Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm” của đồng bào dân tộc thiểu số xã Diên Lãm

Thứ năm - 11/07/2024 23:25 105 0


Xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu cách trung tâm gần 35 km về phía Tây Nam, có diện tích tự nhiên là 13.870.49 ha và có tuyến Quốc lộ 48D đi qua đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nhất của xã. Có 617 hộ với 2.758 nhân khẩu, được phân chia thành 04 bản, có hai dân tộc Kinh và Thái sinh sống trong cộng đồng (dân tộc Thái chiếm gần 99%). Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Diên Lãm nhiều danh lam, thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ như: nguyên sinh núi cao, sông sâu cùng với đó là hệ thống sông suối đan xen dày đặc, là nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và đem lại nhiều nguồn lợi thủy sản với các loài cá đặc sản, quý hiếm như: cá mát, cá còm, cá chạch… được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho dòng nặm Cướm chảy dài qua 04 bản với nguồn nước sạch, trong mát là chỗ trú ngụ của nhiều loài cá, đặc biệt là đàn cá mát (pá Khình), là loài cá đặc sản, quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao. Được sự đồng thuận ủng hộ, thống nhất cao của toàn thể nhân dân trong xã và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở xã, sự hỗ trợ của cấp huyện trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện mô hình.

Tuy nhiên, Diên Lãm là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đường xá bị chia cắt bởi khe suối, đồi núi cao, mức sống và thu nhập của Nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, thu hái lâm sản phụ từ rừng và khai thác thủy sản để phục vụ đời sống hàng ngày. Trong thời gian gần đây người dân đánh bắt các loại thủy sản đặc biệt nguồn cá Mát quá mức theo hình thức “tận diệt” bằng các phương tiện khác nhau khiến cho cá Mát gần như cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một bộ phận người dân vẫn cố tình vi phạm đánh bắt cá trái phép mặc dù đã có quy định cấm của chính quyền địa phương.

Căn cứ chủ trương nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 -2025 về thực hiện ba khâu đột phá, trong đó có ưu tiên xây dựng các mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã phối hợp cùng các phòng, ngành cấp huyện tổ chức khảo sát các vị trí, địa hình và đặc điểm của con sông Cướm để đưa ra những đánh giá khách quan nhất và có cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát”.

Ngay sau khi có sự chỉ đạo của huyện và xác định tính khả thi của mô hình, Đảng ủy đã tổ chức triển khai chủ trương, lấy ý kiến thống nhất của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy; chỉ đạo UBND xã tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc họp từ xã đến các bản để lấy ý kiến góp của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn toàn xã để thống nhất chủ trương, nội dung và biện pháp và ban hành Đề án số 04-ĐA/HU ngày 01/11/2022 của Đảng ủy về “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm”.

Chỉ đạo UBND xã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức triển khai thực hiện. Một số văn bản quan trọng như kế hoạch triển khai thực hiện, các quyết định về thành lập các tổ tuần tra, quy chế bảo vệ, thông báo về việc cấm đánh bắt... Chỉ đạo HĐND xã tổ chức lấy kiến của các vị HĐND và ban hành văn bản chấp thuận chủ trương để triển khai thực hiện. Xây dựng quy chế hoạt động của nhóm tự quản. Xây dựng quy chế, quy ước của bản về bảo tồn nguồn thủy sản cá Mát tại các bản và ký cam kết với các hộ dân không khai thác nguồn lợi thủy sản trong thời gian cấm đánh bắt. Thành lập các tổ và tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực sông, tổ chức cắm các biển cấm ở các khu vực ven sông dễ quan sát. Các tổ đã tổ chức kiểm tra, tuần tra được hơn 60 cuộc trên các khu vực cấm đánh bắt thủy sản của nặm Cướm. Tổ chức cắm các biển cấm đánh bắt thủy sản ở các điểm bảo vệ và xây dựng biển trình diễn mô hình tại điểm thăm quan cầu treo bản Cướm. Thường xuyên báo cáo công tác triển khai thực hiện cho Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy nắm bắt tình hình thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời. Đã tổ chức nghe báo cáo tình hình 01 năm thực hiện mô hình trong Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã tháng 12 năm 2023.

Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức họp dân được 04 cuộc tại 04 bản để lấy ý kiến góp ý vào Đề án và xây dựng mô hình “bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát và được 100% sự đồng thuận nhất trí thực hiện của bà con nhân dân. Đồng thời, tổ chức phân chia ranh giới gồm 04 đoạn sông cho 4 bản quản lý, tổ chức cắm biển cấm đánh bắt thủy sản ở các điểm có các loại cá thường tập trung trú ngủ, và sinh sản, các điểm người dân hay qua lại. Thành lập 4 tổ tuần tra, kiểm tra ngày đêm tại các bản. Xây dựng file tuyên truyền gồm các nội dung chính của các văn bản với thời lượng phát thanh là 5 phút và chỉ đạo các chi bộ, các bản thường xuyên phát trên loa phát thanh của bản để toàn thể nhân dân nắm bắt chủ trương và quy định của xã về mô hình này. Vận động cán bộ và Nhân dân tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tận dụng tiếng nói của các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã đã nghỉ hưu, người có uy tín, già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ; lồng ghép tuyên truyền trong mọi hội nghị, mọi cuộc nói chuyện, kể cả trong bữa cơm hay trong công việc hằng ngày đều cố gắng đưa câu chuyện bảo tồn cá Mát vào nội dung.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ tổ chức giám sát việc thực hiện mô hình ở các bản sát đúng với chủ trương, kế hoạch và gắn với tình hình thực tế tại các bản. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc triển khai thực hiện mô hình tại các bản. Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình cho thấy: tỷ lệ các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, bản thực hiện mô hình đảm bảo đúng chủ trương, quy định.

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện mô hình, nhìn chung bộ mặt xã Diên Lãm đang từng bước thay đổi cả về nhận thức lẫn đời sống của bà con nhân dân. Đã cơ bản bảo tồn được nguồn gen cá Mát trên dòng nặm Cướm đã có từ xa xưa, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của Nhân dân, mở ra hướng đi mới về phát triển du lịch sinh thái. Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm” đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của toàn thể nhân dân trong xã; Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng ủy, sự quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả của UBND xã, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, tuần tra được đảm bảo thường xuyên, liên tục. Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm”, đã thu nhiều kết quả khả quan, sự phát triển của các loại cá, đặc biệt là cá Mát đã thể hiện một cách rõ rệt. Trên các khu vực cấm số lượng cá Mát và các loại cá khác như cá Láu, cá Còm, Chạch sông,… đã dần nhiều lên, có thể quan sát bằng mắt thường. Qua đánh bắt thử nghiệm và đánh giá mô hình, mỗi lượt thả lưới thu về từ 1,5 - 2kg cá Mát, con có trọng lượng to nhất tầm 0,2 - 0,3kg, cá Láu con to nhất có trọng lượng từ 0,3 - 0,5kg. Những khu vực có cá xuất hiện nhiều nhất như vắng Nật (Nan Lạnh), cầu treo bản Cướm, vắng Pá và khu vực sau UBND xã (bản Chao), cầu Sốp Lịch (bản Hốc). Cá Mát xuất hiện thành từng đàn nối đuôi nhau và nhiều nhất khi trời nắng vào các khung giờ từ 10h trưa đến chiều.

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, xã Diên Lãm đã đón khoảng 30 lượt khách đến thăm quan, đánh giá, kiểm tra mô hình và ngắm cá trên các khu vực suối. Đặc biệt năm 2023 được đón đoàn công tác của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Thường trực Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy đến kiểm tra, đánh giá mô hình; Các đoàn công tác của các xã bạn và khách thập phương cũng thường xuyên ghé thăm để ngắm cá trên nặm Cướm; năm 2024 đón đoàn công tác của Báo Nghệ An đến thăm quan mô hình và thử nghiệm đánh bắt cá Mát. Các đoàn đến kiểm tra, thăm quan đều đánh gia cao và ghi nhận sự hiệu quả của mô hình và triển vọng phát triển của mô hình trong thời gian tới. Ngay từ đầu xây dựng mô hình và triển khai thực hiện mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát”, xã Diên Lãm đã xác định thực hiện mô hình bảo tồn phải gắn với du lịch sinh thái để từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa các loại hình nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển một số khu du lịch sinh thái trong tương lai.

Có thể là hình ảnh về bơi và thủy vực

Có thể là hình ảnh về 4 ngườiCó thể là hình ảnh về 5 người và câyCó thể là hình ảnh về 5 ngườiMột số hình ảnh kiểm tra, đánh giá kết quả Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm”

Xã đã vận động và ủng hộ, hỗ trợ hộ gia đình ông Lô Văn Xoan ở bản Cướm xây dựng 01 điểm dừng chân với 01 lán 02 gian ở đầu cầu treo bản Cướm, nơi có vị trí, phong cảnh tự nhiên đẹp và là đầu nguồn nặm Cướm. Điểm dừng chân lý tưởng này nằm sát dòng sông vừa dừng nghỉ vừa thưởng thức ẩm thực và ngắm cá trên sông. Bên cạnh điểm dừng chân bản Cướm, xã cũng đang xây dựng một số điểm check in như cây Thị ngàn năm (có Hướng) ở bản Chao, cây Xoài cổ thụ ở bản Cướm, khu rừng nguyên sinh ở bản Hốc… Ngoài ra xã đang xúc tiến xây dựng bãi tắm ở khu vực đầu nguồn nặm Cướm để làm sinh động thêm chuỗi liên kết các loại hình du lịch sinh thái.

Với một số bài học kinh nghiệm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách nghiêm túc, sát sao và thường xuyên của Đảng ủy; sự nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả của UBND xã; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng; (2) Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cần thật cụ thể, rõ ràng, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi và mỗi cán bộ, đảng viên phải tranh thủ tuyên truyền như ngồi nói chuyện, ngồi ăn cơm, uống nước đều tìm cách đưa nội dung bảo tồn cá Mát vào câu chuyện hàng ngày; (3) Tranh thủ sự ủng hộ và tiếng nói của người có uy tín, của già làng, trưởng bản và các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã đã nghỉ hưu, những người đứng đầu dòng họ để tác động, thông qua tiếng nói, uy tín của họ để vận động, giáo dục, nhắc nhở con cháu phải chấp hành chủ trương, các quy định của địa phương; (4) Công tác tuần tra, kiểm tra phải thường xuyên, liên tục; công tác xử lý vi phạm phải nghiêm minh, đủ sức răn đe; (5) Triển khai thực hiện phải nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, có trách nhiệm từ cán bộ đến người dân và phải đảm bảo về kinh phí để thực hiện.

Giải pháp nhân rộng: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy; tăng cường sự hiệu quả hơn nữa trong quá trình thực hiện của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; Tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành của Nhân dân trong việc bảo tồn; phát huy tối đa uy tín, tiếng nói của già làng, trưởng bản, người có uy tín, người đứng đầu dòng họ; Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, tuần tra của các tổ theo sự phân công và theo kế hoạch; Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị làm việc với các bản và bà con nhân dân nhằm thống nhất phương án, vị trí, khu vực bảo tồn cấm đánh bắt, khu vực nới lỏng cho người dân đánh bắt theo đúng quy chế. Có giải pháp bàn giao lại khu vực bảo tồn cho các bản và người dân quản lý để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng; Vận động hỗ trợ kinh phí từ cấp trên và các nguồn xã hội hóa lắp đặt camera theo dõi đối với các khu vực, vị trí bảo tồn để bảo vệ tuyệt đối những khu vực này; Tổ chức “Ngày hội bắt cá” và cuộc thi “Hoa khôi cá Mát” để đánh giá và phát huy hiệu quả của mô hình; Khảo sát xây dựng chuỗi liên kết các loại hình từ đó hướng đến phát triển du lịch sinh thái trong tương lai, như bãi tắm, các loại cây cổ thụ và rừng nguyên sinh.
Mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá Mát nặm Cướm” học tập mô hình của huyện Tương Dương. Sau 1,5 năm triển khai thực hiện mô hình đã cho sự phát triển của nhiều loại trên đoạn suối được bảo vệ với chiều dài gần 1km gồm các loại cá Láu, cá Còm, Chạch sông,... đặc biệt loại cá Mát- một trong những loại cá đặc sản của vùng suối đầu nguồn, cá sạch và ngon thịt của vùng miền núi./.

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây