Tưởng niệm 715 năm Ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Thứ ba - 12/12/2023 21:26 251 0
Sáng 12/12, tại chùa Côn Sơn, thành phố Chí Linh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 715 Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. 500 đại biểu, chư tôn, tăng ni và phật tử của các huyện, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh Hải Dương đã dự.
Tưởng niệm 715 năm Ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tuong niem 715 nam Ngay mat cua Phat hoang Tran Nhan Tong hinh anh 1

 Các tăng ni, phật tử dâng hương kỷ niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ảnh: Tiến Vĩnh - TTXVN

Các phật tử đã ôn lại tiểu sử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (sinh năm 1258, mất năm 1308). Năm 1278, khi tròn 20 tuổi, Ngài được truyền ngôi xưng là Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Kế tục sự nghiệp của các tiên đế nhà Trần, Đức vua thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị. Ngài trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông vào các năm 1285 và 1288. Năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia tam giới. 

Năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình) trở về Kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng; thống nhất ba dòng thiền, thành lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “ Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.

 Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại. Các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc. Ngài xuất gia tu hành, với tinh thần nhập thể sâu sắc, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thường xuyên đi các nơi để giảng dạy Phật pháp. Ngài không chỉ hoằng pháp ở khắp vùng thành thị, thôn quê mà còn du lãm ra cả các vùng đất bên ngoài.

Tuong niem 715 nam Ngay mat cua Phat hoang Tran Nhan Tong hinh anh 2

Các đại biểu dâng hương trước tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Tiến Vĩnh - TTXVN

Thông qua Phật pháp, Ngài tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là công trình văn hóa khẳng định chủ quyền của dân tộc, truyền bá văn hóa Đại Việt. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp các địa phương, xóm làng trong nước để khuyến khích muôn dân giữ gìn năm giới, tu hành thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan, xây dựng chính tín. Năm 1307, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao truyền y bát và viết tâm kệ trao cho Tôn giả Pháp Loa làm nối dõi truyền thừa Trúc Lâm. Ngày 1/11 năm Mậu Thân 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngọa Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm.

Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho hậu thế kho tàng pháp bảo vô cùng quý báu như: Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Trung hưng thực lục, Truyền đăng lục,…

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Tuong niem 715 nam Ngay mat cua Phat hoang Tran Nhan Tong hinh anh 3

Lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ảnh: Tiến Vĩnh - TTXVN

Đại lễ tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn là dịp để chư Tăng ni trong Giáo hội phật giáo Việt Nam, giới phật tử và xã hội chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về thời đại nhà Trần hào hùng trong lịch sử với vị Vua - Phật đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất của đất nước. Đức vua Trần Nhân Tông là vị Tổ sư để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói, kết hợp hài hòa giữa vai trò của một nhà vua và một nhà tu hành, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây