Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị và 'đất thép' Vĩnh Linh
Thứ tư - 17/07/2024 03:55990
Sáng 17/7, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đến dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị và dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh.
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An về dâng hoa, dâng hương tại thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thành Duy
Đoàn đến thị xã Quảng Trị dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với sự hy sinh cao cả, cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ cho hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hàng nghìn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm khốc liệt mùa hè năm 1972 (từ ngày 28/6-16/9/1972). Chiến công của các Anh hùng, liệt sĩ đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ và là biểu tượng thiêng liêng cho khát vọng hòa bình. Phía Nam thành cổ Quảng Trị sông Thạch Hãn – dòng sông linh thiêng đầy máu và hoa, là “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ” của nhiều người con Tổ quốc đã anh dũng hy sinh khi vượt sông từ bờ Bắc vào bờ Nam chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn đại biểu của tỉnh Nghệ An thành kính dâng hoa, dâng hương tại Nhà hành lễ và thả hoa tại bờ Nam sông Thạch Hãn bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, máu xương hòa vào dòng Thạch Hãn cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Tiếp đó, đoàn về “đất thép” Vĩnh Linh, thành kính dâng hoa, dâng hương trước Tượng đài và phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Linh. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và các đại biểu cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đã kính cẩn dành phút mặc niệm, bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn vô hạn các Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh là nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện lớn nhất tỉnh Quảng Trị, nơi yên nghỉ của 5.632 anh hùng liệt sĩ của 41 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 800 liệt sĩ quê Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 2024, tỉnh Nghệ An đã bố trí ngân sách tu bổ, tôn tạo Khu mộ các liệt sĩ quê Nghệ An, Hà Tĩnh đang an nghỉ tại Nghĩa trang.
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thực hiện lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu mộ các liệt sĩ quê Nghệ An, Hà Tĩnh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thành Duy
Theo Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Ngày 25/8/1954, phần đất Vĩnh Linh thuộc phía Bắc sông Bến Hải với diện tích gần 800 km2 trở thành Ðặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương. Từ đó, trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là mảnh đất tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, địa danh gắn với cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc, là nơi được mệnh danh là vùng “đất thép”. Từng tấc đất nơi đây đều thấm máu bao người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc.