Tăng huyết áp gây suy thận, cần làm gì để tránh?

Thứ hai - 29/07/2024 06:02 56 0
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận và cũng là yếu tố thúc đẩy tình trạng bệnh diễn tiến xấu hơn. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa, kiểm soát chỉ số huyết áp ở ngưỡng cho phép giúp bảo tồn chức năng của thận là vô cùng quan trọng.
Tăng huyết áp gây suy thận, cần làm gì để tránh?
Tăng huyết áp gây suy thận và ngược lại, khi chức năng của thận bị suy yếu cũng làm huyết áp tăng cao. Nguyên nhân là huyết áp tăng cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận. Hơn nữa, huyết áp tăng cao khiến các mạch máu tại thận phải chịu áp lực lớn, phá hủy bộ lọc ở cầu thận, khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như lượng nước dư thừa ra ngoài.
Mặt khác, một khi các chức năng của thận bị suy yếu sẽ làm cho thể tích máu trong lòng mạch tăng, từ đó lại làm huyết áp tăng cao, tạo thành một vòng bệnh lý luẩn quẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận.
Với bệnh nhân suy thận, huyết áp cao lại làm cho bệnh thận trầm trọng hơn. Có thể thấy, tăng huyết áp và suy thận là hai biến chứng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Khi huyết áp tăng dẫn đến biến chứng suy thận và ngược lại, bởi vậy, bệnh nhân cần có biện pháp thích hợp để phòng tránh biến chứng nguy hiểm này.
Biểu hiện suy thận ở người tăng huyết áp
Ghi nhận cho thấy có những bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp, hoặc biết nhưng thấy bản thân khỏe, nghĩ không nguy hiểm nên không điều trị. Đến lúc nhập viện đã phát hiện suy thận.
Bởi vậy, suy thận thường được phát hiện muộn do những tổn thương tiến triển âm thầm, hầu hết người bệnh không tự phát hiện khi suy thận ở mức độ nhẹ. Khi có triệu chứng lâm sàng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Một số triệu chứng thường gặp là phù, thường xuyên mệt mỏi, da thay đổi màu sắc như nhợt nhạt, sạm, tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, huyết áp tăng cao...
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp đến cơ sở y tế trong tình trạng đã suy thận mức độ 3-4, thậm chí là suy thận mạn giai đoạn cuối không hồi phục và buộc phải lọc máu định kỳ. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt và công việc, đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ điều trị.
Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ, tiến hành xét nghiệm để đánh giá được mức độ tổn thương thận.
Ngăn ngừa biến chứng suy thận do tăng huyết áp
Khi đã được chẩn đoán là tăng huyết áp, người bệnh bệnh cần chủ động theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ, đồng thời nên đi khám sức khỏe định kì để kiểm tra được chức năng thận cũng như các bộ phận khác.
Tăng huyết áp dù được điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu vẫn có nguy cơ bị suy thận. Bởi vậy, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhân cần chú ý như sau:
  • Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo;
  • Cần kiểm tra định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra như: Tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh…
  • Với người ≥ 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng – 1 năm/lần.
https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2024/7/25/tang-huyet-ap-000-1721914210401-1721914210707968155855.jpg
Người bệnh bệnh cần chủ động theo dõi huyết áp bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ.
-  Ngoài ra, người tăng huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp không ăn quá nhiều muối vì sẽ làm hàm lượng natri trong máu tăng cao, làm gia tăng áp lực thẩm thấu và kéo nước vào trong lòng mạch máu. Điều này khiến cho thể tích máu tăng lên, tăng áp lực lên thành mạch từ đó, gây tăng huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp, cụ thể chỉ nên ăn 2 -3g muối/ngày. Nên tập ăn rau luộc không chấm nước mắm mặn, các món canh nấu nhạt hơn so với khẩu vị bình thường. Tăng cường hấp luộc, hạn chế các món xào, kho mặn. Không ăn các thức ăn chế biến sẵn, không ăn dưa cà muối và các loại mắm: Mắm tôm, mắm tép…
-  Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
-  Các hoạt động thể lực làm cho động mạch mềm mại, đàn hồi và dẻo dai hơn; làm cho các tĩnh mạch đưa máu về tim nhanh chóng và đều đặn hơn, đẩy máu nhiều hơn đến các cơ quan quan trọng như não, phổi, thận, gan. Từ đó làm giảm áp lực lên thành mạch, hạ huyết áp và duy trì ổn định huyết áp.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây