Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con lợn, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Long An...
Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi của các địa phương. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 145 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 20 huyện, thành, thị, buộc tiêu hủy 3.470 con lợn. Trong đó, một số địa phương phát sinh nhiều ổ dịch như huyện Thanh Chương (27 ổ), Đô Lương (18 ổ), Anh Sơn (14 ổ), Yên Thành (14 ổ), Nghi Lộc (12 ổ). Hiện nay, một số địa phương vẫn còn ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Nguyên nhân dịch xảy ra: Nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai chống dịch, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh dây dưa, kéo dài; Không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; Không lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật ra, vào địa bàn; Không giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm của lợn tại lò mổ, chợ trong vùng dịch.
Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là hầu hết các địa phương không chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt.
Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, triệt để theo quy định; Chưa xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc cho đàn lợn...
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Để tăng cường phòng, chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 8/8/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết đúng theo quy định và hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách quy định của pháp luật. Chỉ hỗ trợ đối với lợn đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định.
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng, chống bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch hàng ngày về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bùng phát ra diện rộng trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.
Đôn đốc các địa phương bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, đảm bảo kịp thời, đầy đủ số liệu dịch bệnh trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh động vật khác./.
TH