MỘT SỐ THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG DIÊM NGHIỆP TẠI TỈNH NGHỆ AN

Thứ sáu - 29/01/2021 04:11 397 0
Nghề làm muối (diêm nghiệp) là một nghề có truyền thống lâu đời của các huyện ven biển tỉnh Nghệ An, gắn chặt với nguồn nước biển và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, nắng trời ở các vùng ven biển.Với chiều dài 82 km bờ biển, Nghệ An là tỉnh có diện tích, sản lượng muối vào loại lớn của cả nước. Diện tích sản xuất muối của Nghệ An hiện có 748 ha, trong đó muối của diêm dân là 638 ha, muối của doanh nghiệp là 110 ha. Quỳnh Lưu 635ha muối, Diễn Châu có 153 ha (số liệu năm 2014). Sản lượng sản xuất của toàn tỉnh trung bình hằng năm đạt 75.000 - 85.000 tấn. Nghề làm muối đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo và ổn định xã hội, cung cấp lượng muối khá lớn cho trong tỉnh, cả nước và kể cả xuất khẩu, góp phần khai thác được lợi thế vùng ven biển Nghệ An.
MỘT SỐ THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG DIÊM NGHIỆP TẠI TỈNH NGHỆ AN
 Năm 2014, toàn tỉnh có 02 huyện ven biển là Quỳnh Lưu và Diễn Châu có hoạt động sản xuất muối biển.
Bảng 10: Diện tích sản xuất muối huyện Quỳnh Lưu năm 2014
TT Tên xã Diện tích
(ha)
Năng suất
(tấn/ha)
Sản lượng
(tấn)
1 Quỳnh Minh 56,5 97 5.481
2 Quỳnh Nghĩa 54,1 96,5 5.221
3 An Hòa 160 110 17.600
4 Quỳnh Yên 28,4 95 2.698
5 Quỳnh Long 12 96 1.152
6 Sơn Hải 20 99,5 1.990
7 Quỳnh Thuận 120 105 12.600
8 Quỳnh Ngọc 19 96,8 1.839
9 Quỳnh Thọ 55 97 5.335
10 XN muối Vĩnh Ngọc 110 101 11.110
  Tổng 635   65.025
(Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, 2014)
Tính tới năm 2014, toàn huyện Quỳnh Lưu có 635 ha phân bố tại các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, An Hòa, Quỳnh Yên, Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc và xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc (xã Quỳnh Yên). Diện tích sản xuất muối lớn nhất huyện thuộc về xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc 110 ha chiếm 17,3% tổng diện tích toàn huyện. Thời gian sản xuất muối cao điểm là từ tháng 4 tới tháng 7 (dương lịch). Từ tháng 1 – 3 trong năm, người dân tiến hành tu sửa hố nai. Người dân địa phương sản xuất muối tự đưa đi tiêu thụ. Thị trường chủ yếu là phân bố trong huyện, thành phố tỉnh Nghệ An và đưa ra Bắc. Giá tiêu thụ từ 1.500đ/kg – 2.000đ/kg.
Bảng 11: Diện tích sản xuất muối huyện Diễn Châu năm 2014
TT Tên xã Diện tích
(ha)
Năng suất
(tấn/ha)
Sản lượng
(tấn)
1 Diễn Vạn 68 66 4.488
2 Diễn Kim 42 63,2 2.654
3 Diễn Bích 39 54,5 2.126
4 Diễn Kỷ 4 57,5 230
  Tổng 153   9.498
(Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu, 2014)
Diễn Châu có 5 xã làm nghề sản xuất muối nhưng nay chỉ còn 4 xã sản xuất là Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Kỷ. Xã Diễn Ngọc hiện không sản xuất nữa do không có hiệu quả. Dân số vùng làm muối hiện nay tại huyện Diễn Châu là 6.580 người, giảm 2,4 % so với năm 2013 do một số hộ dân Diễn Kỷ bỏ hoang.
Lao động sản xuất nghề muối là 2.900 người giảm 88 người so với năm 2013, do một số hộ Diễn Kỷ hiện không sản xuất. Năm 2014, diện tích sản xuất muối là 153ha, giảm 2,48 ha so với năm 2013 do dân bỏ hoang. Năng suất bình quân 62,1 tấn/ha/năm,  đạt 98,3 % so với năm 2013, nhưng chỉ đạt 87,5% so với kế hoạch năm, số ngày nắng nhiều, nhưng mưa nhiều nên số đợt nắng lại ít, năng suất tuy cao hơn năm ngoái nhưng vẫn thấp so với trước đây. Mặt khác do nước biển ngày càng bị ngọt hóa bởi các kênh nên năng suất vẫn thấp.
Hiện nay, toàn huyện Diễn Châu có 6 HTX dịch vụ muối. Các HTX chủ yếu chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách.
Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, những tác động của nó làm cho ngành diêm nghiệp ngày càng sa sút về chất lượng, số lượng cũng như diện tích sản xuất muối. Đây là một trong những nguy cơ hiện hữu và lâu dài của mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững của xã hội. Làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất muối  của  diêm  dân  trong tỉnh  nhằm  phát  huy  lợi  thế  về  biển  của  địa phương là một vấn đề có nhiều góc độ mới về khoa học cũng như thực tiễn. 
Biến đổi khí hậu có tác động to lớn đến lĩnh vực diêm nghiệp tỉnh Nghệ An. Chúng ta có thể thấy rõ được những yếu tố tác động lên hoạt động sản xuất và hiệu quả sản xuất của diêm nghiệp như:  việc xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão trái mùa, lũ lụt triều cường… với tần xuất và cường độ ngày càng lớn hơn là những yếu tố có tác động xấu đến sản xuất muối. Một mặt các hiện tượng thời tiết bất thường này làm giảm hiệu quả sản xuất của diêm dân, làm giảm chất lượng muối do bị lẫn phù sa, tăng chi phí sản xuất,….  nhưng mặt khác làm cho cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống đê, kè, cống, mương… bị tàn phá, xuống cấp ngày càng nặng nề hơn, dẫn đến giảm khả năng sản xuất của các đồng muối, do vậy làm ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân.
BĐKH làm giảm mạnh diện tích làm muối trên toàn tỉnh. Tiêu biểu, năm 2014 tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu có 16 ha sản xuất muối của diêm dân phải bỏ hoang. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ngọt hóa, mưa bão thường xuyên không theo quy luật làm giảm lượng muối, ô nhiễm nước sông đổ ra biển làm giảm chất lượng muối... nhiều khó khăn đưa đến với nghề làm muối trong điều kiện BĐKH như hiện nay.
Biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng muối, gây ra tình trạnh giảm giá, hàng ế, hàng tồn đọng ngày càng nhiều do không bán được. Cụ thể, trong năm 2015 tại huyện Quỳnh Lưu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất muối. Từ đầu năm tới nay, thời tiết trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cơn mưa rào trái mùa thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là ở thời điểm muối chính vụ làm cho mực nước ở trong các ô nại và sân phơi luôn trong tình trạng ứ đọng, nên diêm dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, dẫn đến năng suất, sản lượng muối của các địa phương bị sụt giảm mạnh, không đạt kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Tại xã Quỳnh Thuận, cánh đồng muối lớn nhất Quỳnh Lưu, có 6 thôn, với 2/3 dân làm muối, năm nay thu được khoảng 15.000 tấn, mới bán được khoảng 10.000 tấn, còn tồn 5.000 tấn. Nghịch lý nữa là vào vụ giáp hạt thì giá muối thường lên cao, nhưng năm nay muối đã ế lại hạ giá. Thu nhập từ đồng muối quá thấp, không có đất sản xuất và không biết xoay xở vào đâu, dân Quỳnh Thuận ồ ạt bỏ xứ đi làm ăn. Nghề làm muối vốn được xem là nghề " đổi bát mồ hôi lấy bát cơm" nay đang bế tắc.

Toàn huyện Quỳnh Lưu - vùng có cánh đồng muối lớn nhất của Nghệ An có 9 xã sản xuất muối , 4.074 hộ làm muối trên diện tích khoảng 635ha, mỗi năm sản xuất được khoảng 65.000 tấn. Đến tháng 12.2014, cả huyện vẫn tồn kho 11.200 tấn muối. Bất cập là trong khi diện tích sản xuất muối ở Quỳnh Lưu ngày càng bị thu hẹp thì việc nhập ồ ạt muối từ miền Nam và từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ với giá cả rất thấp càng làm cho diêm dân lao đao. Để cứu cánh đồng muối Quỳnh Lưu, người dân ở đây cho rằng, không có cách nào khác ngoài giải pháp đổi mới công nghệ, phương pháp sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng muối và hạ giá thành để cạnh tranh với muối của các vùng khác.
Thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài đã không ủng hộ, giá cả thị trường lại tiếp tục bấp bênh. Thời điểm cao nhất, giá muối chỉ được khoảng 1500 đồng/kg, lúc xuống thấp nhất là 1000 đồng/kg (giá muối năm 2015). Những khó khăn dồn dập làm cho khí thế sản xuất muối bị giảm sút. Đây vừa là kết quả của một vụ mùa không thuận lợi về thời tiết và thị trường, đồng thời, tiếp tục phản ánh thực trạng lao động trẻ, khỏe ở vùng trọng điểm muối đang rời bỏ nghề truyền thống để làm những nghề phụ cho thu nhập cao hơn.

Các đợt mưa lớn xuất hiện dày đặc trong thời gian vừa qua không những ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất mà số muối tích trữ trong kho cũng bị hao hụt nhiều. Mặc dù, các cơn mưa đều vào ban đêm và chiều tối, ban ngày có nắng nhưng cứ khoảng 1 tháng các gia đình sản xuất muối chỉ tham gia sản xuất được khoảng 7 - 8 ngày, bởi lượng mưa nhiều làm giảm độ mặn, độ màu không có.
Kết quả điều tra xã hội  học cho thấy, việc sản xuất muối trong những năm gần đây khó khăn hơn trước nhiều. Có 77,4% ý kiến là khó khăn hơn trước. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân là do mưa trái mùa xuất hiện nhiều, cơ sở hạ tầng xuống cấp, nước biển bị ngọt hóa và bị ô nhiễm...Kết quả khảo sát các nguyên nhân gây khó khăn do sản xuất muối là ô nhiễm nước (53,5%); cơ sở hạ tầng kém (50%), lụt bão, mưa trái mùa xuất hiện nhiều (53,8).

Hình 24: Các yếu tố ảnh hưởng tới việc sản xuất muối
Trước tình hình ngành muối đang chịu sụt giảm mạnh về diện tích, chất lượng cũng như số lượng, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ngành muối theo Quyết định 1492/QĐ-BNN-CB ngày 4/5/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
 
Riêng tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới cần có kế hoạch cụ thể thực hiện triển khai các nội dung tái cơ cấu ngành muối của Bộ Nông nghiệp & PTNT đề ra trên cơ sở phù hợp với đặc thù địa phương mình. Vấn đề nữa là cần có sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là của chính bà con diêm dân; quán triệt nhận thức cao các giải pháp đề ra trong kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ phát huy tác dụng, gia tăng được giá trị sản phẩm và phát triển ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối một cách bền vững. 
 Sau đây là một số giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong ngành diêm nghiệp của tỉnh Nghệ An:
 Giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH trong lĩnh vực diêm nghiệp:
Để phát triển nghề muối thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu, trong thời gian tới, cần sớm tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
+ Giải pháp về chính sách:
- Cần có kế hoạch cụ thể thực hiện triển khai các nội dung tái cơ cấu ngành muối của Bộ Nông nghiệp & PTNT theo muối theo Quyết định 1492/QĐ-BNN-CB ngày 4/5/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT đề ra trên cơ sở phù hợp với đặc thù địa phương mình.
- Tiến hành rà soát lại quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020 theo hướng có tính đến các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất muối của cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành quy hoạch lại các đồng muối, xây dựng đề án chuyển đổi những đồng muối bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất không hiệu quả, khả năng cạnh tranh thấp sang phát triển ngành, nghề khác. Tạo cơ hội cho người dân ở vùng muối chuyển nghề và tiếp cận việc làm có thu nhập tốt hơn./.
- Nghiên cứu bổ sung các chính sách về: đầu tư, khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cho ngành muối. 
+ Giải pháp về Cơ sở hạ tầng:
- Định hướng đầu tư phù hợp đối với những đồng muối có nguy cơ bị ngập do tình trạng nước biển dâng nhằm tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, cũng như làm tăng hiêụ quả đầu tư.
- Gia cố sân lề làm muối thích ứng với sự thay đổi mực nước biển hiện nay và đây là yếu tố chính để nâng cao năng suất, chất lượng muối.
+ Giải pháp về khoa học công nghệ:
- Đẩy mạnh việc xây dựng các đồng muối công nghiệp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất muối, cũng như chất lượng sản phẩm muối, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực diêm nghiệp.
- Đầu tư kỹ thuật mới, triển khai công nghệ trải bạt, che mưa để sản xuất muối theo hướng hiện đại, kết tinh dài ngày, vừa có năng suất cao, chất lượng lại hiệu quả.
 - Ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ để xây dựng nhà máy chế biến muối tinh - muối tinh sấy chất lượng tạo hiệu quả kinh tế cao và giảm tối thiểu sức lao động nặng nhọc.
- Ưu tiên triển khai công tác khuyến diêm để tăng cường chuyển giao chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin và tập huấn nâng cao trình độ cho diêm dân.
+ Giải pháp về vay vốn, tín dụng:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tăng tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước cho người dân thông qua các chương trình đào tạo, xúc tiến thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư cải tạo cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng muối, bao gồm: đê, cống, công trình thuỷ lợi đầu mối, đường giao thông….
- Tăng thêm nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện chính sách trải bạt nilon ô kết tinh.
- Ngoài các chính sách hỗ trợ vốn để diêm dân chuyển đổi sản xuất thì mô hình liên minh cũng cần được triển khai, trong đó diêm dân có thể góp đất, góp vốn tùy theo khả năng của mình để trở thành các cổ đông, công nhân muối công nghiệp…
+ Giải pháp  thông tin tuyên truyền và phổ biến kiến thức:
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá một cách thiết thực tình trạng của sản xuất muối của tỉnh tương ứng với các kịnh bản phát thải. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ quan quản lý nhà nước và diêm dân những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất muối để nâng cao nhận thức cũng như có những hành động phù hợp với những diễn biến của biến đổi khí hậu.

- Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân ven biển về BĐKH và ảnh hưởng của BĐKH đối với SXNN và đời sống của người dân để mỗi người dân nâng cao nhận thức, nâng cao kiến thức và hành động tìm biện pháp phòng, tránh và cách thích ứng phù hợp.
- Tăng cường vai trò của cộng đồng, trao quyền để cộng đồng dân chủ bàn bạc, tìm tòi các giải pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất muối. Cộng đồng phát huy sức mạnh giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế hộ, thay đổi sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho người dân ven biển về phòng, tránh và biện pháp giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của BĐKH đến SXNN và đời sống, đặc biệt là hướng dẫn để cộng đồngngười dân địa phương cùng hợp tác tư duy, cùng thảo luận tìm giải pháp và cùng hành động thích ứng trong SXNN. Có như vậy mới khai thác được sức mạnh cộng đồng và sự hợp tác để thực hiện đồng bộ giải pháp thích ứng với BĐKH trong SXNN của người dân địa phương trên địa bàn lãnh thổ rộng lớn mang lại kết quả như mong muốn.




 

Tác giả bài viết: Đặng Thu Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây