Triển khai cơ chế, chính sách đặc thù: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục riêu quốc gia

Thứ năm - 11/07/2024 05:48 185 0
Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG tại các địa phương.
Triển khai cơ chế, chính sách đặc thù: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục riêu quốc gia

Giải ngân nguồn vốn có nhiều tiến triển

Ba CTMTQG gồm: Chương trình phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm trước, 3 chương trình này gặp  vấn đề về chậm giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, tình hình có nhiều chuyển biến.

Theo báo cáo, thực hiện các CTMTQG, hiện cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%.

Các chương trình MTQG đều đạt kết quả khả quan. Hiện, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%.

Về kết quả giải ngân vốn thực hiện các CTMTQG, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023) đạt khoảng 61,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương ước đạt 15%. 

Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG của Trung ương đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn cơ bản thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội, kết quả giải ngân nguồn vốn của các Chương trình MTQG đã có nhiều tiến triển so với các năm trước.

Còn bất cập

Tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XV, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước sáng ngày 29/5, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đánh giá cao công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, vẫn còn tồn tại, bất cập, lãng phí trong thực hiện 3 chương trình CTMTQG. Qua giám sát và kiến nghị của cử tri, đại biểu nhận thấy còn nhiều tồn tại lãng phí nguồn nhân lực khi thực hiện 3 chương trình. Trong đó có tình trạng ban hành chậm hoặc sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chi tiết đã diễn ra ngay từ đầu năm thực hiện chính sách nhưng đến nay vẫn còn lúng túng chưa được khắc phục, nhất là những vướng mắc trong lồng ghép vốn các chương trình.

Công tác phân bổ ngân sách Trung ương cho chương trình chậm, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương của các chương trình thấp, chỉ đạt 46% kế hoạch, bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2023. Riêng ngân sách Trung ương thuộc Chương trình MTQG nông thông mới đến ngày 31/6/2023 mới đạt 9,17% kế hoạch, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chỉ đạt 6,53%, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 12,3%.

Đại biểu cho rằng, đã gần 3 năm thực hiện 3 chương trình MTQG, đây cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá kết quả bước đầu của các chương trình. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sơ kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện 3 chương trình MTQG trên cơ sở chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, có giải pháp phù hợp…

Đại biểu cũng đề nghị mạnh dạn đưa ra khỏi các chương trình những dự án triển khai không hiệu quả để dành nguồn vốn cho những dự án, chương trình có nhu cầu vốn. Chính phủ cũng cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành tăng cường công tác hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, có cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện. 

Nhìn vào kết quả triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Tráng A Dương cảm nhận sự chưa quyết tâm, chưa nghiêm túc trong việc triển khai nghị quyết của Quốc hội, khi nhiều nhiệm vụ, giải pháp đang bắt đầu triển khai, báo cáo kết quả trước Quốc hội chưa được như yêu cầu đặt. 

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết 74/2022/QH15 đề ra, đại biểu cho rằng, cần có sự quyết tâm, trách nhiệm cao, giải pháp triển khai phù hợp. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15.

Đánh giá về các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cũng cho rằng, bên cạnh những thành quả đáng trân trọng, từ thực tiễn lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư của cử tri và Nhân dân, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Về mục tiêu giảm nghèo, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho biết, theo Báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và dân tộc thiểu số đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số thấy, còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. 

Theo đó, chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của người dân…

Từ thực trạng trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn.

Cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương

Phát biểu tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 cho biết, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy việc triển khai, thực hiện và giải ngân vốn các chương trình MTQG. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, dù đã đạt được những kết quả quan trọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhưng trong quá trình thực hiện, vẫn còn những khó khăn cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ năm 2024, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG đã có hành lang pháp lý đối với những vấn đề đặc thù. Đó là Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.

Do đó, các địa phương chủ động rà soát tất cả các văn bản liên quan, có những vấn đề vướng mắc, khó khăn thì tiếp tục kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chương trình trên tinh thần quyết liệt, chủ động; lấy tính hiệu quả của các chương trình làm mục tiêu hàng đầu chứ không chỉ chú trọng vấn đề giải ngân các nguồn vốn…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG năm 2024 theo địa bàn được phân công; kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chủ quản các chương trình MTQG để có biện pháp giải quyết.

Các bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Các cơ quan chủ quản chương trình và các bộ, cơ quan Trung ương chủ động đôn đốc, hướng dẫn và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ trong quá trình triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG.

UBND các tỉnh, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ...

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây