MÙA ĐÔNG NĂM NAY ĐẾN SỚM, LẠNH VÀ RÉT HƠN

Thứ tư - 30/10/2024 23:07 672 0
Nhiều năm gần đây mức độ xảy ra rét đậm, rét hại trong mùa đông, đầu mùa xuân ở miền Bắc nói chung, Nghệ An nói riêng không nhiều do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hoạt động của EL Nino.
Thời tiết mùa đông năm 2024 ở miền Bắc được dự báo sẽ đến sớm, lạnh và rét hơn, kéo dài đến đầu năm 2025. Đây là dự báo sớm để chúng ta chủ động có các biện pháp phòng chống kịp thời đối với người, cây trồng và vật nuôi.
MÙA ĐÔNG SẼ RÉT HƠN
Mùa đông năm 2024 được dự báo sẽ đến sớm hơn, rét hơn mọi năm với những đợt không khí lạnh xuất hiện sớm ngay từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, tần suất không khí lạnh xuất hiện sẽ gia tăng nhiều về sau.
Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina làm cho thời tiết mùa đông có nhiều thay đổi so với mùa đông năm 2023, năm chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều của hiện tượng EL Nino. Năm nay, đợt không khí lạnh đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 9, điều này khắc với tháng 9 năm ngoái.
Tháng 9 năm 2024, miền Bắc ghi nhận có số ngày mưa nhiều hơn số ngày nắng làm cho thời tiết cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hơn so với mùa đông năm 2023, thậm chí có ngày nhiệt độ không khí xuông thấp 22,7C0.
Sự thay đổi thời tiết rõ rệt trong tháng 9, đầu tháng 10 so với tháng 9 và đầu tháng 10 năm ngoái báo hiệu cho sự thay đổi thời tiết trong những tháng tới, nhất là trong mùa đông năm nay rét đậm, rét hại có thể xảy ra từ nửa cuối tháng 11 và tháng 12 trở đi. Nền nhiệt độ mùa đông năm nay có thể dưới trung bình nhiều năm (THNN) tất cả mọi sự thay đổi về thời tiết mùa đông năm nay do phải chịu sự chi phối của hiện tượng La Nina xuất hiện. Đó là nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng trung tâm Thái Bình Dương lạnh đi. Theo số liệu của cơ quan quản lý Khí tượng và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết, từ tuần đầu giữa tháng 9 chuẩn sai nhiệt độ bề mặt nước biển ở khu vực này đã giảm xuống âm 0,5C0 và nhận định La Nina sẽ xuất hiện trong các tháng 9 - 11 và sẽ kéo dài đến tháng 3/2025. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia của Việt Nam cũng có nhận định sang tháng 10/2024 hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái La Nina với xác xuất 70%.
Các đợt La Nina điển hình xẩy ra vào các năm 1998 - 2000, 2007 - 2008, 2010 - 2011 và 2020 - 2022. Trong đó, đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ tháng 1 - 2/2008 được xem là dài nhất trong lịch sử nước ta. Đợt rét này đã làm 180.000ha lúa và gần 110.000 con vật nuôi bị chết rét; nhiệt độ không khí ở Sapa xuống âm 1,0C0, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) âm 2C0, băng tuyết phủ trắng trên các đồi núi ở nhiều nơi, kể cả Kỳ Sơn, Nghệ An.
Đợt rét đậm, rét hại thứ 2 kéo dài 31 ngày, từ ngày 03/01 - 03/02/2011 đã làm cho nền nhiệt ở miền Bắc giảm sâu, tại Sapa (Lào Cai) 0C0, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) âm 3,6C0. Đợt rét này làm hơn 30.000 con gia súc chết.
Dự báo mùa đông năm nay thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn, từ đầu tháng 10 tần suất các đợt không khí lạnh đầu tiên sẽ tràn vào nước ta nhiều hơn, làm giảm nhiệt độ không khí xuống thấp hơn so với cùng kỳ này năm 2023. Các vùng đồng bằng Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, nhiệt độ sẽ xuống thấp từ 19 - 20, vùng núi cao từ 15 - 16C0. Mùa đông năm nay sẽ kéo dài hơn và rét nhiều hơn so với các năm trước đây.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang trog trạng thái trung tính. Dự báo thời kỳ từ tháng 9 - 11/2024, ENSO có thể chuyển sang trạng thái La Nina với xác xuất 70%. Không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh và gia tăng tần suất kể từ tháng 11/2024 đến tháng 01/2025. Rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 12/2024 đến tháng 01/2025, kèm theo sương muối, băng giá ở các vùng núi cao.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG RÉT SỚM
Mấy năm gần đây mùa đông đến muộn, trời ít có rét đậm và rét hại kéo dài, nên không ít người vẫn có tư tưởng chủ quan, xem thường. Mùa đông năm nay cơ quan khí tượng cả quốc tế và trong nước dự báo sẽ là một mùa đông đến sớm, lạnh và rét hơn so với cá mùa đông những năm vừa qua. Vì vậy, cần phải chủ động có kế hoạch phòng chống rét sớm cho người, cây trồng và đàn gia súc ngay từ bây giờ.
Thứ nhất: Đối với người, nhất là người già, người sức khỏe yếu và trẻ con phải chuẩn bị sẵn quần áo ấm, chăn nệm và hạn chế đi ra ngoài vào những ngà mưa rét, rét, nhiệt độ từ 15C0 trở xuống. Trong những ngày giá rét tuyệt đối không đốt than tổ ong, than củi, củi trong phòng kín để sưởi ấm hoặc để ngủ dẫn đến ngạt thở do thiếu oxy, nhiều khí độc oxít carbone gây chết người.
Thứ hai: Đối với cây trồng, thời gian tới chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân kể từ tháng 12/2024 trở đi, đúng vào những ngày xuất hiện rét đậm, rét hại. vì vậy, cần lưu ý thực hiện tốt mấy biện pháp chủ yếu sau đây:
Đối với cây lúa, chỉ gieo mạ hay gieo sạ lúa xuân vào những ngày trời ấm, nhiệt độ không khí từ 17C0 trở lên, từ 15C0 trở xuống không gieo.
Mạ gieo xong cần tiến hành che phủ kín bằng ni lông để phòng chống rét cho mạ. Nơi nào có nguồn nước tưới chủ động cần cho nước vào ngập một phần ba chiều cao cây mạ. Vùng không có nguồn nước tưới thì dùng tro bếp (tro rơm rạ, củi, lá cây, cỏ dại...) phủ lên mặt luống để giữ ấm cho mạ.
Tuyệt đối không bón thúc đạm hay NPK cho mạ vào những ngày trời đang có rét.
Trước khi cấy 2 - 3 ngày phải mở ni lông ra để cây mạ thích ứng với môi trường tự nhiên. Trong những ngày giá rét có sương muối, bà con nông dân cần khoát nước hay phun nước lên mặt lá lúa, lá mạ để tránh lá bị cháy khi mặt trời mọc làm cho sương tan.
Cần dự phòng các giống lúa cực ngắn ngày để đề phòng mạ và lúa non bị chết rét phải gieo cấy lại.
Đối với các cây rau màu, nếu đến thời kỳ thu hoạch, nên thu hoạch nhanh khi có dự báo rét đậm, rét hại, kèm theo sương muối xuất hiện.
Các vườn ươm rau ăn lá, nên che bằng ni lông trắng để tránh mưa to, rét đậm, rét hại. nếu có nước tưới thì cần tưới nước ngập vào rãnh luống để giúp cây tăng cường khả năng chống rét. Trường hợp có sương muối xuất hiện thì kịp thời phun nước hoặc khoát nước lên mặt lá rửa tan các hạt sương càng nhanh, càng tốt.
Không bón đạm cho tất cả các loại rau ăn lá, chỉ bón kali và lân trước khi có dự báo rét hại, rét đậm.
Đối với cây lạc, đậu, nhất thiết không gieo trỉa vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 13C0, cho dù thời vụ đã đến.
Thứ ba: Đối với vật nuôi, tuyệt đối không chăn thả, không bắt trâu bò cày kéo vào những ngày mưa rét đậm, rét hại, nhất là các vùng núi cao, như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp...
Tiến hành che chắn kín chuồng trại, có thể mặc áo cho trâu bò, đốt lửa sưởi ấm khi trời rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết...
Chuẩn bị sẵn thức ăn thô (rơm rạ, cỏ khô, cỏ tươi...) thức ăn tinh do các nhà máy chế biến thức ăn sản xuất, cho trâu bò uống nước ấm, nước muối pha loãng.
Trước khi bước vào mùa đông giá rét, các địa phương và bà con nông dân nên tiến hành tiêm phòng các loại vác xin phòng bệnh cho đàn gia súc.

Tác giả bài viết: TT-PT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây