NHỆN HẠI CÂY TRỒNG VÀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

Thứ năm - 16/09/2021 23:22 1.673 0
Trong sản xuất Nông nghiệp hiện nay, Nhện là nhóm sinh vật gây hại đáng kể làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển, năng xuất và phẩm chất nông sản phẩm. Tuy nhiên Nhện lại thuộc nhóm sinh vật có kích thước nhỏ khó nhìn thấy, khó phát hiện và đặc biệt nhện lại có tính kháng thuốc BVTV cao do vậy gây khó khăn cho công tác điều tra phát hiện và phòng trừ. Chúng tôi xin giới thiệu đặc điểm gây hại chính và biện pháp quản lý nhện hại cây trồng để người sản xuất và bà con nông dân áp dụng.
  Vết nám (cạo gió) do nhện ghé     
  Vết nám (cạo gió) do nhện ghé     
1. Tác hại chung của nhện
Nhện hại cây trồng bằng cách dùng miệng (kìm) chích vào mô cây, tiết nước bọt vào trong đó và nhờ sức căng bề mặt của dịch cây trào ra vết chích, nhện dùng bơm hút phía sau kìm để hút dịch cây vào ống tiêu hoá, vết chích sâu hay nông lớn hay bé phụ thuộc vào độ lớn của kìm và tập tính dinh dưỡng của từng loài.
Do bị mất dịch, cây thiếu dinh dưỡng nên còi cọc và có thể bị chết. Ngoài ra vết thương cơ giới do nhện tạo ra làm cây bị mất nước và bị héo, quá trình trao đổi dinh dưỡng của cây bị xáo trộn, khi nhiều vết thương liên kết lại với nhau làm cho mô lá hoặc mô cây bị biến màu, đa số chuyển sang màu trắng nhạt hơi vàng hoặc hơi nâu rồi chết. Ngoài ra các vết thương do nhện gây ra là nơi để các loại bệnh dễ dàng xâm nhập.  
2.Yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới nhện:
- Nhiệt độ: Nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông hay lên cao vào mùa hè có thể gây chết hàng loạt, tỷ lệ trứng qua đông nở phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ mùa xuân.
- Ẩm độ: Sự phát sinh gây hại nặng của nhện thường trong điều kiện nhiệt độ cao kèm theo khô hạn. Độ ẩm cao kìm hãm sự phát triển của nhện, bị chết nhiều trong lúc lột xác.
- Lượng mưa: Mưa nhỏ không ảnh hưởng tới nhện nhưng mưa nặng hạt kèm theo gió có thể rửa trôi hầu hết nhện khỏi cây. Khi trời mưa nhện thường di chuyển xuống mặt dưới lá, tán lá hay những nơi mà nước mưa không tới được, các lông trên cây là nơi bám lý tưởng của nhện trong điều kiện mưa bão.
3. Ký chủ gây hại của nhện
Nhện phát sinh gây hại trên hầu hết các loại cây trồng như:
- Cây ăn quả: Cam, chanh, bưởi, xoàn, nhãn, vải, hồng, hồng xiêm, táo, na, đào, mậm,...
- Cây công nghiệp: Chè, cà phê, cao su, bông, dâu tằm, đậu các loại, lạc, tiêu, vừng,...
- Hoa cây cảnh: Các loài cây hoa như Hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa ly,...Cây cảnh như Mai, si, sanh, quất,...
- Cây lương thực: Lúa, ngô, khoai, sắn,...
- Cây rau màu thực phẩm: Khoai tây, cà các loại, ớt, dưa chuột, dưa leo, dưa hấu, bầu, bí, hoa thiên lý,...                                           
4. Biện pháp quản lý
Để quản lý nhện hại có hiệu quả chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp theo hướng tổng hợp bao gồm:
- Biện pháp kỹ thuật canh tác: Là biện pháp quan trọng hàng đầu, trong sản xuất nông nghiệp việc trồng đúng quy trình kỹ thuật cho từng loại giống, từng chân đất là hết sức quan trọng như: trồng đúng mật độ, bón đủ lượng phân, cân đối, chăm sóc, làm cỏ, tưới nước kịp thời tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của nhện.
Chú ý: Những ruộng đang bị nhện gây hại thì phải ngừng bón thúc đạm, nếu bón thúc thêm đạm nhện sẽ phát triển mạnh hơn; Vười chè phải trồng đủ cây che bóng; Vào mùa hè khô hạn các loại cây như cam, chanh, chè, sắn, các loại rau ăn quả, hoa cây cảnh,…cần tưới đủ nước để cây trồng phát triển khỏe hạn chế tác hại của nhện.
- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên thu dọn sạch tàn dư cây trồng trên đồng ruộng hạn chế nguồn thức ăn và mật số của nhện như thu gom tiêu hủy lá, quả rơi rụng trên ruộng và sau thu hoạch. Đối với nhện lông nhung phải thường xuyên theo dõi khi nhện mới phát sinh kịp thời ngắt bỏ những lá, cành bị nhện để giảm mật độ,...
- Tưới nước diệt nhện: Sử dụng vòi tưới phun (càng mạnh càng tốt) lên lá, đặc biệt là mặt sau của lá cho các loại cây như cây rau màu, cây cảnh, cây công nghiệp, cây ăn quả,...có tác dụng rửa trôi nhện làm cho nhện chết vừa bổ sung nước cho cây phát triển, nhất là vào mùa nắng hạn.
          - Bảo vệ thiên địch: Bảo vệ các loài bắt mồi ăn thịt như bọ rùa đen nhỏ, bọ cánh ngắn đen nhỏ, nhện chăng lưới nhỏ, ấu trùng loài cánh gân, nhện ăn thịt Phytoseiulus, Amblyseius, Typhlodromus, Mexecheles,...
          - Điều tra phát hiện: Phải thường xuyên thăm đồng, vạch lá kiểm tra nhện. Do nhện có kích thước nhỏ mắt thường khó nhìn thấy và triệu chứng của nhện rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh do virus gây ra hoặc do khô hạn, lá vàng sinh lý, cây còi cọc do chăm sóc kém,...Vì vậy để nhận biết trên cây trồng có nhện cần phải:
+ Đối với cây trồng cạn (rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp,…): Xem màu sắc của lá, vỏ quả (lá biến vàng, hơi cứng, lá quăn, khô mép lá, vỏ quả bị nám,...) và phải sử dụng kính lúp cầm tay có độ phóng đại 10 lần trở lên để quan sát hoặc có thể dùng một tờ giấy trắng áp sát vào mặt lá nghi có nhện rồi ép nhẹ trên tờ giấy (mở ra nếu trên tờ giấy trắng xuất hiện những vệt đỏ, vàng hoặc dịch nước đó là các con nhện bị chết để lại các vệt dịch của nó trên giấy) thì chứng tỏ lá đã bị nhện gây hại. Căn cứ vào số "vết máu" trên giấy để xác định mật độ và mức độ gây hại của nhện để có các biện pháp phòng trị kịp thời.
          + Đối với lúa: Kiểm tra kỹ vào thời kỳ lúa kết thúc đẻ nhánh trở đi, đặc biệt là thời kỳ trước trỗ một tuần (cắt dảnh lúa có triệu chứng nghi do nhện “vết cạo gió” dùng dao sắc tách bẹ lá lúa, dảnh lúa rồi đưa vào kính lúp soi nổi, kính lúp có độ phóng đại lớn,…kiểm tra nhận biết nhện, trứng nhện).
            
                    Mặt trong bẹ lá đòng (do nhện ghé)

          - Sử dụng thuốc BVTV trừ nhện: Khi nhện phát sinh với mật số cao có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng cần phải sử dụng thuốc BVTV để phun trừ, đặc biệt trong những tháng trời nắng nóng khô hạn.
          + Đối với nhện ghé hại lúa: Chú ý giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh (40-50 ngày sau trồng) khi thấy ruộng có 3-5% số dảnh có bẹ lá xuất hiện vết cạo gió hoặc vết màu nâu đen hình chữ nhật chạy dọc bẹ lá) và trước trổ 5-7 ngày khi có triệu chứng gây hại của nhện gié (3-5% bẹ lá đòng có vết cạo gió hoặc vết màu nâu đen chạy dọc, hoặc 3-5% lá đòng ở bên trong chuyển sang màu hơi thâm nâu) bằng một trong các loại thuốc sau:
*Hoạt chất Abamectin (Abatimec 3.6EC, Reasgant 3.6EC, Silsau 4EC,...);
*Hoạt chất Emamectin benzoate: (Angun 5WG, Dylan10EC, Tasieu5WG, Starrimec 40EC,...);
* Hoạt chất Fipronil (Regent 800WG);
* Hoạt chất Quinalphos (Kinalux 25EC);
          + Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau màu: Ngoài các thuốc nêu trên sử dụng các loại thuốc có hiệu lực cao trừ nhện sau:  
* Hoạt chất Profenofos (Selecron 500EC),...
* Hoạt chất: Petroleum spray oil (Dầu khoáng DS 98.8EC),…
          * Hoạt chất Hexythiazox:(Nisorun 5EC,….): Thuốc có tác động tiếp xúc, ức chế sự hình thành chất cutin làm cho nhện non không lột xác được mà chết, thuốc chủ yếu dùng để diệt nhện non.
          * Hoạt chất Propargite: (Comite 73EC,): Thuốc có tác động tiếp xúc và xông hơi. Diệt trừ nhện nhanh (sau 1-2 ngày) và có thể kéo dài tới 15-20 ngày. Thuốc diệt được cả nhện non và nhện trưởng thành.
          * Hoạt chất Fenpyroximate (Ortus 5EC): Thuốc có tác động tiếp xúc và vị độc, có tác dụng đối với cả nhện trưởng thành, trứng và nhện non. Hiệu lực  trừ nhện tương đối nhanh và kéo dài trên 3 tuần.
          * Hoạt chất Fenpropathrin (Danitol 10EC – trừ hiệu quả Nhện lông nhung): Thuốc có tác dụng tiếp xúc, thấm sâu mạnh, hiệu quả diệt trừ cao đối với nhiều loại nhện hại trên nhiều loại cây trồng.
          * Hoạt chất Pyridaben (Dany15EC): thuốc diệt nhện nhanh sau khi phun trong vòng từ 1 - 2 ngày và có khả năng kéo dài thời gian tiêu diệt đến hàng tháng, thuốc diệt từ ấu trùng đến trưởng thành của nhện.
           Chú ý: Khi sửng dụng thuốc BVTV cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng, đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì. Đối với nhện rất cần luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để hạn chế tính kháng thuốc của nhện và phải phun đều ướt toàn bộ 2 mặt của lá cây trồng mới có hiệu quả cao (nhện có tính kháng thuốc rất nhanh, nếu sử dụng 1 loại thuốc liên tục từ 2-3 lần lập tức nhện sẽ kháng thuốc làm giảm hiệu quả phun trừ).

Tác giả bài viết: Đình Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây