Nghệ An cần sớm có công trình dịch vụ hỏa táng

Thứ sáu - 15/10/2021 00:04 701 0
Do Nghệ An chưa có lò hỏa táng, nên lâu nay bà con nhân dân trong tỉnh vẫn phải vào Hà Tĩnh hoặc ngược ra Thanh Hóa... Điều đó dẫn đến nhiều phiền phức do đường sá đi lại xa xôi, thủ tục có lúc cũng rườm rà.
​​​​​​​Khu hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Hà Tĩnh được thiết kế tựa một công trình văn hóa tâm linh.
​​​​​​​Khu hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Hà Tĩnh được thiết kế tựa một công trình văn hóa tâm linh.
Sinh, lão, bệnh, tử là câu chuyện muôn đời. Và chưa một ai chống lại được quy luật đó của tạo hóa. Người ta nói, sống cho tử tế và chết cho đàng hoàng. Lại có người nói sống là cõi tạm, chết mới vĩnh hằng; dù nhìn chung cái “cõi tạm” vẫn được coi trọng và chăm chút hơn là miền “vĩnh hằng”.
Ấy nhưng quả thực cái chết không phải là sự chấm hết. Lo cho cái chết, quan tâm người chết không chỉ là đạo đức mà còn là pháp luật. Với những thay đổi từng ngày của kinh tế - xã hội thì câu chuyện hậu sự lại càng phải nằm trong ô mục quan tâm, khi mà chính nó đã bắt đầu lộ diện không ít những bất cập.
Địa táng (mai táng trực tiếp bằng hình thức chôn cất) vẫn là phong tục ngàn đời nay của đồng bào các dân tộc ở Nghệ An với số dân đứng thứ 4 cả nước với khoảng 3,4 triệu người. Dân số đông tỉ suất qua đời cũng tỉ lệ thuận (được biết cả nước có 98,3 triệu dân, bình quân mỗi ngày chết 1.733 người)...
Đấy mới là con số tính ở mức trung bình, chưa nói tới thiên tai dịch bệnh. Và càng ngày hệ lụy từ lo cho người về cõi "vĩnh hằng" càng lộ rõ; trong đó một trong những vấn đề "đau đầu" nhất là diện tích đất dành cho việc chôn cất. Khi, một ngôi mộ được xây lên là vĩnh viễn một diện tích đất được bê tông hóa.
Theo Thông tư 02/2010/TT-BXD ngày 05/02/2010 thì diện tích đất sử dụng cho mỗi mộ hung táng không hề nhỏ (người lớn từ 5-8m2, Trẻ em từ 3-3,5m2 cho 1 mộ). Xin được tạm tính một cách "cơ học" (đối chứng với số liệu cả nước), bình quân mỗi mộ bằng 6 m2, nhân với số người chết rồi nhân cho 365 ngày thì mỗi năm với khoảng 3,4 triệu sân, “sơ sơ” Nghệ An chúng ta phải dành ra khoảng 130 ngàn mét vuông (13 héc ta) cho việc chôn cất. Đó mới là diện tích chôn, chưa tính đường đi lối lại để vào mộ! Ghê chưa, nếu không đặt bút tính chắc ít ai lại có thể hình dung ra con số rất đáng “sốt ruột” như vậy.
Đi cùng với đất là gỗ. Dân mình xưa nay vẫn giữ thói quen dùng gỗ thịt để làm quan tài. Mà không “chơi” gỗ thường đâu phải là gỗ tốt cơ. Ở một số vùng thậm chí có khi mới ngoài 60 tuổi các cụ đã rục rịch lo chuyện hậu sự (cỗ ván) rồi.
Thế nên có một điều đáng khuyến khích là những năm gần đây, khi các tỉnh lân cận mở lò hỏa táng thì người dân Nghệ An đã bắt đầu hình thành phong tục hỏa tang  cho người thân khi qua đời. Thay đổi một tập quán, nhất lại là tập quán đó liên quan đến tâm linh thì không hề dễ dàng. Việc người dân thay đổi quan niệm trong chôn cất mai táng gần đây là một trong những tiến bộ rất cần được ghi nhận, nghiên cứu, đánh giá để khuyến khích, tiến tới nhân rộng. Việc hỏa táng không chỉ là đảm bảo vệ sinh môi trường, mà còn tiết kiệm tài nguyên (vì hỏa táng gần như 100% dùng quan tài gỗ công nghiệp) hạn chế được nạn phá rừng. Vậy nên cần xem việc người dân chuyển từ phong tục địa táng sang hỏa táng là một xu hướng tiếp cận văn minh.
Theo một khảo sát không chính thức của người viết bài này thì có vẻ như nhu cầu hỏa táng ngày càng lớn, trong khi khả năng đáp ứng thì quá ư là bất cập. Việc di chuyển đường dài, biểu hiện độc quyền thị trường dẫn đến chi phí hỏa táng vẫn còn cao. Không ít gia đình “lực bất tòng tâm”. Thực tế thì hỏa táng vẫn chưa được các hộ có mức sống dưới trung bình lựa chọn.
Do Nghệ An chưa có lò hỏa táng, nên lâu nay khi có tang sự bà con tỉnh nhà vẫn phải “rồng rắn” vào Hà Tĩnh hoặc ngược ra Thanh Hóa. Điều này đã gây ra khá nhiều phiền phức do đường sá đi lại xa xôi, thủ tục có lúc cũng rườm rà. Được biết, gần đây một số bệnh nhân Covid-19 tử vong (khuyến cáo hỏa táng để phòng dịch) nhưng khi đưa sang các nhà hỏa táng tỉnh bạn thì khó “thông chốt” vì những lý do hành chính của mỗi địa phương. Rõ ràng đó là một bất cập lớn. Việc thiếu nhà hỏa táng kéo dài có thể dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thường nhật của người dân tỉnh nhà. Vả lại một tỉnh có diện tích và dân số như Nghệ An mà bà con phải dùng dịch vụ hỏa táng của địa phương khác thì quả là rất không tương xứng.



Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Hóa khánh thành ngày 11/11/2014.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, UBND thành phố HCM thậm chí còn kỷ luật một lãnh đạo sở TN&MT vì “lỡ tay” ra văn bản chỉ đạo cơ sở rà soát công suất lò hỏa táng nhằm chủ động cho công tác phòng, chống Covid-19. “Tội” của văn bản này là gây hoang mang. Nhưng rồi chỉ một năm sau thì câu trả lời đã quay mặt với những lạc quan thái quá trước đó. Mấy tháng lò hỏa táng Bình Hưng Hòa quá tải.
Ở đời có những điều không mong muốn vẫn xảy ra. Không ai có thể nói trước điều gì, cũng như cách đây 2 năm nào có ai nghĩ đến dịch Covid-19. Từ những bài học nhãn tiền nói trên ở địa phương khác, cho thấy việc xây dựng ít nhất một lò hỏa táng trong thời gian tới ở Nghệ An không thể là việc không làm. 
Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm tỉnh nhà vẫn có các nội dung kế hoạch thực hiện Di chúc của Người. Cũng cần nói thêm là trong bản Di chúc của Người có viết: “Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”.
Cả cuộc đời lo cho dân cho nước nhưng Bác Hồ của chúng ta chưa bao giờ nguôi đau đáu hướng về quê hương với mong muốn “xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá”. Có lẽ để thành một tỉnh “khá” thì không chỉ tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Bác nói “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”. Thiết nghĩ đầu tư xây dựng một công trình để giải quyết bức bách dân sinh như nhà hỏa táng chắc chắn là “có lợi cho dân” rồi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Khắc An - Theo Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây