Cơ hội phát triển loại hình farmstay ở Nghệ An gắn với xây dựng Nông thôn mới

Thứ bảy - 12/10/2024 11:18 97 0
Trong thời gian gần đây, Farmstay đang nổi lên như một xu thế mới trong du lịch bởi tính hấp dẫn và mang lại giá trị lâu dài. Farmstay là một hình thức của du lịch nông nghiệp, rất phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền. Đồng thời Farmstay còn rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập… nên được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng và lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.
Farmstay là hình thức du lịch nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế, là sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp và hoạt động du lịch.
Nghệ An có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình farmstay, cụ thể:
1. Tiềm năng về các giá trị tự nhiên 
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là hè và đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, Nghệ An chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt.
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 - 24°C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nhiệt độ trung bình các tháng nóng nhất (tháng 6 đến tháng 7) là 33°C, nhiệt độ cao tuyệt đối  42,7°C;  nhiệt  độ  trung  bình các  tháng lạnh nhất (tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau) là 19°C, nhiệt  độ thấp  tuyệt  đối -0,5°C. Số giờ nắng trung bình/năm là 1.500 - 1.700 giờ. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 1.200 - 2.000 mm/năm, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau rõ rệt. Khí hậu Nghệ An thay đổi theo mùa và theo vùng từ thấp lên cao và từ đông sang tây. Với khí hậu nêu trên đã đem đến sự đa dạng về thiên nhiên, khoáng sản phong phú, tài nguyên sinh vật đa dạng và quý hiếm. Đặc biệt, mang lại nền nông nghiệp nhiệt đới phát triển, cây cối quanh năm ra hoa kết quả.
Nghệ An có quỹ đất nông nghiệp lớn. Tổng diện tích đất toàn tỉnh hiện có là 1.648,64 nghìn ha, trong đó đất nông nghiệp 1.485,45 nghìn ha (chiếm 90,11%), đất phi nông nghiệp 139,43 nghìn ha (chiếm 8,46%), đất chưa sử dụng 23,75 nghìn ha (chiếm 1,43%). Tổng diện tích đất có rừng của Nghệ An là 964.474,27 ha; trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 786.550,3 ha, diện tích có rừng trồng 177.923,97 ha. Độ che phủ rừng đạt 58,5%.
Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt  Nam; là nguồn nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát  triển các ngành công  nghiệp của địa phương.
Tổ chức Văn hóa,  Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận và xếp hạng Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An gồm rừng nguyên sinh - Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích 93.523 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện  tích 41.127 ha, Khu bảo  tồn thiên  nhiên  Pù Hoạt có diện  tích trên 34.723 ha với nhiều loài động vật,  thực  vật  quý  hiếm  có  tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Khu dự trữ này trải dài trên 9 huyện miền núi của tỉnh.
Mặt khác, sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Nghệ An đã tạo ra sự phong phú của cảnh quan sinh thái tự nhiên, từ đó tạo ra sự đa dạng cho và giống vật nuôi.
Theo Niên giám thống kê năm 2023, dân số trung bình của tỉnh Nghệ An năm 2022 là 3.419.989 người. Mật độ dân số 207 người/km². Trong đó, dân số thành thị là 530.452 người, chiếm 15,51%; dân số nông thôn là 2.889.537 người, chiếm 84,49%, đây là nguồn lao động dồi dào trong phát triển các mô hình trang trại nông thôn. Trong tỉnh hiện có trên 500.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (gồm các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, H’Mông, Ơ Đu... cùng sinh sống).
Bên cạnh đó, Nghệ An có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Ngoài ra Nghệ an còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ở vùng miền Tây, được UNESCO chính thức công nhận vào năm 2007 và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Vùng lõi có Vườn Quốc gia Pù Mát, với diện tích phần lớn nằm ở huyện Con Cuông; Khu bảo tồn thiên nhiện Pù Huống; Khu bảo tồn thiên nhiện Pù Hoạt. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Nghệ An.
2. Tiềm năng về các giá trị văn hóa 
Nghệ An còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng; trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt có 04 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích Đình Hoành Sơn). Bên cạnh đó, Nghệ An có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 07 lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đặc biệt dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014. Đây cũng chính là nét thu hút đặc sắc trong phát triển du lịch hiện nay.
Việc sản xuất nông nghiệp theo phong tục tập quán từng vùng miền tạo nên một hệ thống nông nghiệp gắn với bản sắc văn hóa rất đa dạng. Ở các vùng miền núi lại có những nét đặc sắc riêng, rất độc đáo. Sự đa dạng về tập quán sinh hoạt và văn hoá, ẩm thực… cũng là tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn ở Nghệ An luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để làm phong phú các sản phẩm du lịch đặc thù cho mô hình du lịch trang trại, du lịch farmstay tại Nghệ An, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Mặt khác, đa phần người lớn ở các đô thị hiện nay là những người được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ có nhu cầu dành thời gian để nghỉ ngơi, thoải mái trải mình trong không gian thiên nhiên và văn hóa của nông thôn. Du lịch nông nghiệp đối với họ, đó là hành trình hoài niệm và nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, du lịch nông nghiệp cũng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế, tìm hiểu văn hóa cho trẻ em, đặc biệt ở thành phố. Các con em ở thành phố hiện nay không có không gian, không biết chơi ở đâu, không được tiếp cận với tự nhiên.
3. Tiềm năng về các giá trị nông nghiệp, nông thôn 
Nghệ An là địa phương nằm ở vĩ độ 18033' đến 20001' vĩ độ Bắc, kinh độ 103052' đến 105048' kinh độ Đông, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam; phía Đông giáp biển, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh với đường biên dài 92,6 km, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa với đường biên dài 196,13 km, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 468 km đường biên giới trên bộ, bờ biển ở phía Đông dài 82 km. Hệ thống các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, phong phú. Điều này là sự thu hút rất lớn với khách du lịch, mỗi vùng đều có những độc đáo riêng về các sản phẩm nông nghiệp.  
Theo báo cáo của hội trang và làng nghề tỉnh, đến nay   tỉnh Nghệ An có 453 trang trại đạt tiêu chỉ kinh tế trang trại của Bộ NN&PTNT, 182 làng nghề được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận làng nghề, một số làng nghề đã gắn việc SXKD với du lịch bản địa. Kinh tế làng nghề đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 10.900 hộ, 21.000 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 35-40 triệu đồng/người/năm. Việc tích tụ đất đai để phát triển các nông trại là một hình thức góp phần phát huy tiềm năng của bất động sản nông nghiệp[1]
Và đặc biệt hầu như địa phương nào cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Một không gian sống rất thực sự thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.
 Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm nguồn gốc để phát triển các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm… Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn[2].
4. Các giá trị tiềm năng khác 
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Đó là cơ sở thúc đẩy mô hình trang trại kết hợp nghỉ dưỡng Farmstay ra đời, nâng cao hiệu quả của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát huy một cách tối đa giá trị của đất đai.
Hiện nay, nhu cầu về du lịch trải nghiệm nông nghiệp ngày càng tăng cao. Du lịch nông nghiệp là mô hình được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. 
Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở Nghệ An, gần đây đã có sự sáng tạo trong phát triển vườn ao chuồng, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đồng thời kết hợp được với du lịch trải nghiệm.
Như vậy, với lợi thế về sự phong phú của cảnh quan sinh thái tự nhiên, không gian văn hóa đặc trưng của nông thôn và miền núi Nghệ An, cùng với ẩm thực hấp dẫn; đặc biệt nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá kết hợp giáo dục trẻ em (tính cần cù, chịu khó, yêu thiên nhiên, trân trọng các giá trị văn hóa, xây dựng lối sống “xanh”) ngày càng gia tăng thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào loại hình Farmstay trong thời gian tới theo hướng đi vào chiều rộng và chiều sâu. Farmstay thực sự là hình thức đầu tư sinh lời hiệu quả và bền vững cho các nhà đầu tư trong tương lai.
Đậu Quang Vinh- Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An

Tác giả bài viết: Quang Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây