân, chủ yếu là những người cao tuổi tìm đến chợ để mua sắm. Ảnh: T.P

Cùng với nguyên nhân kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm nên sức mua ở chợ giảm sút thì việc các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm, khiến chợ truyền thống không còn nhiều “đất sống”. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là xu hướng tiêu dùng thay đổi, người dân chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, thay vì đi chợ thì họ lên các trang thương mại điện tử, các chợ mạng để mua hàng.

Chị Dương Thị Nga - chủ một hiệu sách ở phường Hưng Dũng (TP.Vinh), cho biết: “Trước đây, ngày nào tôi cũng đi chợ, nhưng khoảng 5 năm lại nay thì chỉ thi thoảng lắm mới ghé vào mua mớ rau khi cần đột xuất, còn tất cả đều mua online. Mở Facebook ra cái gì cũng có, giá cả niêm yết rõ ràng, được xem hàng, ưng ý thì mới phải thanh toán nên nay, toàn bộ áo quần, giày dép, đồ gia dụng và cả thực phẩm tươi sống hàng ngày tôi đều mua qua kênh online”.

Bản sao bna_thưa vắng.jpg

Các siêu thị cũng thưa vắng người đến mua sắm. Ảnh: T.P

Khi mạng xã hội và internet trở nên phổ biến, việc hình thành các nhóm chợ cư dân, group cộng đồng cũng phát triển, từ đó thúc đẩy việc mua sắm hàng hóa điện tử thuận tiện hơn. Hiện nay, 100% các phường, xã ở thành phố Vinh đều có nhóm chợ như: Chợ thực phẩm tươi sống Hưng Dũng, chợ Cọi, chợ Nghi Phú… các mặt hàng từ mớ rau, con cá đều được đăng tải, nhận đơn, ship hàng.

Chị Nguyễn Thị Mùi, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại khu chung cư ở phường Quán Bàu chia sẻ: "Mình chuyên vận chuyển thực phẩm từ quê như thịt, cá, rau củ quả để bán cho nhóm cư dân. Hầu hết các cư dân đều tham gia vào nhóm này nên lượng khách hàng rất đông, mình căn cứ theo đơn hàng đã đặt sẵn của khách để lấy hàng, ship hàng".

bna_3.jpg

Việc hình thành các nhóm chợ cư dân, group cộng đồng nên mớ rau, con cá cũng được bán qua "chợ mạng". Ảnh: T.P

Với ưu điểm không mất thời gian đi lại, không tốn sức lựa chọn, mặc cả, chỉ cần một thao tác trên điện thoại thì người tiêu dùng có thể “mua cả thế giới”. Bên cạnh đó, với ưu thế như không tốn kém về tiền mặt bằng, không mất chi phí thuê nhân viên nên giá cả các mặt hàng online cũng rẻ hơn, đi kèm với đó là các chính sách khuyến mãi, giảm giá. Không những vậy, loại hình này còn có chính sách chăm sóc khách hàng và mang đến trải nghiệm mua sắm mới, lạ nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen, xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0.

Chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên văn phòng ở thành phố Vinh cho biết: “1 tháng cũng chỉ 1-2 lần ghé chợ hoặc siêu thị mua sắm. Chủ yếu là để ra ngoài thăm thú, thư giãn. Còn tất cả mọi thứ cần cho sinh hoạt hàng ngày từ ăn, mặc đến cả thuốc chữa bệnh đều mua online. Mua theo combo hoặc giá trị đơn hàng từ 300.000 đồng được miễn ship hoặc so với thời gian mình phải di chuyển, ra chợ lựa chọn, tiền xăng, tiền gửi xe thì phí ship nội thành từ 10.000-15.000 đồng/đơn hàng tính ra vẫn lợi hơn, lại không mất công, mất sức, không chen chúc, không bụi bặm”.

bna_đìu hiu.JPG

Với nhiều người, đi chợ chỉ là thú vui thư giãn còn việc mua sắm hầu hết qua kênh online. Ảnh: T.P

Theo thống kê, doanh số ngành thương mại điện tử trong nước quý 3 năm nay đã tăng khoảng trên dưới 40% so với cùng kỳ năm ngoái, và tốc độ tăng trưởng này giữ ở mức tốt với 25 - 40% mỗi năm. Tăng trưởng thương mại điện tử và việc sụt giảm ở kênh bán lẻ truyền thống là vấn đề tất yếu và phù hợp xu hướng phát triển.

Thay đổi để thích ứng

bna_live.jpg

Một tiểu thương kinh doanh áo quần ở chợ Vinh đang livestream để chốt đơn hàng trực tuyến. Ảnh: T.P

Trước xu thế đó của xã hội, trước sự cạnh tranh các loại hình kinh doanh hiện đại và hình thức mua bán trực tuyến để vực dậy vị thế của chợ truyền thống, nhiều địa phương đã thực hiện thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, góp phần xây dựng các khu chợ khang trang, hiện đại; nỗ lực xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm để chợ truyền thống trở thành điểm giao thương, mua bán của người dân.

Đồng thời, các địa phương đã phối hợp với ban quản lý các chợ hằng năm tổ chức tập huấn, trang bị cho các tiểu thương kỹ năng bán hàng, vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự. Đồng thời, bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết; quan tâm đến cách bài trí hàng hóa sao cho đẹp mắt, tiện lợi, mở thêm các tiện ích như giao hàng tận nơi, chính sách hậu mãi tốt,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

bna_đt thông minh.jpg

Một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Hưng Dũng (TP.Vinh) vừa bán hàng trực tiếp vừa đưa các mặt hàng lên Facebook để bán online. Ảnh: T.P

Đặc biệt, với xu thế mua sắm online lên ngôi thì các tiểu thương cũng phải tiếp cận với kênh bán hàng này, duy trì song song hai hình thức bán trực tiếp và trực tuyến. Chị Lê Giang, chủ một ki-ốt kinh doanh áo quần ở chợ Vinh cho biết: “Hàng ngày, bày hàng ở ốt ra, vừa đón khách lẻ, khách sỉ ruột vừa livestream để bán cho khách khắp mọi nơi. Đồng thời, chủ động đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo”.

Theo chị Lê Giang, ban đầu, việc bán hàng trên mạng không hề dễ dàng, từ việc học cách nói, cách giới thiệu, cách tương tác với khách, chưa thu hút được lượng người theo dõi. Sau đó, chị bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử theo hình thức đăng tải liên tục những mẫu quần áo, livestream,… nên số lượng người theo dõi ngày càng tăng, giúp các mặt hàng bán được với số lượng lớn hơn.

bna_ghép 2.jpg

Nhiều tiểu thương cũng như những chủ vườn hiện đã tiếp cận với thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến. Nhờ tiếp cận đa đạng đối tượng, vượt qua giới hạn về không gian, khoảng cách nên số lượng hàng bán ra được nhiều hơn. Ảnh: T.P

Mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng vậy. Nhiều tiểu thương đã biết kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và online. Mỗi sáng, khi đến bến lấy cá, chị Nguyễn Thị Giang (Nghi Hải, TX.Cửa Lò) đều không quên livestream lại các hình ảnh ngư dân gỡ lưới, cá tươi sống, việc vận chuyển… Và khi đến chợ Quán Lau (TP.Vinh), chị cũng vừa soạn hàng, vừa giới thiệu với khách qua mạng các loại cá hôm nay chị có, tươi ngon ra sao, giá cả thế nào,…

“Khách nhìn vào hình ảnh tôi quay, chụp và chọn lựa. Sau đó, chồng tôi sẽ ship hàng đến tận nơi khách yêu cầu. Đối tượng khách hàng của tôi chủ yếu là dân công sở, khu vực nội thành Vinh. Mặc dù thuê mặt bằng ở chợ song lượng hàng bán chủ yếu cho khách online chiếm đến 70%; chỉ khoảng 30% bán trực tiếp” - chị Giang cho biết.

bna_chợ Sen.JPG

Để vực dậy kinh doanh, tiểu thương các chợ truyền thống phải thay đổi từ cách kinh doanh có văn hoá đến tiếp cận thương mại điện tử. Ảnh: T.P

Thực tế đã chứng minh, công nghệ số đã đưa người bán và người mua “xích” lại gần nhau hơn, thuận tiện nhất có thể. Đây chính là xu hướng tất yếu buộc những người kinh doanh truyền thống có sự chuyển đổi để phù hợp với thực tiễn…

"
Những năm qua, ngành công thương có nhiều giải pháp cũng như xây dựng đề án quy hoạch lại các chợ truyền thống, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại của người dân. Đồng thời, tập trung tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương đẩy mạnh các dịch vụ thương mại trên nền tảng số, các giao dịch thương mại điện tử để vực dậy kinh doanh. Hiện nay, nhiều tiểu thương ở chợ vừa duy trì bán hàng truyền thống, vừa livestream bán hàng online; chủ động đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đây là sự chuyển biến, thay đổi tất yếu,…

BÀ TRẦN MỸ HÀ, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ THƯƠNG MẠI, SỞ CÔNG THƯƠNG

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây