PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở TƯƠNG DƯƠNG
Thứ hai - 30/05/2022 00:101.0710
Du lịch cộng đồng đã và đang là một trong những xu hướng du lịch quan trọng trong thế kỷ 21. Việc phát triển du lịch cộng đồng tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa bàn khó khăn, cho cư dân vùng nông thôn, vùng sinh sống của các dân tộc ít người, cho các làng nghề, làng quê,... Phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, tự nhiên tại các địa phương. Huyện Tương Dương nói chung và Xã Yên Hòa nói riêng là địa phương, là điểm đến có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Miền tây Nghệ An với hàng triệu khách tham quan một năm. Đồng thời, cũng phải xác định du lịch cũng là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Hoạt động du lịch hiện nay vẫn chủ yếu tập trung khai thác các giá trị của cảnh quan thiên nhiên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và các dịch vụ có nhiều tiềm năng, điều kiện để hình thành các điểm du lịch cộng đồng. Việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng sẽ tạo ra diện mạo mới cho du lịch ở địa phương, nâng cao hiệu quả về mặt kinh tế, tạo công ăn việc làm, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa cộng đồng của địa phương. 1. Tiềm năng phát triển Huyện Tương Dương có quỹ đất rộng, rừng tự nhiên lớn, có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ngoài những tiềm năng du lịch sinh thái, còn có tiềm năng du lịch nhân văn rất lớn. Đây là địa bàn sinh sống từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc Thái, với bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, đây cũng là nơi lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá đặc sắc là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn, phù hợp mà chúng ta có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Về du lịch sinh thái- du lịch cộng đồng: Nơi đây có Rừng săng lẻthuộc xã Tam Đình, huyện Tương Dương, được biết đến là rừng cổ thụ độc nhất ở Việt Nam, là một trong những điểm du lịch nổi bật trong bản đồ huyện Tương Dương Nghệ An, rừng săng lẻ rộng lớn. Có Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích rừng: 49.806 ha. Hồ thủy điện Bản Vẽ - xã Yên Na, Tương Dương- đập thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Khe Cớ xã Tam Đình với khu du lịch sinh thái mới, khe Cớ có lượng nước dồi dào, quanh năm, trở thành một bãi tắm thiên nhiên lý tưởng. Điểm du lịch cộng đồng ở bản Cọoc, gắn với 40 cọn nước và Rừng Săng lẻ tại Bản Yên Tân xã Yên Hòa với quy mô 2 ha, gắn với hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào... Về di tích gắn với không gian văn hoá lễ hội, Tương Dương có Đền Vạn – Cửa Rào thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và Tam toà Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào dịp đầu xuân hàng năm là nét đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc Tương Dương, thu hút đông đảo du khách gần xa. Ngoài Đền Vạn – Cửa Rào còn có đền Pàng, đền thờ Lý Nhật Quang ở xã Tam Quang. Cổng phủ Tương Một trong những di tích lịch sử ở Nghệ Anđặc sắc nhất - cây đa trăm tuổi ôm trọn cổng phủ Tương Dương vô cùng linh thiêng. Cổng phủ Tương Dương, mặt hướng ra ngã 3 sông - nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ, để từ đó hợp thành dòng sông Lam. Về du lịch nhân văn: Tương Dương sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Đó là các loại hình và làn điệu dân ca (khắp, nhuôn, xuôi của người Thái; các điệu Tơm của người Khơ-mú; hát của người Mông), dân vũ (múa Thái, múa khèn Mông, giỗ ống Khơ-mú) và nhạc cụ (pí, khèn bè, nhị hai dây, chiêng trống của người Thái); nhị hai dây (của người Thổ); sáo dọc, sáo ngang, pí tơm, pí tót, đàn môi, thằm đao đao (của người Khơ-mú), khèn (Mông); các thành tố của văn học dân gian gồm: truyền thuyết, truyện kể, sử thi, tục ngữ, ca dao, đồng dao, câu đố vốn khá phong phú của người Thái, Mông, Khơ-mú ..., đặc biệt là chữ viết của người Thái. Các làng nghề vẫn còn giữ được nghề truyền thống với các sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng (mộc, đan lát, dệt thổ cẩm...), văn hóa cộng đồng độc đáo, gìn giữ được những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt đặc trưng...
Ngoài ra với sự đa dạng về các dân tộc sinh sống, nơi đây còn có các món ẩm thực đặc trưng của các đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây: mọc - một món ăn truyền thống của người Thái, lợn giàng, bò giàng, lạp xưởng, rượu nếp cẩm, cá nướng, xoài... Thưởng thức ẩm thực với các món ăn truyền thống của người Thái: như cơm lam, xôi ngũ sắc, gà nướng, cá nướng, thịt nướng, nộm hoa chuối, các món rau rừng … văn hóa, văn nghệ hát dân ca Thái, nhảy sạp, múa lăm vông, đánh cồng chiêng, uống rượu cần; được trải nghiệm ngủ nhà sàn của đồng bào. 2. Hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Tương Dương Tương Dương được nhắc đến như một “thiên đường du lịch” hấp dẫn, với tiềm năng vô cùng to lớn, nhưng chưa được nhiều người biết đến. Tương Dương có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, di sản văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc có thể khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Hiện nay, các điểm liên kết du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, văn hóa, tâm linh của huyện đã được nhiều du khách biết đến như: Nặm Xán bản Tùng Hương xã Tam Quang; Rừng Săng lẻ - Khe Cớ của xã Tam Đình; Đền Vạn Cửa Rào - Khe Tát Hạ xã Xá Lượng; Văng Phột xã Lưu Kiền; Thủy Điện Bản Vẽ xã Yên Na và Cọn nước – Điểm dừng chân Săng lẻ tại xã Yên Hòa. Với khá nhiều di tích - lịch sử, tiêu biểu như đền Cửa Rào (xã Xá Lượng), đền thờ Lý Nhật Quang, hang Thằm Cóng (xã Tam Quang), và hệ thống hang động ở bản Xiềng Lằm (xã Hữu Khuông). Thời gian qua, các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân đã thu hút một số lượng lớn khách thập phương đến tham dự lễ hội.
Đặc biệt, xã Yên Hòa là một trong những điểm du lịch cộng đồng mang đậm nét bản sắc truyền thống văn hóa của người dân tộc Thái huyện miền núi Tương Dương, với những điểm dừng chân rất ấn tượng như 40 Cọn nươc tại bản Cọoc, rừng săng lẻ tại bản Yên Tân... Trong thời gian qua đã từng bước hình thành và định hướng phát triển không gian, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch của Xã Yên Hòa hướng tới không gian – tài nguyên sản phẩm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng (gắn với lưu trú homestay) ở Yên Hòa góp phần mở rộng không gian phát triển, du lịch của huyện Tương Dương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Du lịch cộng đồng, Du lịch văn hóa, Du lịch tham quan, Lưu trú homestay,… Bảo tồn văn hóa, làng nghề, Bảo tồn văn hóa cộng đồng, môi trường. Tạo việc làm, thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch, từ hoạt động làng nghề, từ các hoạt động kinh doanh khác. Hoạt động du lịch phát triển đã tạo cơ hội việc làm rất lớn cho người dân thông qua việc các làng nghề được khôi phục, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng như người dân có thể tham gia trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động du lịch như hướng dẫn viên, bán hàng lưu niệm, ăn uống, cho thuê lưu trú homestay, vận chuyển,…Song song với đó, nguồn thu của cộng đồng địa phương sẽ đa dạng hơn. Sản phẩm làng nghề vừa bán thương mại, vừa bán cho khách du lịch làm lưu niệm. Ngoài nguồn thu từ sản phẩm làng nghề, người dân còn có cơ hội tăng thu nhập qua làm dịch vụ du lịch như dịch vụ hướng dẫn viên, dịch vụ cho thuê lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển... 3. Một số hạn chế, tồn tại Phát triển du lịch cộng đồng ở Huyện Tương Dương 3.1 Thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch địa phương Tại điểm du lịch cộng đồng ở miền tây Nghệ An nói chung và ở Tương Dương nói riêng hầu như chưa có hướng dẫn viên du lịch. Đây là một hạn chế rất lớn trong dịch vụ du lịch. Khách du lịch khi đến các điểm du lịch cộng đồng thì rất muốn được đi cùng những hướng dẫn viên địa phương vì hơn ai hết họ là những người hiểu về văn hóa, cuộc sống tại điểm du lịch nhất. Khách du lịch thích những hướng dẫn viên địa phương như vậy vì họ đang được giao tiếp với chính những người dân ở đây, họ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về điểm du lịch cộng đồng mà họ đang đến. Ngoài ra, hướng dẫn viên địa phương là những người dân địa phương nên trong quá trình dẫn khách đi tham quan họ có mối quan hệ rất tốt với cư dân bản địa, điều này cũng khiến khách du lịch cảm giác an toàn hơn rất nhiều. 3.2 Vấn đề giấy phép tham gia du lịch Do điểm du lịch cộng đồng nằm ở những khu vực biên giới nên vấn đề cấp giấy phép cho các đoàn khách du lịch khi đến đây còn rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là đối với các đoàn khách du lịch khi muốn đến tham quan và lưu trú tại bản thuộc khu vực biên giới. Các đoàn khách du lịch sẽ phải xin giấy phép của công an, Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An. Như vậy chúng ta cần có sự phối kết hợp giữa các ban ngành để giải quyết nhanh nhất cho khách du lịch khi có nhu cầu đến tham quan những điểm du lịch này. 3.3 Sản phẩm phục vụ du lịch chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch Các sản phẩm thủ công: đan lát, dệt thổ cẩm... còn đơn điệu, chủng loại sản phẩm nghèo nàn và mẫu mã chưa đa dạng. Sản phẩm của các làng nghề thổ cẩm chủ yếu là: khăn, ví cầm tay, túi đựng điện thoại, áo, vải áo và váy Thái. Các sản phẩm này trùng lặp giữa các làng nghề trong vùng và chưa cạnh tranh được với các sản phẩm ở các điểm du lịch cộng đồng khác. 3.4 Hạn chế trong công tác tuyên tuyền, xúc tiến, quảng bá Hình thức quảng bá chủ yếu là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, website và các tập gấp, trang mạng xã hội. Tuy nhiên các thông tin về các điểm du lịch cộng đồng chưa cập nhật đầy đủ thông tin và chưa có các hoạt động quan hệ công chúng để tuyên truyền rộng rãi thông tin về điểm đến. Các tour du lịch cộng đồng chỉ được giới thiệu qua các tập gấp nhỏ, thông tin chưa đầy đủ và chưa cung cấp rộng rãi cho khách du lịch. 3.5 Những hạn chế trong vấn đề vệ sinh môi trường và các trải nghiệm tham quan mô hình sản xuất của người dân Tại các điểm du lịch cộng đồng công tác vệ sinh môi trường ở một số điểm chưa được chú trọng. Tại nhiều điểm tham quan du lịch hay đường làng ngỏ xóm vần còn tình trạng rác thải bừa bộn, phân trâu bò, gia súc không được dọn sạch. Do vậy để phát triển du lịch cộng đồng thì tại các bản công tác vệ sinh môi trường phải được phân công thực hiện đảm bảo và mỗi người dân phải tự ý thức hơn với môi trường làng bản của mình. Các mô hình kinh tế như: Chăn nuối: vịt bầu, gà, nuôi cá, trâu, bò, dê trồng rừng... còn ít và nhỏ lẻ. Giao thông thôn bản và vệ sinh làng bản còn chưa đầy đủ và sạch sẽ, đảm bảo môi trường việc trồng hoa xung quanh nhà dân, mở điểm bán hàng đặc sản của địa phương còn ít. 4. Một số giải pháp phát triển Du lịch cộng đồnghướng tới phát triển bền vững ở Tương Dương 4.1. Quy hoạch loại hình và các điểm du lịch cộng đồng - Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (bộ, sông) kết nối các điểm du lịch cộng đồng một cách thuận tiện nhất, chất lượng tốt nhất và an toàn. Đầu tư cơ sở vật chất phục du lịch như homestay cần cải tạo lại theo hướng sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát, sử dụng các loại giường ngủ truyền thống như chiếu tre, chiếu cói, sạp, ngủ trên sàn và các tiện thân thieenh môi trường...; nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh để khách có thể tắm rữa, sinh hoạt,..; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để khách có thể tham gia các công đoạn sản xuất: đẹt thổ cẩm, đan lát, đánh cá... Xây dựng các điểm giới thiệu, bán các đặc sản của địa phương: như mây tre đan, dệt thổ cẩm, rượu men lá, cơm lam, đặc sản... Cải thiện đường giao thông thôn bản; Trang bị áo phao cho du khách khi tham gia tắm tại thác và đi thuyền trên lòng hồ thủy điện. 4.2 Tạo nguồn nhân lực địa phương Tạo nguồn nhân lực địa phương: Giúp người dân làm dịch vụ du lịch, phát triển các ngành nghề vừa phục vụ du lịch, vừa có thu nhập cho người dân.Thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch, giao tiếp ứng xử cho người dân, với các nội dung về Du lịch, du lịch cộng đồng, điều kiện, nguyên tắc và các vấn đề lý luận liên quan đến loại hình du lịch cộng đồng. Đối với đối tượng là người dân địa phương, nội dung này cần được truyền đạt một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; Nâng cao nhận thức về việc phát huy, bảo tồn, giữ gìn tài nguyên du lịch. Đối với từng địa bàn, chúng ta cần có những lớp học để giới thiệu về giá trị tài nguyên du lịch của địa phương, cách khai thác các giá trị đó và yêu cầu về việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các tài nguyên du lịch, cung cấp những nét đặc thù về truyền thống văn hóa.... Tập Huấn về kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Tập trung chủ yếu vào việc tạo dựng môi trường trong và ngoài tổ hợp du lịch nhằm đảm bảo tính hài hòa, nồng nhiệt, an toàn, thân thiện đối với du khách. Người dân địa phương cần được đào tạo về cách nói trong giao tiếp, thái độ và hành động đón tiếp khách du lịch; Tập huấn về kinh doanh du lịch, xây dựng và cải thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch; ký kết hợp đồng hoặc quan hệ đối tác với các công ty du lịch và các đối tác liên quan... tập huấn kỹ năng thuyết trình du lịch, hướng dẫn viên du lịch cho người dân địa phương, những nội dung liên quan tới các quy định và hoạt động lưu trú của du khách: phòng cháy chữa cháy, và những quy định cụ thể đối với khách du lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm và thực hiện tốt các quy định theo pháp luật... Với các hình thức đào tạo: Đào tạo tại chỗ: Mời các chuyên gia mở các lớp học chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ du lịch ngay tại nơi sinh sống của người dân. Có thể là nhà văn hóa xã, hội trường thôn để người dân tham dự; Ban điều hành tự quản phối hợp với các công ty du lịch tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho người dân theo đặc điểm, yêu cầu của từng bộ phận; kết hợp với các ban ngành khác tổ chức cho các học viên trong tổ hợp đi tham quan, học tập tại các điểm có hoạt động du lịch cộng đồng phát triển; Đưa nội dung DLCĐ vào trường học để tăng sự trải nghiệm của học sinh thông qua các chương trình học dã ngoại…; Chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua các nguồn thu từ hoạt động du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 4.3. Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường, hạn chế tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái của vùng Bảo tồn tài nguyên là một trong những nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng, đây cũng là một nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch nói chung, hoạt động du lịch cộng đồng nói riêng. Về thực trạng, hầu hết các hộ dân ở đây đều vứt rác ở khu vực gần nhà, chưa có một hệ thống thu gom rác thải đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Vì vậy, giải pháp thu gom và xử lý rác tiến hành càng sớm càng tốt nhằm tránh những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường. Kiến nghị đầu tư các điểm thu gom rác hợp vệ sinh. Lồng ghép các chương trình tham quan du lịch với nội dung bảo vệ môi trường. Đầu tư, hỗ trợ vốn cho các cơ sở nhà dân phục vụ du khách sửa sang, xây mới nhà vệ sinh, phòng tắm đủ điều kiện phục vụ khách du lịch và bản thân những người trong gia đình, cải thiện điều kiện lưu trú vừa thu hút thêm khách, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống. Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường, hạn chế tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái của vùng. Bảo tồn giá trị văn hóa đảm bảo được tính bền vững của việc phát triển du lich cộng đồng. 4.4 Xã hội hóa đầu tư và kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho du lịch cộng đồng Điều kiện phát triển du lịch cộng đồng ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, sự sẵn sàng tham gia của cộng đồng thì cần phải đảm bảo các điều kiện: cơ sở vật chất kỹ thuật, giao thông vận tải và các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch. Nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường vào sâu trong bản, đặc biệt là những đoạn đường hẹp, hư hỏng... Bê tông hóa các con đường đất để hạn chế việc đi lại khó khăn vào những ngày mưa gió. quy hoach các bến đỗ riêng dành cho xe du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn khách dễ dàng tiếp cận điểm du lịch. Đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú cộng đồng và các hình thức lưu trú (homestay) với các dịch vụ kèm theo như quầy bán hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống... đảm bảo vệ sinh và an toàn phục vụ nhu cầu ở lại đêm và nghỉ ngơi của du khách. Đầu tư phát triển cơ sở vận chuyển như thuyền, ghe, xe máy, xe đạp... phục vụ khách tham quan tại điểm du lịch. Xã hội hóa đầu tư và kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho Du lịch cộng đồng. 4.5. Quảng bá điểm đến - Kết nối, hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách đến miền Tây Nghệ An Du lịch cộng đồng ở miền tây Nghệ An nói chung và Tương Dương nó riêng là mô hình mới, do vậy càng cần thiết hơn phải áp dụng các hình thức quảng bá, xúc tiến khác nhau để giới thiệu. Xây dựng tour, tuyến về các hình thức phục vụ du lịch, bao gồm thông tin về: các tuyến điểm du lịch hấp dẫn; các cơ sở lưu trú và ăn uống trong đó có địa chỉ và hình ảnh để khách du lịch tiện lựa chọn và liên hệ. Quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng: làm phim phát trên đài truyền hình, viết bài, ảnh, phóng sự đăng tải trên báo chí , các trang mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi viết và chụp ảnh đến các điểm du lịch cộng đồng… Cung cấp thông tin đầy đủ tới các công ty du lịch bằng các phương tiện xúc tiến như tập gấp, báo, truyền thanh, truyền hình và các ấn phẩm gửi trực tiếp. Trong đó đặc biệt chú trọng phương tiện internet, các trang mạng xã hội như facebook, zalo... Mặt khác, để khắc phục vấn đề thiếu thông tin, khi mới đi vào hoạt động, các điểm du lịch cộng đồng phải tổ chức các tour Famtrip, mời các công ty lữ hành tham gia để giới thiệu, quảng bá đồng thời tranh thủ ý kiến của họ về sản phẩm và dịch vụ du lịch tại địa bàn. Kết nối, hỗ trợ các công ty lữ hành đưa khách đến các điểmDu lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An. Xây dựng gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sản địa phương... xây dựng mô hình làng quê như một bảo tàng sống cho cộng đồng cư dân địa phương. Liên kết, kết nối phát triển du lịch, hoạt động du lịch là một chuỗi của sự liên kết giữa các yếu tố khác nhau từ điểm du lịch đến các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để tạo thành sản phẩm du lịch hoàn thiện. Hoạt động liên kết cần có sự tham gia của các thành phần như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ, người dân và cơ quan truyền thông,... Mục đích của liên kết là hướng tới phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất. Phát triển du lịch cộng đồng cần có liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, bởi đây là nguồn cung cấp khách chính. 4. Kết luận Cùng với sự phát triển của các loại hình lưu trú khác, du lịch cộng đồng (có gắn với lưu trú homestay) là loại hình du lịch có nhiều ưu điểm, có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển khu vực Miền tây Nghệ An và ở Tương Dương thời gian tới. Việc phát triển loại hình này sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội tổng hợp từ hiệu quả khai thác tài nguyên, tạo việc làm, đa dạng sản phẩm, mở rộng không gian du lịch, tăng thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo cho cộng đồng địa phương. Những giải pháp được đề xuất dựa trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi ích cũng như từ thực trạng phát triển hiện nay nên mang tính khả thi và giá trị thực tiễn cao.