Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ nhật - 11/12/2022 21:29 11.525 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược quân sự thiên tài. Người đã có công tổ chức, sáng lập, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hệ thống di sản tư tưởng mà Người để lại, tư tưởng về Quân đội và Quân đội nhân dân Việt Nam là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người, có vị trí quan trọng, có vai trò chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm những vấn đề chủ yếu sau đây:
            Thứ nhất, bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân, vì dân.
            “Quân đội ta là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội phải luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 115). Theo Người, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội luôn luôn trung thành với nhân dân, phục vụ cho quyền lợi của nhân dân, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Người luôn luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ, chiến sĩ phải hiểu rõ rằng: “Nhân dân là nền tảng, là gốc rễ sinh ra quân đội. Muốn quân đội vững mạnh thì phải dựa vào cái gốc, cái nền tảng ấy. Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 128).
            Thứ hai, Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc “Quân sự phục tùng chính trị”, đó là nguyên tắc bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi.
            Theo Người, đường lối chính trị quyết định đường lối quân sự, là cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện đường lối quân sự. Chỉ có trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn thì đường lối quân sự mới có mục đích đúng, mới có sức sống, thì mọi hoạt động quân sự mới có sức mạnh. “Quân sự phải phục vụ chính trị, quân sự mà không có chính trị thì cũng như cây không có gốc, vừa vô dụng lại vừa có hại. Chỉ có trên cơ sở đường lối chính trị đúng, Đảng đề ra đường lối quân sự đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động quân sự nhằm phục vụ cho mục tiêu của cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 72).
            Thứ ba, Quân đội nhân dân Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng.
            Theo Người, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố cơ bản nhất, nhân tố quyết định nhất đối với sự trưởng thành, phát triển, chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng không những quyết định bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của quân đội mà còn quyết định các nguyên tắc tổ chức hoạt động, các mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân. Đảng trực tiếp giáo dục, rèn luyện, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sỹ luôn luôn trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
            Thứ tư, về tổ chức quân đội, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội phải có tổ chức vững chắc và nghiêm ngặt, quân đội phải có kỷ luật sắt, “quân lệnh như sơn”.
            Theo Người, nếu không có tổ chức thì quân đội không phải là đội quân cách mạng, thì kết cục quân đội sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã không có sức mạnh, không thể đánh thắng được kẻ thù. Trên cơ sở đó, về mặt tổ chức, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang gồm có ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, giữa ba thứ quân này có mối quan hệ với nhau rất mật thiết: “Về mặt tổ chức, quân đội cách mạng phải được xây dựng, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Có tổ chức mạnh thì mới có con người mạnh, ngược lại, con người mạnh thì mới làm cho tổ chức mạnh. Kỷ luật của quân đội là kỷ luật sắt nhưng gắn liền với việc thực hiện dân chủ, chống quân phiệt, độc đoán” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 98).
            Thứ năm, Hồ Chí Minh xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu và chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
            Theo Người, “nhiệm vụ chủ yếu của quân đội là phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đó là nhiệm vụ mang tính chiến lược” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 79).
            Trên cơ sở đó, quân đội có hai nhiệm vụ cụ thể: Một là chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ Tổ quốc; hai là tham gia xây dựng đất nước, sản xuất ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Về chức năng của quân đội, Hồ Chí Minh chỉ rõ quân đội có ba chức năng:
            Một là, quân đội là đội quân chiến đấu. Với chức năng này, quân đội là đội quân luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, tham gia tiến công địch trên mặt trận lý luận, chính trị, tư tưởng, văn hóa.
            Hai là, quân đội là đội quân công tác. Với chức năng này, quân đội tham gia công tác vận động quần chúng nhân dân xây dựng cơ sở chính trị, xã hội vững mạnh, giúp dân chống thiên tai, giúp dân giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Ba là, quân đội là đội quân sản xuất. Với chức năng này, quân đội tích cực tham gia sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần cùng toàn dân xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
            Trên đây, chúng tôi đã trình bày những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm mươi hai năm đã trôi qua kể từ ngày Người vĩnh biệt chúng ta nhưng những tư tưởng đó của Người vẫn còn mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây