Nghệ An đẩy nhanh thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 11/12/2024 21:42 13 0
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng khắp cả nước và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành khoa học và công nghệ, tạo nên diện mạo thay đổi tích cực cho nông thôn.
Có thể thấy dấu ấn của khoa học và công nghệ góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như: Ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, Global GAP,... Đồng thời, tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm quốc gia chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP) từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.
Trình độ khoa học và công nghệ của nền nông nghiệp cũng được nâng cao, công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Sự sáng tạo không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa phương. Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trên khắp cả nước trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo nên sự thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ảnh hưởng đến môi trường nông thôn, diễn biến thời tiết đang ngày càng phức tạp, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng lớn và nghiêm trọng hơn, do vậy, yêu cầu của ngành khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn ngày càng quan trọng. Khoa học và Công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, đưa các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo hướng đi mới để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất.
Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường, theo đó, ngành chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch; nghiên cứu sản xuất vắc-xin; đặc điểm bệnh lý sinh học dịch tễ; đánh giá hoạt tính kháng virus của một số chế phẩm tự nhiên; giải pháp an toàn sinh học; xử lý môi trường; giải pháp quản lý,... để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế như: Ứng dụng hệ thống thiết bị cấp đông nhanh trực tiếp bằng chất tải lạnh lỏng ứng dụng trong chế biến một số loại thủy sản với tính năng vượt trội về chất lượng và hiệu quả so với công nghệ cấp đông truyền thống.
Ngày 02/8/2022, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định số 923/QĐ-TTg với mục tiêu cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Chương trình cũng đề ra một số chỉ tiêu và sản phẩm: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng. Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư. Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, các địa phương chưa đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt được các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Thực hiện nhiệm vụ Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, các đề tài, dự án triển khai sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị... theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và 05 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Nội dung các đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương để giúp các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện... Đặc biệt, chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương lựa chọn Nghệ An để thực hiện đề tài nghiên cứu: “Xây dựng chuổi giá trị sản phẩm OCOP từ tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng miền núi Tây Nghệ An” theo Quyết định số 2505/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/6/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay Trung ương đang tiến hành thương thảo ký kết hợp đồng tuyển chọn và triển khai thực hiện tại huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.

Tác giả bài viết: DN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây