Bệnh viện ưng bướu: để không ai cô đơn trong nỗi đau của chính mình

Thứ hai - 03/06/2024 23:03 138 0
Bệnh viện ưng bướu:  để không ai cô đơn trong nỗi đau của chính mình
Với mong muốn sẻ chia, động viên, đồng hành cùng bệnh nhi ung thư, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã kêu gọi sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa. Sự chung tay đó đã nhân lên những ngọn lửa yêu thương giữa cuộc đời.
“Con muốn mình khỏi bệnh” - bệnh nhi Đào Thị Quỳnh nói. Quỳnh là một trong những bệnh nhi đang ngày đêm phải giành giật sự sống với “án tử” ung thư. Hình ảnh này được ghi lại và phát trong chương trình “Yêu thương cho em” do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tổ chức ngày 29/5 vừa qua - một chương trình dành riêng cho các bệnh nhi đang điều trị tại viện.
Trao quà cho các bệnh nhi trong chương trình "Yêu thương cho em". Ảnh: Diệp Thanh
Ở sự kiện đó, người ta có thể cùng lúc chứng kiến nhiều điều: Sự tủi thân, đau đớn, sự xúc động, tự hào, sự sẻ chia, yêu thương, sự kiên cường, nghị lực… Trực tiếp kêu gọi và xây dựng hoạt động hỗ trợ cho bệnh nhân, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng (Trưởng phòng Công tác xã hội - Truyền thông) chia sẻ: “Bên cạnh những chương trình dành cho bệnh nhân nói chung, chúng tôi đặc biệt quan tâm và xây dựng những chương trình dành riêng cho đối tượng là bệnh nhi đang điều trị tại viện. Không chỉ chống chọi với bệnh tật, nhiều cháu còn có hoàn cảnh rất éo le như mồ côi bố, mẹ, bố mẹ ly hôn, gia đình thuộc hộ nghèo… Thường thì số bệnh nhi là trên dưới 30 người. Năm nay, số bệnh nhi dự kiến tham gia chương trình “Yêu thương cho em” là 29, nhưng gần đến ngày, 3 cháu qua đời nên chỉ còn lại 26... Cuộc chiến dành giật sự sống của các cháu chưa bao giờ là dễ dàng”.
Hôm diễn ra sự kiện, hội trường lớn của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ngày chật kín người. Hơn 1 nửa người tham dự sự kiện “Yêu thương cho em” là các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân mong muốn được hỗ trợ cho chương trình. Trong số họ, có những người dân rất đỗi bình thường, cũng có những người là doanh nhân thành đạt, có người là tăng ni, cũng có người là đến từ giáo xứ, có người ở Vinh, có người đến từ vùng miền khác… Họ có thể khác nhau ở nhiều điểm, nhưng đều có mặt ở đây vì một điểm chung - Tình thương dành cho những em nhỏ không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Cứ mỗi lần cháu Bùi Đại Nghĩa (khoa Nội 5) lên nhận quà từ các nhà hảo tâm, ở dưới, chị Lô Thị Năm - mẹ cháu lại không cầm được nước mắt. Nghĩa là một trong những bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp này. Chị Năm là người dân tộc Thái ở Kỳ Sơn. Vợ chồng chị có 3 người con, Nghĩa là con trai giữa, cũng là đứa trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn nhất nhà. Cách đây 2 tháng, từ một chỗ sưng ở đùi phải, gia đình đưa Nghĩa đi khám và rụng rời khi bác sĩ thông báo cháu bị ung thư xương. Là hộ nghèo, chi tiêu trong nhà trông cả vào công việc thu hoạch keo, tiền thuốc men, viện phí, đi lại… để chữa bệnh vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình.
“Nghĩa mới về nhà được 2 ngày thì hôm nay lại xuống, vừa mới đỡ được 1 chút thì hôm nay lại đau. Thương con vô cùng, đau đớn vô cùng, nhưng lúc nào tôi cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan để động viên con. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để con được sống khoẻ mạnh” - chị Năm trải lòng.
Trước sự quan tâm, chia sẻ của các y, bác sĩ bệnh viện, các nhà hảo tâm, chị Năm nói thêm: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình này và thật sự xúc động khi nhận được sự quan tâm, động viên của mọi người. Chúng tôi nhận được hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất, từ những bữa cơm miễn phí hàng ngày đến chi phí thuốc men, đi lại… Nếu không có sự đồng hành đó, mẹ con tôi sẽ vô cùng chật vật, cô đơn…”.
Đồng cảm với chị Năm, nhìn thấy các con tươi cười trên sân khấu, chị Nguyễn Thị Phượng (Quỳnh Lưu) chia sẻ: “Đồng hành cùng con chữa trị cả năm ở viện, trải qua 4 đợt điều trị hoá chất, tôi đã trải qua rất nhiều sự kiện như thế này. Với chúng tôi, sự hỗ trợ đó có ý nghĩa vô cùng. Nhìn thấy các con vui vẻ khi nhận được sự chia sẻ, quan tâm, chúng tôi cũng được an ủi phần nào”.
Với 12 tập thể, cá nhân tham gia đồng hành, tại chương trình “Yêu thương cho em” năm nay, mỗi bệnh nhi nhận được số tiền từ 3 - 5 triệu đồng, tuỳ mức độ khó khăn và lần lượt được trao trực tiếp bởi các nhà hảo tâm. Một trong những điều đặc biệt nữa tại chương trình này là sự tham gia của rất nhiều em nhỏ, là con của các nhà hảo tâm, các thành viên nhóm thiện nguyện. Có em còn học mẫu giáo, có em học tiếu học, cấp hai, có cả nhóm bạn trẻ là học sinh Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic.
Chia sẻ tại chương trình, chị Bùi Kim Chi - đại diện Tổ chức Kết nối doanh nhân BNI iNNO Chapter nói: “Chúng tôi biết ơn các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã giúp chúng tôi có cơ hội được thể hiện trách nhiệm cộng đồng với những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các bạn nhỏ là con của các thành viên trong tổ chức tham gia chương trình để các bạn học cách đồng cảm, sẻ chia trước nỗi đau của người khác”.
Tình yêu thương, lòng nhân ái được nhen nhóm từ những bài học giản đơn như vậy.
Để sự sẻ chia lan toả nhiều hơn, kêu gọi được sự chung tay từ cộng đồng hơn, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã xây dựng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đây, yêu thương tiếp tục được nối dài.
Chương trình trao tặng tóc cho người bệnh ung thư là một chương trình như vậy. Chương trình do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của 20 salon tóc trên toàn quốc và sự tham gia của hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh. Tổ chức trước dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, ở chương trình này, “nhân vật chính” lại là những em nhỏ với niềm hạnh phúc được trao đi.
Để tham gia chương trình, hai mẹ con chị Trần Thị Hà và cháu Nguyễn Thị Bảo Trâm đã bắt xe từ Anh Sơn xuống Vinh từ 4 giờ sáng và có mặt tại bệnh viện lúc 6 giờ. Chị Hà nói: “Tôi biết đến chương trình từ chia sẻ của con gái. Cháu mong muốn có thể trao tặng tóc của mình cho những bạn nhỏ không may mắc bệnh ung thư. Năm ngoái, 2 mẹ con chị đã ra tận Hà Nội để hiến tóc nhưng vì đông quá nên chưa thực hiện được. Để không bỏ lỡ cơ hội như lần trước, trong sự kiện lần này, hai mẹ con tôi quyết tâm có mặt thật sớm”.
Chương trình thu hút sự tham gia của gần 1.000 người dân, trong đó rất nhiều em nhỏ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Hầu hết các em biết đến chương trình thông qua các kênh trên nền tảng xã hội và nuôi tóc suốt một thời gian dài để thực hiện mong muốn tặng tóc. Bệnh viện như cầu nối, nối những yêu thương giữa mọi người với bệnh nhân ung thư nói chung, bệnh nhi nói riêng.
Đồng hành với chương trình tại nhiều tỉnh, thành, anh Nguyễn Văn Chiến (chủ salon tóc tại Hà Nội) cho biết: “Gần 700 bộ tóc được hiến tặng - Tôi thật sự rất bất ngờ trước số lượng người tham gia hiến tóc tại Nghệ An. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã làm rất tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền và chương trình đã có sức ảnh hưởng tích cực đến người dân. Tôi tin rằng từ những ảnh hưởng đó, công tác xã hội của bệnh viện sẽ ngày càng lan toả, kêu gọi được thêm sự hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư”.
Từ sau thành công của chương trình đầu tiên, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng cho biết, bắt đầu từ năm nay, chương trình hiến, tặng tóc cho bệnh nhân ung thư sẽ được tổ chức mỗi năm một lần tại bệnh viện. Thời gian tổ chức là đầu mùa hè, để tất cả những bạn nhỏ có nguyện vọng tham gia sự kiện có thể dễ dàng sắp xếp, đi lại.
“Các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình xây dựng chương trình. Theo đó, họ luôn tư vấn chúng tôi hỗ trợ tiền mặt để bệnh nhân có thể trang trải chi phí điều trị bệnh theo đúng nhu cầu, luôn yêu cầu chúng tôi tự trao tận tay cho bệnh nhân. Điều này có ý nghĩa rất lớn, trước là để chúng tôi hiểu hơn, đồng cảm hơn với bệnh nhân và bệnh nhân cảm nhận được tấm lòng của người trao, sau là để tạo được sự uy tín, minh bạch cho chương trình… Mỗi lần tham gia chương trình cho các bệnh nhi, tôi rất xúc động. Sự mạnh mẽ, kiên cường của các chiến binh nhí nhắc nhở tôi phải sống tốt hơn, chăm chỉ hơn, làm nhiều việc thiện hơn” - anh Nguyễn Bảo Nam - thành viên đoàn thiện nguyện Nam Đàn chia sẻ.
Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là một trong ít các bệnh viện xây dựng phòng Công tác xã hội – Truyền thông để đảm bảo công tác xã hội của viện hoạt động thuận lợi nhất. Quan điểm đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo bệnh viện đã đem lại những hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân.
TS.BS. Phạm Vĩnh Hùng - Phó Bí Thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện chia sẻ: “Bệnh nhân ung thư ngoài phải chống chọi với những cơn đau, những nỗi niềm tâm lý, bi quan, chán nản trong cuộc sống, họ còn phải chịu đựng một gánh nặng lớn về kinh tế đó là chi phí điều trị bệnh. Những sẻ chia, những món quà chính là “liều thuốc” tinh thần to lớn góp phần động viên, giúp bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An vơi đi một phần gánh nặng để tiếp tục điều trị, chiến thắng bệnh tật. Qua đó, lan tỏa thông điệp vì một tình cảm yêu thương, đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” và tiếp thêm nghị lực cho tất cả các bệnh nhân khác, đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư”.
Trăn trở với những thiệt thòi, bất hạnh của bệnh nhân ung thư, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Hướng đã chủ động đề xuất nguyện vọng được đảm nhận vai trò Trưởng phòng Công tác xã hội - Truyền thông. Từ vai trò này, bác sĩ Hướng đã tận dụng tất cả những mối quan hệ, những cơ hội để tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, kêu gọi sự chung tay của các tập thể, cá nhân. “Hàng năm, bệnh viện chúng tôi cố định tổ chức tối thiểu 3 chương trình cho đối tượng là bệnh nhi, vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Để duy trì và phát triển hoạt động hỗ trợ trong nhiều năm nay, chúng tôi đặc biệt quan tâm và lắng nghe những nguyện vọng, hoàn cảnh của bệnh nhân. Chỉ khi thật sự trò chuyện gần gũi với họ, đồng cảm, lắng nghe họ, chúng tôi mới có thể hiểu được họ cần gì nhất, cách hỗ trợ nào là hợp lý nhất. Từ thực tế đó, chúng tôi chủ động tìm kiếm những đơn vị, cá nhân phù hợp để đồng hành. Những bữa cơm miễn phí, những chương trình cắt tóc, những gói hỗ trợ, những tấm chăn, tấm áo… cũng đều được trao đi theo cách như vậy” – bác sĩ Hướng chia sẻ.
Luôn điềm đạm, luôn nói về tập thể và luôn lùi ra phía ngoài những bức ảnh lưu niệm, cả bác sĩ Hùng và bác sĩ Hướng đều ngần ngại khi nhắc đến vai trò cá nhân của mình trong các hoạt động công tác xã hội. Tuy vậy, bất cứ ai từng trực tiếp tham gia các chương trình của bệnh viện cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được rằng, chính sự chu đáo, tử tế và mẫu mực của những bác sĩ này là điểm tựa vững vàng cho mọi hoạt động, là hình mẫu cho mọi thành viên còn lại. Kể cả khi rất bận rộn công việc chuyên môn, họ vẫn luôn cố gắng có mặt để động viên, để nhắc nhở, để nắm bắt tâm tư bệnh nhân, luôn mở điện thoại để bệnh nhân gọi điện bất cứ lúc nào… Nhờ thế, chương trình luôn chỉnh chu trọn vẹn, tất cả các bệnh nhân đều nhận được sự quan tâm công bằng, các nhà hảo tâm đều được trân trọng ghi nhận, các điều dưỡng và y, bác sĩ khác luôn sẵn sàng chung tay, các chương trình của bệnh viện ngày càng có tầm ảnh hưởng…
Cần lắm những trái tim, những tấm gương như vậy ở những nơi nhiều nỗi đau, để sẽ không còn ai phải cô đơn trong nỗi đau của chính mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây