Nuôi thuỷ sản xen ghép đạt hiệu quả bền vững

Thứ hai - 15/04/2024 23:34 192 0
Nhằm khai thác tốt diện tích mặt nước,  tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm dịch bệnh, từ đó giúp giảm rủi ro và tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho người dân, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã kết hợp nuôi đa dạng đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất...
Lợi ích từ nuôi ghép
Hiện nay trên địa bàn tỉnh nuôi khá phổ biến nhiều mô hình nuôi như: nuôi xen ghép cá vược - cua biển - cá rô phi, nuôi xen ghép tôm sú với cá đối mục, nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng - cua biển, nuôi xen ghép cua biển - cá rô phi, nuôi xen ghép cá vược - cua biển... . . Hình thức nuôi xen ghép nuôi một số đối tượng khác trong cùng một ao đã mang lại “lợi ích kép” vì giá trị kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đối tượng ở các tầng nước khác nhau nên hỗ trợ tốt cho nhau làm sạch môi trường nước. Bên cạnh đó, dịch bệnh được kiểm soát, không lây chéo cho nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.
Thực tế, người nuôi có thể ghép 2- 3 loại thủy sản hoặc nuôi xen ghép cá, tôm với nhuyễn thể, điều này tùy theo đối tượng nuôi, nhu cầu thị trường, thói quen và nhất là trình độ của người nuôi có quản lý được hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định với việc nuôi xen ghép, các đối tượng nuôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau giải quyết vấn đề thức ăn thừa trong ao nuôi, từ đó hạn chế dịch bệnh phát sinh, là điều kiện thuận lợi để áp dụng chăm sóc theo các quy trình VietGAP, hữu cơ…
Nuôi đơn, tức là chỉ nuôi một loại thủy sản thì người nuôi sẽ không tận dụng được hết tiềm năng các tầng nước, nguồn thức ăn. Trong khi mô hình nuôi xen ghép được thực hiện theo nguyên tắc nuôi các loại thủy sản khác nhau, sử dụng thức ăn khác nhau nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích nuôi. Chẳng hạn nuôi ghép cá rô phi kết hợp với tôm thẻ chân trắng thì cá rô phi sẽ ăn thức ăn thừa của tôm, ăn rong rêu, động vật tầng đáy. Thậm chí nếu có những con tôm chẳng may bị bệnh, yếu chết thì đã có con cá rô phi “dọn dẹp” ngay, giúp nước trong ao nuôi sạch hơn, con tôm bị bệnh cũng không lây sang con khỏe mạnh, giảm rủi ro bị dịch bệnh. Riêng với mô hình này, bà con không cần tốn thêm thức ăn cho cá, qua đó tăng hiệu quả kinh tế lên hàng trăm triệu đồng/ha mặt nước. Ngoài ra, bà con cũng áp dụng một số mô hình nuôi ghép phổ biến khác như tôm - cua, tôm - cá, cua - cá… cũng đem lại hiệu quả rất tốt.
Để đem lại hiệu quả kinh tế cũng như thuật lợi trong việc quản lý đối tượng nuôi ghép, bà con nên thả mật độ nuôi thích hợp như sau: Đối với nuôi ghép tôm sú - cá đối mục thả  tôm sú: 10 - 15 con/m2; cá: 1 con /m2; đối với nuôi ghép Cua- cá Hồng mỹ thả Cua 1con/ m2 ; Cá hồng mỹ 1 con/m2. ; đối với Tôm thẻ - cá đối mục thả tôm thẻ 25- 30 con/m2, cá đối mục 1 con/m2; đối với nuôi ghép tôm sú - cua thả tôm sú 8-10 con/m2, cua 5 con/10m2.
Thông thường thả giống tôm nuôi trước 20 - 30 ngày thì thả ghép các đối tượng khác vào nuôi chung. Còn đối với nuôi ghép cua - cá thì thả cua được khoảng 1 tháng thì tiến hành thả cá.
Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc về NTTS nói chung và nuôi xen ghép nói riêng để vừa đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. Thực tế hiện nay, người nuôi còn mang tính chất tự phát, thiếu liên kết “mạnh ai nấy làm” nên thường xuyên dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”. Để nuôi thủy sản hiệu quả, bà con cần thực hiện liên kết chuỗi gắn với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, không nên làm ăn nhỏ lẻ mạnh mún tự phát như ngày xưa. Quan trọng nhất trong quá trình liên kết chuỗi là phải minh bạch thì mới tồn tại lâu dài được. Bên cạnh đó, để NTTS xen ghép hiệu quả cao và bền vững, cần lưu ý: Trước tiên, người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi: “Tháo cạn, vét bùn, khử trùng, phơi khô” để đảm bảo môi trường nuôi an toàn. Bên cạnh đó, cần lựa chọn con giống, vật tư thủy sản ở những cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; Quan sát màu nước ao nuôi, tình hình sinh trưởng của các đối tượng nuôi vào từng thời điểm để cho ăn vừa đủ, tránh dư thừa dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi, gây nhiễm bệnh; Nên nuôi xen ghép nhiều đối tượng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong ao nuôi, tận dụng tầng nước, giúp giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi;
Hiệu quả của nuôi ghép:
Vì vậy đa dạng hóa đối tượng NTTS là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, phục hồi môi trường các vùng nuôi bỏ hoang hoặc kém hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Trong hình thức nuôi xen ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững và nếu xuất bán đúng thời điểm sẽ có giá thành cao, Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề NTTS, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân, tạo cho người dân ý thức về sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên./.
 

Tác giả bài viết: Lệ Hằng - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây