Viêm da cơ địa dễ tái phát khi giao mùa

Thứ hai - 17/06/2024 05:09 135 0
Thời tiết mưa nắng thất thường có thể là nguyên nhân khiến bệnh viêm da cơ địa tái phát. Những thói quen trong sinh hoạt, ăn uống có thể giúp người bệnh hạn chế tình trạng bệnh nặng hơn.
Viêm da cơ địa dễ tái phát
Thời tiết liên tục chuyển từ nắng nóng sang mưa đột ngột, sự chênh lệch của nhiệt độ kèm theo các yếu tố như ô nhiễm, bụi bẩn… có thể khiến viêm da cơ địa tái phát. Bởi khi nhiệt độ cao khiến cơ thể đổ mồ hôi liên tục cùng với bụi bẩn và bã nhờn ở trên bề mặt da sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển.
Với trẻ em, tình trạng viêm da cơ địa được chia theo 3 mức độ như sau:
  • Cấp tính: thường gặp ở trẻ nhỏ với tình trạng có nhiều mụn nước trên nền da đỏ và gây phù nề, một số trường hợp kèm theo chảy dịch, tiết dịch. Khi mụn nước bị vỡ ra và đóng vẩy sẽ gây ngứa. Thông thường các vị trí xuất hiện viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ mức độ này là má, trán.
  • Bán cấp: thường gặp ở lứa tuổi từ 2-10 tuổi. Da trẻ sẽ xuất hiện tình trạng viêm phù nề và có sẩn đỏ nổi lên bề mặt da. Những sẩn đỏ này có thể tập trung thành từng mảng dày hoặc xuất hiện rải rác trên da. Mức độ này ít gây chảy dịch hơn do với mức độ cấp tính.
  • Mạn tính: thường gặp ở trẻ trên 10 tuổi với tình trạng da nứt nẻ, khô, da dày. Ngoài ra có thể gặp tình trạng dày da lichen ở vùng khoèo chân, nếp gấp khuỷu tay.
Những biện pháp tránh viêm da cơ địa tái phát trong mùa hè
Dưới đây là một số biện pháp giúp hạn chế bệnh nặng hơn cho người viêm da cơ địa:
Dưỡng ẩm: Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần dưỡng ẩm vào mùa đông, tuy nhiên vào mùa hè người bệnh viêm da cơ địa vẫn phải lưu ý việc dưỡng ẩm. Việc dưỡng ẩm cần được duy trì hàng ngày. Bởi khi làn da mất nước sẽ gây ra tình trạng khô, kích thích các kháng thể gây ngứa. Khi dưỡng ẩm tốt, người bệnh sẽ giảm được các triệu chứng
Độ ẩm: Vào mùa hè nhiệt độ nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên. Nếu dùng điều hòa trong thời gian dài có thể khiến da bị khô, làm tăng tình trạng tổn thương da. Nếu người bệnh viêm da cơ địa sử dụng điều hòa vào mùa hè thì cần lưu ý đến việc cấp ẩm, có thể sử dụng máy phun sương hoặc các thiết bị cung cấp độ ẩm.
Chế độ dinh dưỡng: Thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh, cảm giác chán ăn hoặc ăn uống không điều độ. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý, việc ăn uống có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin, Omega-3… Và nên hạn chế các thực phẩm dễ gây kích ứng như da gia cầm (gà, vịt) hay hải sản.
Trang phục: Khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, người bệnh nên lựa chọn trang phục thoáng mát, rộng rãi và dễ thấm hút mồ hôi. Đồng thời hạn chế những trang phục có chất liệu dễ gây kích ứng cho da. Ngoài ra, người bệnh cũng cần bảo vệ làn da khỏi nhiệt độ khi di chuyển ngoài trời nắng bằng trang phục dài, mũ rộng vành, khẩu trang…
Hạn chế gãi: Thời tiết nắng nóng khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có thói quen gãi ngứa. Nếu tình trạng gãi ngứa kéo dài có thể khiến người bệnh đối diện với các nguy cơ nhiễm trùng từ các vết gãi.
Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Ngoài việc dưỡng ẩm hàng ngày, người bệnh cần lựa chọn sản phẩm chăm sóc da như xà phòng tắm phù hợp. Thông thường các loại sữa tắm sẽ chứa chất diệt khuẩn mạnh dễ khiến làn da nhạy cảm bị tổn thương. Người bệnh nên lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho người viêm da cơ địa.
Khi bị viêm da cơ địa, người bệnh tuyệt đối không được sử dụng các loại lá để tắm và chà sát lên da. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn và gây nguy cơ nhiễm trùng.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây