TẠO HIỆU QUẢ BỀN VỮNG TỪ BIỆN PHÁP CANH TÁC NƯƠNG RẪY
Thứ tư - 10/03/2021 21:491.4480
Theo báo cáo hiện trạng rừng tỉnh Nghệ An của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đến tháng 6 năm 2015 toàn tỉnh có 904.642,98 ha rừng/tổng diện tích đất lâm nghiệp 1.160.242,4 ha, trong đó có 737.762,72 ha rừng tự nhiên, độ che phủ đạt 54,6%.
Rừng và đất lâm nghiệp Nghệ An chủ yếu tập trung ở 10 huyện núi phía Tây của tỉnh. Đặc điểm địa lý khu vực miền núi Nghệ An có địa hình đồi núi cao, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt; là nơi tập trung sinh sống của gần 50 vạn đồng bào các dân tộc ít người: Thái, H’Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai... tập quán canh tác sản xuất chủ yếu là phát nương làm rẫy, sống dựa vào rừng, đời sống khó khăn. Trước năm 2000 diện tích làm nương rẫy toàn tỉnh mỗi năm dao động từ 100- 120 ngàn ha. Hiện nay, do chủ trương quản lý của Nhà nước, có sự tuyên truyền vận động và các cơ chế chính sách hộ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án, việc phát nương làm rẫy đã giảm mạnh. Một số huyện đồng bào không còn làm nương rẫy hoặc làm rất ít như Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn. Diện tích nương rẫy hiện nay còn khoảng 50 ngàn ha, tập trung ở các huyện vùng cao giáp biên giới Việt - Lào: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Biện pháp canh tác nương rẫy của đồng bào chủ yếu là quảng canh, phát đốt rừng, giâm cành, tra hạt. Năng suất cây trồng phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Thời gian sử dụng đất nương rẫy tùy thuộc từng vùng và tập quán của từng dân tộc: Một số đồng bào HMông phát đốt rừng mới, canh tác trong 3- 5 năm, đến khi đất xấu trồng cây cho năng suất thấp thì bỏ hoang và khai phá rẫy mới. Đồng bào Thái thường canh tác quay vòng (rẫy luân canh): Canh tác rẫy trong 2-3 năm rồi bỏ hóa 5-7 năm sau đó quay lại phát đốt để canh tác luân kỳ tiếp. Một số diện tích rẫy ở vùng đồi núi thấp, có thung lũng, được đồng bào bố trí làm rẫy kết hợp ruộng nước và chăn thả gia súc. Xét về mức độ thì 3 kiểu canh tác rẫy nói trên có khác nhau, song cả 3 kiểu đều xâm hại đến rừng và đất rừng, làm mất đi diện tích rừng, một trong những nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu, gây xói mòn rửa trôi, gây nên tình trạng lũ ống lũ quét khi mưa to, ... Thực trạng là cuộc sống của nhiều đồng bào các dân tộc ít người từ bao đời nay đã gắn bó với nương rẫy, việc xóa bỏ hoàn toàn đốt nương làm rẫy là điều chưa thể trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy nghiên cứu xác định biện pháp canh tác nương rẫy phù hợp, hiệu quả và bền vững là trách nhiệm của các nhà chuyên môn, các cấp quản lý và mọi người dân cần chung tay góp sức.
Canh tác nông lâm kết hợp tại Tân Kỳ Để duy trì được độ che phủ bề mặt đất và có thu nhập cho người sản xuất ổn định cuộc sống, giảm áp lực vào tài nguyên rừng, đối với diện tích nương rẫy đã được quy hoạch, biện pháp tốt nhất là nên áp dụng canh tác nông lâm kết hợp. Canh tác nông lâm kết hợp (NLKH) là kết hợp một cách hài hòa cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi trên một diện tích đất. Canh tác nông lâm kết hợp có nhiều lợi ích:Trồng xen nhiều loài cây trên một diện tích rừng có tác dụng duy trì thảm thực vật, tạo mới và tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế cỏ dại, tăng khả năng thấm nước và giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi bề mặt, hạn chế lũ lụt trong mùa mưa và duy trì nước cho mùa khô, hạn chế cháy rừng, góp phần làm bền vững môi trường sinh thái, hạn chế sâu bệnh hại cây trồng, sử dụng tối ưu các điều kiện: đất, ánh sáng, nước, dinh dưỡng, tăng hiệu quả sử dụng đất, đa dạng sản phẩm, sớm có thu nhập từ cây trồng vật nuôi ngắn ngày, cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho người sản xuất, tạo điều kiện để chăm sóc bảo vệ cây dài ngày. Để canh tác nông lâm kết hợp trên đất dốc nương rẫy có hiệu quả, cần chú ý các vấn đề sau: - Bố trí các băng trồng cây: Đất nương rẫy phần lớn là đất dốc vì vậy cần bố trí các băng trồng theo đường đồng mức để ngăn cản dòng chảy, hạn chế rửa trôi đất mặt. Tùy thuộc và điều kiện địa hình, đất đai và khả năng đầu tư, nếu nương rẫy gần khe suối có nguồn nước để tưới cho cây trồng trong mùa khô có thể bố trí các băng trồng như sau: + Băng trên cùng (phần đỉnh đồi) 15- 20 m: Trồng cây lâm nghiệp bằng các loài cây đã trồng thành công tại địa phương như: Sao đen, Sấu, Trám, xoan, lát, keo, xà cừ, vạng trứng, sồi phảng, muồng đen (mật độ 1200-1600 cây/ha) ... + Băng tiếp theo rộng 2- 3 m: Trồng cây che phủ cải tạo đất hoặc cỏ chịu hạn (đậu thiều, cốt khí, hoa hòe, cây lạc dại, cỏ Mulato II, Sudan... ) làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, ngựa, hươu...). + Phần sườn đồi: Trồng cây công nghiệp dài ngày: Nhãn, Hồng, vải, xoài, cam, chanh, chè, cà phê, hồ tiêu.... + Dưới cùng trồng cây lương thực, thực phẩm (đậu, lạc, ngô, sắn, lúa nương, rau đậu, bí, dưa nại, khoai sọ, sắn dây... và khu vực chuồng trại gia súc, gia cầm. Nếu có các thung lũng có thể cải tạo để trồng lúa nước và ao cá . Tuy nhiên không phải rẫy nào cũng có điều kiện lý tưởng như trên mà phần lớn là không có nguồn nước tưới, vì vậy cần áp dụng biện pháp trồng xen cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau: Cây Lâm nghiệp trồng với mật độ 500-600 cây/ha trên toàn bộ diện tích rẫy (chỉ bằng 1/2 trồng thuần), trồng thẳng hàng theo đường đồng mức (hàng cách hành 5 m, cây cách cây 3 m hoặc 4 m), các băng đất trống giữa 2 hàng cây lâm nghiệp phần đỉnh đồi được bố trí trồng cỏ chịu hạn để chống xói mòn và phục vụ chăn nuôi; thời gian 1- 2 năm đầu phần sườn và chân đồi trồng xen các loài cây lương thực, thực phẩm (là các loài chỉ chờ nước mưa); khi rừng trồng đã có độ che bóng bề mặt đất đạt 30 - 40% (độ tàn che 0,3 - 0,4) phần sườn đối trồng xen các cây dược liệu dưới tán rừng như: Ba kích, sa nhân, gừng, nghệ, hương bài, sắn dây...; phần chân đồi vẫn có thể sử dụng trồng xen cây lương thực, thực phẩm, bí rẫy. Vì cây lâm nghiệp trồng thưa nên có thể trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu (loài chịu bóng) trong suốt chu kỳ đến lúc khai thác cây rừng. Kiểu canh tác này cây lâm nghiệp sẽ phát triển rất tốt nhờ quá trình chăm sóc cây trồng xen, giá trị rừng trồng không chỉ bằng mà còn cao hơn so với trồng mật độ thông thường 1.600 cây/ha bởi sản phẩm là cây gỗ lớn chứ không phải là gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu giấy sợi. Khi chọn lựa cây trồng xen cần phải chú ý 2 nguyên tắc sau đây: (1) Có tác dụng hỗ trợ nhau: Cây này không lấn át, che bóng hoặc tiết ra những chất độc, có mầm mống sâu bệnh có thể gây hại cho cây kia; không chọn trồng những băng cây như tre luồng có bộ rễ phát triển nhanh ở tầng mặt, hút nhiều nước và chất dinh dưỡng trong các nương lúa, ngô mà nên chọn cây có bộ rễ cố định đạm để cải tạo đất, ngăn cản dòng chảy; (2) Nắm vững đặc tính và yêu cầu sinh thái của cây, tuổi thọ, kỹ thuật gây trồng hay kinh nghiệm gây trồng (mùa vụ, tạo giống, cách trồng ... ). Nhiệm vụ của tổ chức và cán bộ Khuyến nông cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con canh tác có hiệu quả và bền vững diện tích nương rẫy đã được quy hoạch: Một mặttuyên truyền giáo dục cho người dân nhận thức đầy đủ về vai trò giá trị to lớn của rừng, của việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Đất đai, nguồn nước, cây rừng , nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân về tác hại của việc đốt nương làm rẫy, những thảm hoạ do mất rừng và canh tác thiếu khoa học trên đất dốc gây nên biến đổi khí hậu và các hệ quả như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, cạn kiệt nguồn nước ..; tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, những hiểu biết về chủ trương của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy để đồng bào tự nguyện tham gia, từng bước chuyển đổi tập quán du canh, phát đốt tra hạt quảng canh sang thâm canh tăng năng suất trên nương rẫy, canh tác tổng hợp nâng cao giá trị sử dụng đất. Đồng thời với tuyên truyền vận động nhân dân là xây dựng mô hình trình diễn canh tác trên đất dốc tại các địa phương, tổ chức tham quan các mô hình canh tác cố định có hiệu quả kinh tế cao trên các loại địa bàn và cho các dân tộc khác nhau; xây dựng tài liệu, tập huấn hướng dẫn người dân cách làm và giúp người dân được thực hiện "tai nghe, mắt thấy, tay làm". Vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng trong xây dựng chính sách và triển khai các chủ trương, khi có sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành cùng đầu tư trí và lực thì chắc chắn mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Mong rằng diện tích nương rẫy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường trái đất của chúng ta./.