ĐỀ PHÒNG DỊCH BỆNH XẨY RA TRÊN ĐÀN VẬT NUÔI TRƯỚC VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN

Thứ tư - 21/02/2024 04:11 227 0
Hàng năm cứ vào thời gian trước và sau tết Nguyên đán, số lượng trâu, bò, lợn, gà, vịt… được làm thịt để phục vụ những ngày tết chiếm từ 10 – 17% tổng đàn các loại. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay khá phức tạp, nhất là vùng nông thôn ngày tết phần lớn họ chung đụng nhau để giết mổ. Trong khi đó, việc quản lý và tổ chức phòng chống dịch bệnh cho cả đàn gia súc, gia cầm của chúng ta vừa qua làm chưa tốt. Vì vậy rất khó tránh khỏi khả năng dịch bệnh dễ xẩy ra.
Khó tránh dịch bệnh xẩy ra trên đàn vật nuôi ?
Năm nào cũng vậy, sau Tết nguyên đán tình trạng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương lại xẩy ra với nhiều mức độ khác nhau. Đặc biệt năm nay, khả năng dịch bệnh rất dễ xẩy ra. Vì thế, ngày 29 tháng 12 năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 4465/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An về kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024.
Vì sao dịp trước và sau Tết nguyên đán năm nay rất dễ xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ?
Thứ nhất: Kết quả giám sát chủ động dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho thấy tỉ lệ lưu hành các mầm bệnh cao: bệnh cúm gia cầm A/H5 N1 là 13,39%, bệnh dại 68,75%, bệnh dịch tả lợn Châu Phi 3,45%... Trong khi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi chỉ đạt từ 20 – 50% so với tổng đàn cùa mỗi loại gia súc, gia cầm, hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng bệnh.
Thứ hai: Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng đa phần là chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, nên công tác phòng chống dịch bệnh khó khăn. Trong khi đó, một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi.
Thứ ba: Chưa quản lý tốt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ở hầu hết các cơ sở giết mổ tập trung và nhất là giết mổ phân tán ở các làng, xã, bản. Dịp tết này, loại hình giết mổ tự do phân tán sẽ càng nhiều hơn dưới hình thức chung đụng 5 – 7 gia đình giết mổ 1 con lợn, 10 – 15 hộ giết mổ 1 con trâu hoặc bò…
Điều đặc biệt lưu ý, toàn tỉnh hiện chỉ có 41 cơ sở giết mổ tập trung ở 11 huyện, thành, thị, còn lại 10 huyện, thành, thị nữa chưa có cơ sở giết mổ tập trung. Số lượng cơ sở giết mổ tập trung đã có ở 11 huyện, thành, thị, chưa phải là nhiều, nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo, tuỳ tiện, thậm chí không hoạt động hoặc có hoạt động không đáng kể. Trong khi đó toàn tỉnh đang có tới 781 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở rải rác 21 huyện, thành, thị, nhiều nhất là Đô Lương 161 điểm, Quỳnh Lưu 129 điểm, Hưng Nguyên 88 điểm… Trong số 781 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chỉ có 129 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại 652 cơ sở chưa được chính quyền các địa phương quản lý, đồng nghĩa với việc ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch bệnh bất cứ lúc nào.
Thứ tư: Công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, nhất là vào những ngày sát tết.
Thứ năm: Đặc biệt năm nay, những ngày cận tết và khả năng cả những ngày trong và sau tết diễn biến của khí hậu thời tiết rất phức tạp, không khí lạnh liên tục tràn về gây ra rét hại, rét đậm, mưa phùn, ẩm độ không khí cao… là điều kiện rất thuận lợi cho mầm mống các loại bệnh phát sinh, phát triển. Trong đó đáng lưu ý nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi rất khó phòng trừ, do vi rút bệnh này có sức đề kháng cao, tồn tại ngoài môi trường lâu dài. Hiện tại bệnh này đang diễn ra ở 19/21 huyện, thành, thị ở tỉnh ta với trên dưới 100 ổ dịch.
Thực hiện phòng, chống triệt để, kịp thời:
Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiện nay, hiệu quả nhất vẫn là lấy phòng làm chính, chống thực chất là giải pháp tình thế. Vì vậy, đề nghị chính quyền các cấp cần tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt mấy biện pháp sau đây:
Một: Liên tục tuyên truyền mạnh mẽ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận mọi nơi, mọi lúc, mọi nhà, bao gồm cả người chăn nuôi, người kinh doanh buôn bán các sản phẩm thịt động vật ở các siêu thị, chợ, các thị tam, thị tứ… để tất cả mọi người có ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Hai: Từng địa phương (xã, huyện, thành, thị) tăng cường giám sát phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời các ổ dịch khi mới xuất hiện để dịch bệnh không có cơ hội lây lan ra diện rộng. Đồng thời thường xuyên tổ chức đoàn thanh kiểm tra để đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát tận từng cơ sở giết mổ trên địa bàn của mỗi địa phương, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh đề ra. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh vào những ngày giáp tết Nguyên đán.
Ba: Trước và sau tết Nguyên đán cần tổ chức một đợt tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, cần lưu ý tập trung mạnh vào các trang rại chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khu vực các bãi rác thải ở gần các làng, xóm và đường giao thông qua lại, nhằm hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan gây bệnh.
Bốn: Đề nghị Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành, thị giao trách nhiệm cho hệ thống Thú y từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn có nhiệm vụ túc trực, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào để kịp thời thông tin cho chính quyền địa phương nơi dịch bệnh xẩy ra và báo cáo với cấp có thẩm quyền tập trung mọi biện pháp dập dịch càng nhanh, càng sớm, càng tốt.
Năm: Xử lý nghiêm, triệt để, không khoan nhượng đối với tất cả các trường hợp vi phạm về những quy định trong việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định của pháp luật hiện hành.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước đây trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết nguyên đán thường xẩy ra tình trạng có nhiều ổ dịch xuất hiện, gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi kéo dài từ đầu đến cuối năm, do chúng ta chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức chỉ đạo và thực hiện.
Năm nay, trước, trong và sau tết thời tiết diễn biến rất phức tạp như đã nói trên, khả năng dịch bệnh có thể xẩy ra nhiều ở đàn vật nuôi. Vì vậy cần có sự vào cuộc, hợp sức của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng cao nhất của cả ngành nông nghiệp, trong đó chủ lực là đội ngũ cán bộ Chăn nuôi Thú y từ tỉnh xuống huyện, xã đóng vai trò quan trọng, chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh ở đàn vật nuôi trong dịp tết Nguyên đán năm nay.

Tác giả bài viết: Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây