Các hợp tác xã sử dụng dịch vụ máy cấy phục vụ bà con. Ảnh: Văn Trường
Hướng đến cánh đồng “không dấu chân”
Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành là điểm sáng của hợp tác xã kiểu mới, thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ sản xuất, nông nghiệp hướng đến cánh đồng “không dấu chân”. Đặc biệt, trong khâu cơ giới hóa, đơn vị đã đầu tư trên 5 tỷ đồng mua sắm 8 máy cày, 12 máy cấy và 2 máy gặt, 1 máy bay phun thuốc trừ sâu và rải phân trị giá 500 triệu đồng, đáp ứng sản xuất đồng bộ cho trên 250 ha lúa địa bàn huyện.
Máy bay phun thuốc trừ sâu là một công nghệ hiện đại, có thể rải phân bón, gieo hạt, sạ lúa, chính xác, hiệu quả với phạm vi hoạt động rộng. Hợp tác xã đã cử cán bộ đi tập huấn, học hỏi đến nay đã tự vận hành được máy bay. Ngoài việc phục vụ cho địa bàn xã, máy bay còn phục vụ hiệu quả cho các xã lân cận.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành phục vụ đầy đủ vật tư phân bón cho xã Minh Thành. Ảnh: Văn Trường
Ông Nguyễn Công Hiển - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành cho biết thêm: Những năm vừa qua, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết, như cung ứng các loại vật tư phân bón, giống đảm bảo chất lượng cho bà con trong xã. Liên kết, bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao, cam đạt sản phẩm OCOP, giúp người dân địa phương yên tâm sản xuất.
Tính đến thời điểm này, hợp tác xã đã có trên 700 thành viên tham gia, hàng năm đạt doanh thu trên 10-14 tỷ đồng. Đơn vị đã đầu tư xây dựng được hệ thống các nhà kho, xưởng chứa vật tư phân bón, máy móc, gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ nhân dân tại địa bàn…
Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành 1 trong 100 hợp tác xã của cả nước đạt giải thưởng “Ngôi sao hợp tác xã 2024” do Liên minh hợp tác xã trao giải nhằm vinh danh ý chí tự lực, nỗ lực vượt khó. Ảnh: Văn Trường
Với những thành tích đạt được, trong năm 2024, Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành là 1 trong 100 hợp tác xã của cả nước đạt giải thưởng “Ngôi sao hợp tác xã 2024” do Liên minh hợp tác xã trao giải nhằm vinh danh ý chí tự lực, nỗ lực vượt khó của cộng đồng hợp tác xã phấn đấu không ngừng vì sự phát triển kinh tế tập thể.
Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Thành, Yên Thành, những năm qua đã phát huy ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp vào khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Ông Lê Nam Giang - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Thành cho biết thêm: Đơn vị đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng được hệ thống 2 lò sấy công suất 50 tấn/ngày đêm, kho chứa có sức chứa tối đa trên 800 tấn lúa.
Việc đưa công nghệ này vào quy trình sản xuất giúp các xã viên không còn phải lo lắng mỗi khi thu hoạch nông sản đúng với thời điểm mưa gió. Lò sấy có thể bảo quản lúa trong những thời điểm chưa tiêu thụ được. Vào vụ thu hoạch hè thu thời tiết bất lợi, các xã lân cận có nhu cầu, hợp tác xã nhận sấy lúa cho nông dân với giá cả hợp lý.
Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Thành còn đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho trên 800 tấn lúa, trong đó có 50 tấn lúa giống. Đơn vị mua máy móc tự tách hạt và đóng gói…
Hệ thống lò sấy của Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Thành. Ảnh: Văn Trường
Xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, đến nay, huyện Yên Thành có 47 hợp tác xã nông nghiệp, giảm 3 HTX so với cùng kỳ năm trước do giải thể, sáp nhập. Tổng doanh thu trong năm đạt trên 130 tỷ đồng, có 15.000 thành viên tham gia.
Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành cho biết: Ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã ngoài những dịch vụ nông nghiệp, một số hợp tác xã ở huyện Yên Thành đã mở rộng, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề hoạt động mới, hiệu quả cao như dịch vụ thức ăn chăn nuôi, môi trường, quản lý chợ, cung cấp nước sạch… Nhiều hợp tác xã đã thực hiện ứng dụng công nghệ, đưa cơ giới hoá vào sản xuất như trồng rau, dưa các loại trong nhà lưới.
Tuy nhiên, đa số các hợp tác xã nguồn vốn hoạt động hạn chế, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Khả năng huy động vốn của các thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ ngân hàng, trình độ cán bộ hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa thực sự năng động trong cơ chế thị trường hiện nay.
Máy tách hạt lúa giống của Hợp tác xã nông nghiệp Liên Thành. Ảnh: Văn Trường
Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới huyện tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Hàng năm, huyện Yên Thành hỗ trợ 5-6 tỷ đồng xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động kiểu mới, hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Thu hút doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư liên doanh liên kết theo chuỗi sản phẩm, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Tiếp tục rà soát các hợp tác xã quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả thì mạnh dạn giải thể hoặc sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Dây chuyền làm mạ khay của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành. Ảnh: Văn Trường
Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ động từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý hợp tác xã. Tháo gỡ những rào cản vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn tín dụng và tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất.
Tác giả bài viết: NPV
Ý kiến bạn đọc