Xác định giá Các-bon tại Việt Nam - Cấp bách: Trả tiền để “được” phát thải

Thứ năm - 05/10/2023 05:27 550 0
Từ ngày 01/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thí điểm Cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới (CBAM). Với quy định này, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải khai báo lượng khí thải nhà kính có trong các sản phẩm nhập khẩu, và sẽ phải mua giấy chứng nhận phát thải nếu lượng CO2 vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Xác định giá Các-bon tại Việt Nam - Cấp bách: Trả tiền để “được” phát thải

Thị trường đã khó lại càng khó
CBAM là một phần rất quan trọng trong gói Thỏa thuận Xanh châu Âu do Ủy ban châu Âu ban hành, với mục tiêu giúp EU đạt trung hòa Các-bon vào năm 2050 mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. CBAM có thể xem như một loại thuế Các-bon đối với tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) trong quy trình sản xuất bên ngoài EU.
Cả nước có 1.912 cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải theo từng năm, kể từ năm 2026. Các cơ sở phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải KNK vượt quá số hạn ngạch sau khi áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ. Ngoài việc phải nộp tiền thanh toán, lượng phát thải KNK vượt quá lượng hạn ngạch sẽ được trừ vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, việc trao đổi hạn ngạch, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường Các-bon trong nước. 1 đơn vị hạn ngạch bằng 1 tấn CO2 tương đương. Tín chỉ các-bon được phép chuyển đổi thành đơn vị bù trừ cho hạn ngạch trên sàn giao dịch.
Ban đầu, trong giai đoạn từ 31/10/2023 - 31/12/2025, CBAM áp dụng cho 6 nhóm hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro (hiện chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu). Nhà nhập khẩu sẽ chỉ phải khai báo mức độ phát thải của hàng hóa nhập khẩu mà không phải nộp bất kỳ khoản phí nào. Từ năm 2026, cùng với nghĩa vụ khai báo, nhà nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải cho hàng hóa nhập khẩu theo các quy định cụ thể của EU. Giá mua chứng chỉ CBAM tương ứng với giá tín chỉ Các-bon của EU tại thời điểm đó. Nếu họ có thể cung cấp thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất bên ngoài EU rằng giá Các-bon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất, thì giá này có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng.
Hiện, EU đang tiến hành soạn thảo quy định hướng dẫn cách thức tính toán cụ thể để áp dụng cơ chế mua bán và giá chứng chỉ CBAM. EU sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực thi CBAM giai đoạn đầu để cân nhắc khả năng mở rộng phạm vi áp dụng sang một số sản phẩm có nguy cơ cao khác, hoặc cho tất cả các sản phẩm từ năm 2030.
Việt Nam có 4 mặt hàng nằm trong diện áp dụng CBAM là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể, tác động tới toàn bộ nền kinh tế không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp. Trước mắt, vấn đề là phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất lượng phát thải từ các nhà nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan - chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM, mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM, nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất của Việt Nam phải cung cấp thông tin cần thiết để hoàn thiện hồ sơ. Qua khảo sát, phần lớn doanh nghiệp Việt hiện mới chỉ có thể cung cấp thông tin phát thải trong quá trình sản xuất, gia công hàng hóa, trong khi CBAM yêu cầu thông tin cả số liệu phát thải trong cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra sản phẩm.
Ngoài ra, một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam dù chưa trong diện áp dụng CBAM nhưng có tác động lớn đến môi trường, như dệt may, da giày vẫn nằm trong nhóm rủi ro có thể đưa vào cơ chế CBAM vào năm 2030. Nhiều mặt hàng nông sản đang và sẽ đứng trước các rào cản từ các cơ chế mới theo gói Thỏa thuận xanh châu Âu.
Đáng chú ý, không chỉ EU, Mỹ đã lên kế hoạch chính thức áp dụng cơ chế tương tự CBAM từ năm 2024, trong khi Anh cũng đang tiến hành tham vấn các quy định liên quan trong đầu năm 2023 và nhiều khả năng sẽ sớm đưa vào áp dụng.
Giá các-bon tại Việt Nam là bao nhiêu?
Giá Các-bon trong hệ thống thương mại phát thải của EU tháng 10/2023 đang giao dịch khoảng 87 USD/tấn CO2 tương đương (tCO2tđ). Mức giá cụ thể dao động lên xuống theo thời gian, nhưng đây vẫn là khoản chi phí lớn đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU nếu chiếu theo CBAM.

cacbon-tax.jpeg

Hàng hóa có lượng phát thải các lớn từ quá trình sản xuất sẽ bị áp thêm chi phí theo CBAM

Trong khi đó, theo nghiên cứu từ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của CBAM, dựa trên các biện pháp giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ước tính chi phí các-bon thấp nhất tại Việt Nam rơi vào khoảng 11 USD/tCO2 - chênh lệch khá xa so với EU. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hàng hóa Việt Nam không chứng minh được lượng phát thải KNK, hoặc có phát thải lớn thì dù giá thành thấp cũng sẽ rất khó cạnh tranh. Cần phải hiểu rằng, giá các-bon trong nước càng cao thì lượng tiền tương ứng sẽ được giữ lại Việt Nam chứ không chảy vào túi của các nước EU.
HIện nay, việc xác định giá các-bon tại Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện căn cứ pháp lý. Theo bà Mai Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon, cụ thể hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải KNK (hay thị trường các-bon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải KNK. Lộ trình triển khai thị trường các-bon được quy định rõ tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ. Theo đó, thị trường sẽ thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028.
Từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ liên quan sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon. Cụ thể như quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ các-bon; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải KNK, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải KNK; cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường Các-bon; quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK đối với các lĩnh vực thuộc danh mục phải kiểm kê KNK,...

Bà Mai Kim Liên nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ Các-bon được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký tài khoản, cung cấp thông tin liên quan về loại tín chỉ Các-bon, lượng tín chỉ Các-bon đang sở hữu và các thông tin cần thiết khác.
Theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao và có kế hoạch chuyển đổi, cải tiến quy trình sản xuất, giảm phát thải Các-bon để giảm thiểu tối đa các tác động từ cơ chế CBAM, cũng như xu thế thiết lập hàng rào thương mại xanh từ các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện quy định kiểm kê KNK và chủ động thực hiện theo các hướng dẫn truy xuất lượng phát thải Các-bon trong hàng hóa, kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây