Nâng cao vai trò, vị thế trẻ em gái

Thứ hai - 24/10/2022 04:48 711 0
“Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2022. Đây cũng là vấn đề đang được ngành Dân số và các ban, ngành hết sức quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
“Trẻ em gái xứng đáng được yêu thương và bảo vệ”
Lương Thị Phương Trang hiện đang là học sinh lớp 9,Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quế Phong. Nữ sinh người dân tộc Khơ Mú lớn lên tại xã Tri Lễ, cũng là một trong những học sinh tiêu biểu của nhà trường nhiều năm liên tục là học sinh giỏi, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Hoàn cảnh của Trang khó khăn khi gia đình em thuộc diện hộ nghèo, sau em còn có hai em, trong đó, có một em mới sinh. Để được đi học ở trường nội trú, Lương Thị Phương Trang đã có một quá trình nỗ lực, phấn đấu và vượt lên hoàn cảnh…
Trang cũng là học sinh nữ đại diện cho hàng chục nghìn học sinh nữ tỉnh nhà phát biểu tại buổi lễ truyền thông nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái vừa được tổ chức tại huyện Quế Phong.
Đứng trước hội trường, Trang đã chia sẻ câu chuyện của mình và nói lên những quan điểm vẫn đang còn lệch lạc về vấn đề “trọng nam khinh nữ” hiện nay: “Từ xa xưa, con gái chịu rất nhiều thiệt thòi. Ngày nay, tuy đã được xã hội quan tâm hơn với những chính sách đặc thù cho trẻ em gái, nhưng những định kiến phân biệt đối xử giữa nam và nữ, vấn nạn bạo lực, bất bình đẳng giới… mà nạn nhân là hiện tại và tương lai của trẻ em gái. Bản thân em mong rằng, để trẻ em gái cũng được phát triển bình đẳng, được học tập, được làm việc thì chúng ta cần dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Tất cả đều mong muốn trẻ em gái trên toàn cầu được đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn, được đối xử bình đẳng và có một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc”.
Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay được tổ chức với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm thay đổi nhận thức và thúc đẩy sự quan tâm với trẻ em gái trong cộng đồng. Hưởng ứng ngày lễ này, Sở Y tế - Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức một chương trình truyền thông tại huyện Quế Phong và mang đến một thông điệp ý nghĩa đó là “Trẻ em gái xứng đáng được yêu thương và bảo vệ”.
Nói về điều này, ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: Từ năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái nhằm tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn. Đây cũng đang là vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Chính vì thế, Ngày Quốc tế trẻ em gái được tổ chức mỗi năm nhằm tạo ra cơ hội được đấu tranh, vươn lên và nâng cao nhận thức cho trẻ em gái. Đồng thời, đây là lúc để cả thế giới dành sự quan tâm đến những vấn đề về phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Tất cả đều mong muốn trẻ em gái trên toàn cầu được đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn, được đối xử bình đẳng và có một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc hơn. Qua chương trình truyền thông này, chúng tôi cũng mong muốn góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ, động viên người dân thực hiện tốt chính sách dân số, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Để triển khai Ngày Quốc tế trẻ em gái, năm nay Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở; tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao lưu, tọa đàm...
Trong đó, các nội dung tập trung vào phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái đó là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây cũng là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại Việt Nam, trong đó có Nghệ An.
Hiện nay, để không còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì mức sinh chuẩn sinh học bình thường chỉ từ 105 – 107 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu như cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái thì hiện tỷ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 112,2 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả nông thôn, thành thị và tất cả các vùng, miền. Tại Nghệ An, tỷ số giới khi sinh đã tăng từ 111 bé trai/100 bé gái (năm 2009) lên 114 bé trai/100 bé gái (năm 2019). Đến cuối tháng 12/2021, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghệ An đáng báo động với tỷ lệ 116,78 bé trai/100 bé gái.
Về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân sâu xa là từ việc các gia đình mong muốn đẻ con trai do các quan niệm xã hội và tôn giáo đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Điều đáng lo ngại là dù xã hội đã phát triển nhưng những quan niệm đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Hiện nay, việc lạm dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp nhận biết giới tính sớm của thai nhi và do các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thực hiện chưa nghiêm... Vì thế, giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thì mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Thậm chí, nếu không có những can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.
Việc mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không sớm được kiểm soát có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, sẽ gây ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các trẻ em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng giới, ly hôn, bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe toàn diện, sức khỏe sinh sản...
Thời gian qua, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, ngành Dân số đã đầu tư khá lớn cho công tác truyền thông. Đó là việc triển khai hàng loạt dự án sức khỏe sinh sản với nhiều hoạt động như: Hội thi “Rung chuông vàng tìm hiểu về kiến thức sức khỏe sinh sản”, tặng quà cho các trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích cao trong học tập; Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) hàng năm.
Ngành cũng đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, lồng ghép sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn nhằm truyền đi thông điệp: “Là con gái thật tuyệt”, “Trao bình đẳng - Nhận yêu thương” hay “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em gái”, “Là con gái để tỏa sáng”… Đặc biệt, để giúp trẻ em gái được an toàn thông qua việc ngăn chặn hôn nhân trẻ em. Nhiều câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả như thành lập các câu lạc bộ “Kỹ năng sống và sức khỏe sinh sản vị thành niên” trong các trường học; Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; tổ chức giao lưu về nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản trong các trường học, khám và tư vấn sức khỏe sinh sản cho các em học sinh… nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng, đồng thời nuôi dưỡng sự tự tin và lòng tự trọng một cách mạnh mẽ.
Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức đáng báo động, năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch số 525/KH - UBND về thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu chính nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
 

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây