Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030” và vấn đề phát triển đặc sản thành hàng hóa

Chủ nhật - 12/12/2021 22:31 661 0
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nghệ An luôn xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là nội dung cốt lõi của chương trình. Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 09/5/2018 về việc phê duyệt chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” Nghệ An xác định đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị là giải pháp nhiệm vụ quan trọng trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới gắn với xây dựng NTM bền vững. Để thực hiện Chương trình MTQG “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) Nghệ An đã Ban hành Đề án số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 Phê duyệt đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 -2020 định hướng đến năm 2030. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, cụ thể:
Hội thảo: Phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ
Hội thảo: Phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ
- Sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, sản phẩm dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa của từng địa phương.
 - Sản phẩm dịch vụ là các dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, dựa trên các lợi thế, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hóa vùng miền của mỗi địa phương.
Trong đó xác định đến năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có 182 sản phẩm OCOP, thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 121 sản phẩm; nhóm đồ uống có 15 sản phẩm; nhóm thảo dược có 13 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 11 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 16 sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có 6 sản phẩm..
Quá trình xây dựng và triển khai, chương trình OCOP được triển khai đồng bộ từ TW đến địa phương; Đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành tham gia vào đánh giá, phân hạng sản phẩm. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn.
 Sản phẩm OCOP đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị  hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.
Sau hơn 02 năm thực hiện Chương trình OCOP đã và đang phát huy hiệu quả góp phần vào thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa làm tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn, đã mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn được thể hiện trên các mặt sau đây:
Một là: Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn châu, Quỳnh lưu, TP Vinh, Thanh Chương; Đã có 05 sản phẩm OCOP gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn; Gà đồi Thanh Chương, Gạo Vĩnh Hòa, Lạc Diễn Châu.
Hai là: Từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 22 chuỗi giá trị OCOP hoạt động có hiệu quả với vai trò tích cực của HTX, doanh nghiệp như: các sản phẩm Tảo xoắn Quỳnh Lưu, Gạo Vĩnh Hòa, HTX Gà đồi Thanh Chương, HTX Nhút Hạnh Lâm, HTX Bưởi Diễn Thanh Nho, HTX gừng Kỳ Sơn; làng nghề nước mắm Quỳnh Dị; Lạc Diễn Châu...
Ba là: Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, an sinh xã hội đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số điển hình như: Sản phẩm Dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng (Homstay) bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện Con Cuông. Đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 285 hộ với 265 lao động thu nhập bình quân 3,8 - 4,2 triệu đồng/người/tháng ngoài ra góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương. Điển hình như bản Nưa (xã Yên Khê)...
Bốn là: Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng về quy mô sản xuất và doanh thu 10- 12% so với cùng kỳ như: Sản phẩm Sen Quê Bác, Dò bê Nam Nghĩa Nam Đàn; Hương trầm Quỳ Châu; Lạc Diễn Châu, Tảo xoắn Quỳnh Lưu, Thủy sản Biển Quỳnh, Dược liệu Pù Mát, Nấm ATC Vinh; Gà đồi Thanh Chương, Bò hun khói Tương Dương...
Năm : Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường như: Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát, Công ty cổ phần khoa học công nghệ tảo VN, Nấm ATC; Sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh, HTX chè Thanh Chương, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Tâm, Chè Hùng Sơn, Lạc Diễn Châu, Gạo Vĩnh Hòa...
Sáu là: Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các loại đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn, tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh có tổng s 13.016 hộ tham gia hoạt động tại các làng nghề (chiếm 1,94 % số hộ ở nông thôn); với số lao động tham gia nghề là 22.740 lao động (chiếm 1,35% lao động nông thôn, thu nhập bình quân 3,5 - 4,0 triệu đồng/lao động/tháng; có 562 HTX nông nghiệp, thu hút 662.250 lao động tham gia.
Bảy: Chương trình, đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu đề ra hết năm 2020 là 90 sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên nhưng đến 30/11/2020 đạt 115 sản phẩm đạt hạng 03 sao trở lên đạt 127,7%. Góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần tích cực vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được nêu trên thì chương trình OCOP vẫn còn thể hiện những khó khăn và tồn tại, cụ thể:
- Chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống;
 - Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn một số tồn tại, hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế, chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm, cần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện;
- Nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở - qui trình chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương;
 - Sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động, một số chủ thể coi việc tham gia Chương trình là theo yêu cầu của cán bộ địa phương, một số nội dung triển khai chương trình OCOP của nhiều chủ thể còn mang nặng tính hình thức (phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, câu chuyện sản phẩm…), thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường;
 - Sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn có những điểm yếu, đặc biệt là việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ… theo các quy định của pháp luật;
 - Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các qui định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức;
 - Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế (đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý sản phẩm sau khi được công nhận sao,…) do các địa phương mới chỉ tập trung vào hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm;
- Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP;
 - Mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm; khả năng hỗ trợ thực địa, đặc biệt là hỗ trợ về phát triển sản phẩm, liên kết theo chuỗi, xúc tiến thương mại… còn hạn chế.
Vì vậy kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong nhiều năm, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp. Nguyên nhân chính là do:
- Quá trình nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế địa phương;
- Một số địa phương còn thiếu sự phối hợp, vào cuộc của các ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương và Y tế;
 - Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục;
- Chủ thể OCOP chủ yếu là các HTX, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ, nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế…
- Nguồn vốn thực hiện Chương trình chủ yếu sử dụng các nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình khác và do nhiều đơn vị khác nhau quản lý;
 - Định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm, chưa có chính sách, giải pháp phù hợp.
Để thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm” triển khai có hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới  chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là: Làm tốt công tác truyền thông thông tin, làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm gắn với chất lượng dựa trên giá trị đặc hữu (đặc sản, giá trị văn hóa, truyền thống địa phương), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sạch, an toàn xã hội và thân thiện môi trường trong sản xuất, chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP khép kín, đồng bộ gắn với năng lực tổ chức, quản trị và phát triển sản xuất, thương mại bền vững.
Hai : Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải đa dạng. Từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao
Ba là: Các tập đoàn, công ty lữ hành lớn, hãng hàng không, các cơ quan báo chí, truyền thông,... tăng cường thông tin tuyên truyền về các sản phẩm đặc sản các vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác marketing tổng thể.
Bốn là: Coi phát triển các sản phẩm chủ lực của Tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP.
Năm là: Cần tập trung phát triển các dự án mang tính trọng điểm, dự án liên kết vùng huyện, xã. Thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh về sản phẩm, về dịch vụ du lịch (hội chợ, ..). Tùy thuộc điều kiện, đặc điểm cụ thể, cần chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện thực tế địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh, quốc gia.
Giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hoá, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về đời sống của cư dân nông thôn. Đòi hỏi phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, lâu dài, cần có nhiều giải pháp, chính sách một cách phù hợp, sáng tạo. Vì vậy, Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm và triển khai, đặc biệt đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi về sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng có lợi thế về sản vật, ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch.
Nghệ An với địa hình đa dạng, đã tạo ra những đặc trưng riêng về khí hậu, thổ nhưỡng cộng với nhiều nắng gió, thiên tai bão lụt đã hun đúc người dân nơi đây không những chịu thương chịu khó, giàu bản sắc truyền thống văn hóa cách mạng mà còn là chủ nhân của nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm sáng tạo, nhiều đặc sản nức tiếng gần xa như; Chè Hoa vàng Quế phong; Cam xã Đoài, Cam Vinh; Sữa TH;  Chè Thanh Chương; Vịt bầu Quỳ; Tinh bột sắn dây; Tương Nam Đàn; Me Nam Nghĩa; Nhút Thanh Chương; Tảo xoắn Quỳnh Lưu; Lạc Sen Diễn Châu; Các sản phẩm gỗ, mây tre đan; Nước mắm, Mực một nắng Cửa Lò; Hải sản chế biến Quỳnh Phương; Dược liệu Phù Mát… Cộng với việc sở hữu nhiều điểm Du lịch nổi tiếng như:  Bải biển Cửa Lò, Thác Sao Va; Khe Rạn; Đập Phà Lài…Với gần 120 sản phẩm OCOP đã dần quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
            Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Để thúc đẩy phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa gắn với xây dựng NTM, ngoài những yếu tố phân tích trên, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và quảng bá, xúc tiến thương mại cho đặc sản địa phương. Truyền thống văn hóa và sự tích lũy kỹ năng của người sản xuất kết hợp với điều kiện đặc thù về tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình…) đã hình thành nên các sản phẩm nổi tiếng với chất lượng đặc trưng riêng có.
Để triển khai các chương trình, chiến lược quảng bá nhằm khai thác, phát triển danh tiếng của sản phẩm cần xác định nền tảng đầu tiên đó là Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức đặc thù (chỉ dẫn địa lí, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận…) đối với địa danh gắn với tên gọi sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ cụ thể. Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Tạo thương hiệu cho đặc sản địa phương trên nền sở hữu trí tuệ. “Thương hiệu” là yếu tố mang sức mạnh vô hình quyết định sự tồn vong của sản phẩm/doanh nghiệp. Chính vì vậy, các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đặc sản địa phương phải gắn chặt với việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ "thương hiệu".
Trong những năm qua, mặc dù có nhiều sản phẩm đã đăng ký bảo hộ CDĐL nhưng sản phẩm vẫn chưa có tính cạnh tranh trên thị trường; Nguyên nhân  là do tổ chức đại diện chung cho quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh trong khu vực CDĐL (hội, hiệp hội) hoạt động chưa hiệu quả. Phần lớn các CDĐL đã thành lập được hội, hiệp hội nhưng tổ chức này chưa được giao quyền là chủ thể quản lý, phát triển CDĐL, cho nên lúng túng trong hoạt động, chưa đủ mạnh để tập hợp được các hội viên nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ và phát triển CDĐL, thành viên cốt cán của hội là cán bộ kiêm nhiệm, không có thời gian để hoạt động. Người sản xuất trong khu vực CDĐL chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của bản thân và cộng đồng, chưa tự giác tham gia hội, hiệp hội để cùng bảo vệ danh tiếng sản phẩm. Phần lớn các hội mới chỉ thu hút được một số hội viên nòng cốt, chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp. Do không tham gia hội, hiệp hội, sản phẩm của các hộ sản xuất, kinh doanh không được kiểm soát nội bộ, không có tem, nhãn nhận diện... dẫn đến chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường không bảo đảm, ảnh hưởng tên tuổi sản phẩm được bảo hộ. Sản phẩm được bảo hộ thiếu hệ thống phân phối, chủ yếu do thương lái hoặc các cơ sở tự phân phối, thiếu kết nối với các doanh nghiệp thương mại, dẫn đến người tiêu dùng ít biết đến sản phẩm, nhất là những khu vực cách xa khu vực CDĐL.
Để CDĐL thật sự mang lại lợi ích cho người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng; phải có hội, hiệp hội đủ mạnh với người đứng đầu có năng lực và tâm huyết để tập hợp các hộ sản xuất, tập trung sức mạnh, thống nhất chiến lươc, kế hoạch, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Các cơ quan quản lý CDĐL (UBND, Sở Khoa học và Công nghệ) cần trao đủ quyền cho các hội, hiệp hội về quản lý sử dụng và khai thác CDĐL. Chính quyền cần vào cuộc để xử lý các hành vi xâm phạm CDĐL, hỗ trợ người dân về chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc, tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, địa điểm bán hàng... để các nhà sản xuất yên tâm đầu tư. Bước đầu, chính quyền cần hỗ trợ điểm bán hàng ở các thành phố, thị xã, thị trấn, có thị trường tiêu thụ mạnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Tăng cường tuyên truyền để người dân, các nhà sản xuất, kinh doanh ý thức được vai trò của việc bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm của mình, lợi ích của việc tham gia hội, hiệp hội nhà sản xuất. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tạo lập nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình, tham gia hiệp hội sản xuất để tận dụng lợi thế từ cộng đồng.
Vì vậy để phát triển đặc sản thành hàng hóa cần nâng cao hơn nữa hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương, cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của “4 nhà”: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học.
Về phía Nhà nước, cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương; thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh để họ chủ động triển khai việc thiết lập và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản. Triển khai các chiến dịch, hoạt động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương; Xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Điều này giúp giữ vững uy tín và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.
Về phía Nhà nông, cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng địa phương; Có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.
Về phía Nhà khoa học, chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì “thương hiệu” sản phẩm bền vững trên thị trường.
Về phía Doanh nghiệp, cần liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu đời trên thị trường. Tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân viên, chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản nói chung và đặc sản địa phương nói riêng là yếu tố sống còn để nâng cao sức cạnh tranh và quảng bá sản phẩm ra thị trường./.

Tác giả bài viết: Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây