Cần“cú hích” mạnh mẽ để nâng cao giá trị ngành gỗ

Thứ hai - 05/09/2022 20:30 373 0
Nghệ An có tiềm năng dồi dào về nguồn gỗ tự nhiên và rừng trồng với trên 1 triệu ha đất lâm nghiệp, nhiều nhất trong cả nước. Thế nhưng những năm qua, sự phát triển ngành gỗ còn đang rất khiêm tốn, chế biến cho xuất khẩu gần như chưa có. Chúng ta cần những giải pháp phù hợp, những “cú hích” mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tương xứng với kỳ vọng đặt ra.
Giá trị sản xuất thấp
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm- phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong khi sản phẩm chế biến sâu, xuất khẩu hầu như chưa có, thì hàng tiêu dùng nội địa cũng chủ yếu chỉ mới khoanh vùng ở nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ với hai nhóm hàng từ gỗ và tre lùng; mặt hàng đồ gỗ tự nhiên vốn được tiêu thụ mạnh, thì những năm gần đây, thậm chí ngay tại thị trường nội tỉnh, 80% đồ nội thất cũng đến từ các tỉnh thành khác, gần như không có hàng hoá của Nghệ An. Trong khi đó, với trên 1.160.000 ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, độ che phủ rừng hiện đạt 58%, mỗi năm khai thác từ 1- 1,5 triệu m3 gỗ. Lâm nghiệp Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế. Nguồn nhân lực đồi dào, kỹ năng trồng rừng thâm canh và ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân tốt, hệ thống hạ tng giao thông đồng bộ, thuận lợi để kết nối các vùng miền trong cả nước.
           “Đây là nguồn tiềm năng rất lớn đang bị bỏ phí. Cần định hình lại sự phát triển của ngành gỗ để có chiến lược phát triển phù hợp. Hiện tại, nguồn gỗ quý giá của Nghệ An, ngoài cung cấp nguyên liệu cho hai nhà máy sản xuất ván MDF của Tân Hương và Tân Việt Trung với mức tiêu thụ chưa đầy 500.000 m3 gỗ/năm- bằng 1/3 sản lượng khai thác; và gần đây có thêm nhà máy sản xuất viên nén công suất 1.000 tấn/ngày, tương đương 300.000 tấn/năm; thì gần ½ sản lượng khai thác còn lại đưa vào sản xuất gỗ băm”- ông Nguyễn Tiến Lâm trăn trở.
          Trong khi gỗ rừng trồng đưa vào băm có giá trị gia tăng 1,3- 1,5 lần,  gỗ ép tăng gấp 3 lần thì gỗ đưa vào chế biến sâu có giá trị gia tăng lên tới 10- 12 lần. Được coi là ngành sản xuất “truyền thống” ở Nghệ An, từ cách đây 30 năm các doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ đã bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu. Thế nhưng đến nay, ngành này lại đang dần chững lại và mai một. Khai thác gỗ của Nghệ An chiếm 8,3% khối lượng gỗ cả nước, thế nhưng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1,36 %. Rừng nguyên liệu nhiều nhưng mới thích ứng cho sản xuất gỗ nhỏ, mang lại giá trị kinh tế hàng hóa thấp. Những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực phát triển trồng rừng gỗ lớn, tuy nhiên kết quả đạt được còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản, đó là khi đầu ra của nguyên liệu gỗ chỉ là để dăm và ép, thì chỉ cần gỗ nhỏ. Ông Nguyễn Ngọc Lam- giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông chia sẻ: “Bà con trồng rừng chỉ 4-5 năm là khai thác nên giá trị không cao, không đáp ứng được nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu. Bên cạnh vấn đề tuyên truyền cho bà con, thì khi có doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sâu, tự khắc bà con sẽ phát triển rừng lớn”. Không chỉ giá trị thấp, bán rừng non cũng đồng nghĩa với việc ngành chế biến gỗ sẽ không có trữ lượng nguyên liệu lớn để có thể phát triển bền vững.
Cần những “cú hích” mạnh mẽ hơn
Nghệ An có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước nhưng rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo, chủ yếu phân bố ở vùng sâu, vùng xa nên việc quản lý, bảo vệ rừng bền vững rất khó khăn. Rừng sản xuất phân bố manh mún, mỗi hộ gia đình chỉ có 1-2 ha, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn lực hạn chế. Không những vậy, Nghệ An có trên 150.000 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa được giao cho dân, theo ông Lương Phi Thanh – Phó chủ tịch UBND xã Tam Hợp- Tương Dương, “trong khi rừng không được đầu tư, hiệu quả, thì người dân lại thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, phải đi làm thuê nơi khác”.
        Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, số doanh nghiệp vào đầu tư trồng rừng nguyên liệu, trồng rừng gỗ lớn còn rất ít. Nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, chủ rừng nhà nước yếu, trong khi mối liên kết giữa các hộ gia đình với doanh nghiệp chế biến lâm sản, chế biến gỗ chưa đáng kể, chưa có mô hình thành công để tổng kết, nhân rộng.
Để nghề rừng phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, theo ông Nguyễn Tiến Lâm- phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trước hết chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ, thu hút được sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, bởi trong ngành chế biến gỗ, doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng. “Hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ như tập đoàn TH, Thanh Thành Đạt.. Tuy nhiên mới chủ yếu là chế biến dăm, hoặc làm ván ép, giá trị thấp, chưa có doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu về gỗ”- ông Lâm chia sẻ.
Để có thể thu hút doanh nghiệp, Nghệ An phải có những thay đổi mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách. Cần có khu chế biến gỗ tập trung, đủ lớn, giải quyết được các vấn đề về công nghệ, tính chu chuyển, phụ kiện ngành gỗ, tiến tới sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với tính chuyên môn hoá cao, sản phẩm được sản xuất một cách chuyên nghiệp. Hiện Nghệ An đã được chấp thuận chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, tạo thành chuỗi liên kết hỗ trợ tích cực giữa các doanh nghiệp trong ngành cũng như xây dựng được tính đồng bộ hoá của ngành gỗ trong cơ chế thị trường. Ngành chế biến phát triển, người trồng rừng sẽ buộc phải trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ để đáp ứng nhu cầu chế biến sâu, tăng giá trị sản xuất và chế biến ngành gỗ.  
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, “trong 10 năm tới, Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu gỗ VN đạt 12 đến 13 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD”. Là tỉnh có diện tích đất rừng lớn nhất cả nước, Nghệ An cần những giải pháp, những “cú hích” mạnh mẽ hơn để thúc đẩy kinh tế rừng phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
 

Tác giả bài viết: Phú Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây