Dưa chuột Nhật Bản là loại cây lưỡng tính không cần ong thụ phấn, cho năng suất gấp 3 lần so với những giống dưa chuột thông thường. Việc trồng dưa chuột Nhật để xuất khẩu đòi hỏi phải đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy trình chăm sóc cây qua nhiều bước như: theo dõi hồ sơ và nhật ký canh tác ở từng khâu; đất trồng phải tránh khu vực bị ô nhiễm; rễ của dưa chuột yếu nên khi làm đất phải cày bừa kỹ cho đất tơi xốp và dùng bột vôi để xử lý sâu bệnh.
Giống dưa leo Nhật Bản, ưu điểm khiến cho loại giống này được ưa chuộng nhiều nhất đó là chất lượng hạt giống tốt, hạt giống chuẩn F1 đạt tỷ lệ đồng đều về kích cỡ quả và đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm định trước khi lưu hành trên thị trường.
Do vậy, hạt giống dưa leo Nhật Bản luôn cho sản lượng cao, có thể trồng ở quy mô lớn. Ngoài ra khi thâm canh giống dưa này không cần ong thụ phấn, cho năng suất gấp 3 lần so với những giống dưa chuột thông thường.
Dưa leo Nhật Bản với hình dáng thuôn dài từ 20-25cm, ruột đặc và gần như không có hạt. Vỏ dưa có màu xanh đậm với nhiều gai và trên bề mặt phủ một lớp bột màu trắng gọi là phấn dưa. Đây là một thành phần do chính dưa chuột tiết ra để bảo vệ bản thân khỏi mưa và nắng nóng. Tuy nhiên, nhờ lớp phấn và vỏ gai này giúp dưa leo Nhật Bản có độ giòn và ngọt hơn hẳn so với dưa chuột có vỏ bề mặt trơn bóng. Giống dưa này quả có thành phần tới 96% là nước, giàu dinh dưỡng và ít calo. Không chỉ thế, chúng còn sở hữu độ giòn dai và hương vị thanh mát nên rất được ưa chuộng ở dạng ăn trực tiếp, thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 40 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài được 1,5 đến 2 tháng.. Qua trồng thử nghiệm tại các mô hình công nghệ cao ở Nam Đàn, Nghệ An đều cho thấy đây là giống dưa sinh trưởng khỏe, kháng bệnh tốt, quả giòn ngọt dễ tiêu thụ.
Vụ xuân 2024, hộ gia đình anh Nguyễn Khắc Thẩm tại xóm Đông Xuân - xã Trung Phúc Cường đã mạnh dạn đầu tư sản xuất giống Dưa leo Nhật Bản trên quy mô nhà màng với diện tích sản xuất 1000m2 . Kết quả sau gần 3 tháng mô hình đạt năng suất 3tấn/(1.000m2), với giá bán lẻ 25.000đ/kg và bán sỉ 15.000đ/kg thì ở vụ dưa này sau khi trừ chi phí thu được lãi 40 - 45 triệu đồng/1000m2. Qua đây cho thấy mô hình công nghệ cao áp dụng giống mới năng suất chất lượng thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Trung Phúc Cường nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao hàng năm hợp lý, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết….
Xây dựng mô hình công nghệ cao giúp cho bà con nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật sản xuất dưa theo tiêu chuẩn VietGap từ việc sử dụng loại giống cây có nguồn gốc chất lượng, chăm sóc cây tốt, cây khoẻ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học hợp lý để đảm bảo sản phẩm an toàn góp phần bảo vệ môi trường và con người.