Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ năm - 07/12/2023 10:49 53 0
Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng 7/12, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã đăng đàn trả lời về "Giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đăng đàn trả lời nội dung chất vấn. Ảnh: Thương Huyền

Chủ động triển khai nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch

Đại biểu Lê Thị Kim Chung, đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu cho rằng, du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn sự liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, với các địa phương, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cấp; đề nghị Giám đốc Sở Du lịch đưa ra giải pháp để phát triển liên kết ngành du lịch thời gian tới?

Về nội dung này, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong thời gian qua, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương ký kết, triển khai nhiều hoạt động liên kết để phát triển du lịch. Ở ngoại tỉnh thì thúc đẩy liên kết đặc biệt với các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí minh, các tỉnh Bắc Trung bộ mở rộng, TP Hải Phòng,... ký kết với Saigon tourit và Viettravel, tập đoàn Mường Thanh,...

Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tiếp tục rà soát lại các nội dung đã ký kết để đưa sự liên kết đi vào chiều sâu, có trọng tâm, đảm bảo hiệu quả và đổi mới cơ chế điều phối. Nâng cao hiệu quả liên kết, vai trò, trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành địa phương. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các địa phương khác trong nước và quốc tế. Người đứng đầu ngành Du lịch cho biết, thời gian vừa qua, Sở Du lịch đã tích cực phối hợp để mở đường bay Vinh - Cần Thơ, Vinh - Phú Quốc... từ đó lượng khách du lịch đến với Nghệ An đã bắt đầu chuyển tuyến, trước đây chủ yếu là khách của khu vực phía Bắc nhưng nay có cả các tỉnh Tây nguyên và đồng bằng sông Cửa Long.

Ngành sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Giao thông, ngành Văn hóa, Ban Dân tộc,... để xây dựng các mô mình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tín ngưỡng. Tư lệnh ngành Du lịch đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành quan tâm, phối hợp với ngành du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch.  

Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Liên quan đến ý kiến của đại biểu về việc thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh v một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, Sở Du lịch đã hỗ trợ 6,6 tỷ đồng cho các địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, khi xây dựng các mô hình xong cần phải có đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình để tiến hành nhân rộng.

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng thì việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quảng bá cho du lịch cũng rất quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp để tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân trong quảng bá du lịch cộng đồng.

Anh-tin-bai

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh phát biểu. Ảnh: Thương Huyền

Về việc phát huy thế mạnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong 7 loại hình du lịch của tỉnh nhà thì du lịch văn hóa đang ở vị trí số 1. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 480 di tích đã được xếp hạng và 463 di sản vật thể và phi vật thể. Đây là tiềm năng rất lớn nhưng thời gian qua việc phát triển văn hóa di sản chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong thời gian tới, ngành sẽ làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh dành nguồn lực cho phát triển văn hóa, đặc biệt là tôn tạo các di tích trọng điểm để phát triển du lịch. Tăng cường công tác xã hội hóa và thu hút đầu tư; tập trung xây dựng các thương hiệu du lịch văn hóa di sản.

Anh-tin-bai

Đại biểu Phan Thị Minh Lý, Đơn vị bầu cử Yên Thành phát biểu. Ảnh: Thương Huyền

Đại biểu Phan Thị Minh Lý - đơn vị bầu cử Yên Thành cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến Nghệ An không phát huy được tiềm năng thế mạnh trong du lịch. Theo đại biểu có 2 nguyên nhân chính đó là do phát triển các sản phẩm du lịch và thu hút đào tạo nguồn nhân lực. Vây có giải pháp nào để tháo gỡ 2 khó khăn này?

Theo tư lệnh ngành Du lịch, sản phẩm du lịch là sản phẩm chung không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là sản phẩm của các doanh nghiệp. Vì vậy, để xây dựng sản phẩm du lịch cần quan tâm đến công tác thu hút đầu tư, tăng cường công tác cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh nhiều hơn, đặc biệt là các tập đoàn mạnh, tập đoàn chuyên nghiệp.

Về nguồn nhân lực du lịch, theo nhận định của ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội có sự thiếu hụt. Nguyên nhân do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình biến động lao động. Hoạt động du lịch không thường xuyên, ảnh hưởng đến thu nhập và quá trình làm việc của người lao động. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã đào tạo hơn 8.100 lao động cho lĩnh vực du lịch nhưng số lượng lao động du lịch học ở trình độ sơ cấp là 5.600 lao động. Sự gắn kết của các cơ sở du lịch và trung tâm đào tạo lao động đang hạn chế,... Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, ông Hưng cho rằng cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, chú ý định hướng nghề nghiệp cho đối tượng lao động trẻ. Tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo lao động của ngành du lịch. Đối với các cơ sở du lịch, cơ sở lưu trú cần quan tâm, phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm và các sở đào tạo việc làm trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch,...

Trước phản ánh của đại biểu về tình trạng chặt chém khách du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình trạng chặt chém vẫn còn. Không chỉ riêng Nghệ An, ở các tỉnh khác vẫn còn tình trạng này. Các địa phương đã ban hành nhiều quy định, quy tắc nhưng trong quá trình kinh doanh vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện theo đúng quy tắc ứng xử văn minh đối với khách du lịch.

Để giải quyết vấn đề này, ngành đang tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cho người dân, các hộ dân kinh doanh du lịch về ứng xử văn hóa du lịch. Bên cạnh đó, tạo môi trường thân thiện để du khách và người dân có sự quan tâm và giao lưu văn hóa trong quá trình thăm quan các điểm du lịch. Triển khai lắp đặt các bộ quy tắc ứng xử, in ấn các tài liệu để tuyên truyền. Xây dựng các video để hình ảnh hóa các quy tắc ứng xử và tăng cường công tác quản lý an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đã có ý kiến làm rõ về số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; việc xây dựng mô hình du lịch trên Sông Lam. Việc phát triển du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên huyện Nam Đàn; phát triển du lịch miền Tây Nghệ An; công tác xúc tiến du lịch của tỉnh; xây dựng các sản phẩm lưu niệm phát triển du lịch; phát triển du lịch 4 mùa tại tỉnh Nghệ An; thu hồi các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai trên địa bàn thị xã Cửa Lò,...

Xóa bỏ tư tưởng làm du lịch theo mùa, du lịch chộp dật

Anh-tin-bai

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Thương Huyền

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo ngành Du lịch khá sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ngành, cơ quan chức năng đã phối hợp trả lời, nắm chắc vấn đề, trả lời cơ bản đầy đủ.

Theo đồng chí Thái Thanh Quý, trong quá trình xây dựng chiến lược, tỉnh Nghệ An luôn xác định du lịch là thế mạnh, ưu tiên phát triển. Tỉnh đã ban hành chiến lược, kế hoạch, chính sách để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch; tiềm năng phát triển văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú; nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ,... Vì vậy, phải thống nhất nhận thức chính trị đúng và quyết tâm chính trị cao để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, phát triển du lịch liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Qua nội dung chất vấn, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề cho các ngành liên quan, do vậy để phát triển du lịch không chỉ mỗi ngành du lịch làm được mà cần có trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần xây dựng một triết lý, bộ nhận diện rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch bài bản, tổng thể cho du lịch của tỉnh. Thực tế hiện nay địa phương đang tự làm, mạnh ai nấy làm, vai trò định hướng, quản lý của các cơ quan nhà nước chưa rõ dẫn đến khó kết nối và thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao hiệu quả của tổ chức quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao hiệu quả tham mưu quản lý du lịch cấp tỉnh, các địa phương, nhất là địa phương trọng điểm phát triển du lịch. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị kinh doanh du lịch, vị trí và vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đột phá hơn, mạnh hơn để phát triển du lịch. Trong đó, có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở phát triển du lịch. Cơ chế phát triển sản phẩm du lịch; nghiên cứu phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, đầu tư và phát triển đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch... Phát huy vai trò các di sản, di tích lịch sử; tăng cường thanh tra, kiểm tra các chương trình du lịch. Xóa bỏ tư tưởng làm du lịch theo mùa, du lịch chộp dật. Chú trọng xây dựng môi trường du lịch nhân văn, văn hóa du lịch giàu bản sắc, tính khác biệt cao, ứng xử văn minh thân thiện, chú trọng bảo vệ môi trường trong lành; đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu... Tăng cường liên kết, kết nối phát triển thị trường; ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá du lịch; tăng cường trải nghiệm du lịch mới cho du khách. Hợp tác với tổ chức trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch,...

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây