Một số lưu ý trong chăm sóc lúa Đông Xuân giai đoạn làm đòng đến thu hoạch

Chủ nhật - 23/04/2023 09:38 589 0
Ảnh: Lãnh đạo chi cục Trồng trọt - BVTV cùng cán bộ kiểm tra mô hình sản xuất lúa tại xã Nam Thanh - Nam Đàn giai đoạn làm đòng
Ảnh: Lãnh đạo chi cục Trồng trọt - BVTV cùng cán bộ kiểm tra mô hình sản xuất lúa tại xã Nam Thanh - Nam Đàn giai đoạn làm đòng
Trong thâm canh lúa thì giai đoạn đứng cái làm đòng là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với cây lúa bởi tính chất quyết định năng suất, do đó bất kỳ một tổn thương nào tại thời điểm này cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của bà con.
Đây là giai đoạn cây lúa chuyển từ sinh trưởng dinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực. Vì vậy, để ruộng lúa cho bông to, nhiều hạt, đồng đều đạt năng suất cao bà con nông dân cần lưu ý một số yêu cầu kỹ thuật như sau:
1. Về dinh dưỡng:
- Giai đoạn lúa đứng cái: Khi lúa chuẩn bị đứng cái có thể tháo nước cạn, nhằm giúp rễ ăn sâu, hút được nhiều dinh dưỡng và hạn chế đổ ngã về sau, đồng thời giúp cho lá lúa đứng thẳng giúp cây quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn. Sau khi rút nước để ẩm phơi ruộng 5-7 ngày, bà con lấy nước về ruộng giữ mực nước 5-7cm và tiến hành bón thúc để đón đòng.
- Bón thúc đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa vì đây là thời kỳ quyết định số hạt/bông và cần bón phân đúng thời điểm mới có hiệu quả cao. Thời điểm bón đón đòng là khi 2/3 số cây trên ruộng lá chuyển màu vàng chanh, chóp lá thắt eo, lúa tròn khóm, tròn cây, bộ lá đứng và cứng hơn.
- Lượng phân bón gồm:
Đạmurê  từ 1 - 2 kg/sào tùy theo màu xanh của lá lúa;
Kali bón từ 4 -5 kg/sào
( Lưu ý đối với những ruộng lúa có bộ lá quá xanh, tốt lốp thì không bón đạm mà bón tăng lượng Kali).
- Giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông: Nếu lúa sinh trưởng còn xấu (thiếu dinh dưỡng) bà con nông dân cần bón thúc đòng, nuôi hạt bằng phân dễ tiêu như: đạm (0,5 - 1kg/sào), Kali (1- 2kg/sào) hoặc sử dụng các loại phân bón qua lá như đầu trâu MK 002, MK15-5-40 +Te...
- Khi lúa làm đòng đến trỗ xong cần phải giữ đủ nước trong ruộng, không để lúa thiếu nước.
- Khi lúa bắt đầu chín uốn câu cho đến thu hoạch rễ lúa phát triển kém nếu để úng nước cây lúa sẽ suy yếu, vì vậy chỉ cần giữ đủ ẩm để lúa đủ sức nuôi hạt và chống đổ.
- Thời gian từ lúa chín nửa bông đến khi thu hoạch cần tháo cạn nước cho lúa chín đều và tháo kiệt nước trước gặt từ 5 đến 7 ngày.
- Khi lúa đã chín khoảng 85% bà con nông dân bắt đầu thu hoạch để giữ được chất lượng gạo, nếu để lúa quá chín sẽ dễ bị rụng, hao hụt nhiều khi thu hoạch, hạt gạo khi đó sẽ dễ gãy.
2. Về phòng trừ sâu bệnh hại
- Giai đoạn cây lúa làm đòng đến trỗ bông cũng là giai đoạn cây thường bị các loài sâu bệnh hại tấn công, vì vậy bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
+ Rầy nâu: Lúc này bộ lá đã rậm rạp nên nếu nhiễm rầy thì phải tổ chức diệt trừ ngay.
Khi có mật độ rầy từ 17-25 con/khóm dùng 1 trong các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như: Victory 585 EC, Penalty gold 40 EC, Bassa 50 EC,… để phun trừ. Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 – 30 lít/500m2) rẽ lúa thành băng và phun ướt đều vào phần thân, lá lúa
+ Khô vằn: Bệnh thường xuất hiện từ giai đoạn trổ về sau. Ban đầu hạch nấm thường tấn công những lá phía dưới gần nước nhưng sau đó sẽ lên dần các lá trên làm cho cây lúa bị yếu, ngã đè lên nhau gây giảm năng suất. Thuốc trị đốm vằn phổ biến nhất là Validamycine.
+ Bệnh đạo ôn: Các giống lúa phổ biến hiện nay đều có tính kháng đạo ôn kém, điều kiện thời tiết se lạnh vào buổi chiều, ẩm độ cao (trong ruộng lúa trổ ẩm độ càng cao) nên tốt nhất là phun ngừa 2 lần, đợt 1 trước khi trỗ 1 tuần, đợt 2 khi trổ 3-5% . Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE
+ Sâu cuốn lá: thường xuất hiện liên tục giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Khi mật độ 20 con/m2 trở lên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như:Ammate 150SC, 30WDG, Dupont Prevathon 5SC, Clever 150SC, Takumi 20WG, Virtako 40WG,... theo liều lượng khuyến cáo.
* Chú ý phải tiến hành phun sớm khi sâu chủ yếu trên đồng ở tuổi một mới có hiệu quả cao.
Sâu đục thân: Giai đoạn lúa làm đòng, trổ khi có mật độ ổ trứng 0,5 ổ trứng/ m2 dùng Padan ,Regent,..theo liều khuyến cáo để phòng trừ.
 

Tác giả bài viết: Trung Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây