KỸ THUẬT CHĂM SÓC LÚA XUÂN

Thứ ba - 01/03/2022 10:14 71 0
Để chăm sóc lúa Xuân đạt hiệu quả bà con cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp kỹ thuật sau:
          1. Kỹ thuật điều tiết nước:
+ Từ khi cấy đến khi lúa kết thúc đẻ nhánh, kết hợp làm cỏ sục bùn, trừ cỏ, giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 2cm.
+ Sau khi lúa kết thúc đẻ nhánh, tiến hành rút kiệt nước. Rút kiệt nước, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ (nghĩa là đủ ẩm cho lúa, đi vào ruộng chỉ hơi lún, đất không bị lấm chân). Nếu ruộng khô mặt thì tưới đủ ẩm (tưới rãnh) không giữ nước trên mặt ruộng.
+ Từ khi lúa phân hóa đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước khi thu hoạch 15 ngày. Giữ mực nước trên mặt ruộng thường xuyên khoảng 3 - 5cm.
+ Từ khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước thu hoạch 15 ngày đến khi thu hoạch. Rút kiệt nước để cho ruộng nứt nẻ (đi vào không lún chân).
2. Bón thúc: Đối với ruộng đã bón lót phân đơn trước.
          - Thúc lần 1: Sau khi cấy từ 12-15 ngày thì tiến hành bón 40 - 50% lượng đạm U rê (5-6kg) + 50% Kali(3-4kg) đối với lúa lai. Kết hợp làm cỏ sục bùn, sục sâu phân vào đất. Lượng bón cho lúa thuần là 4,5-5,5 kg Đạm urea + 2,2-2,5 kg kali.
          - Thúc lần 2: Khi bắt đầu phân hoá đòng (trước khi trổ 20-25 ngày) bón số Kali còn lại, nếu lúa xấu bón thêm 1-1,5 kg đạm urê/ sào.
          Đối với những ruộng trước đó đã bón lót NPK: Thúc lần 1 sau khi cấy từ 12-15 ngày bón lượng đạm Urê 70-80% (5-6 kg) + Kali 40% (2,2-2,5 kg).
          - Thúc lần 2: 20-30% số đạm Urê + 60% kali còn lại.
          Ngoài ra có thể dùng phân viên nén dúi sâu cho lúa:
- Lượng bón: Đối với đất giàu dinh dưỡng: 14kg/500m2 (loại 2,4g/viên). Đối với đất nghèo dinh dưỡng : 19kg/500m2 (loại 3,4g/viên).
- Cách bón: Bón sau khi cấy 2 – 3 ngày. Mực nước trên ruộng khi bón từ 1 - 2cm. Bón phân viên giữa 4 khóm lúa, bón sâu xuống ruộng từ 7 - 8cm. Bón xong, lấy tay thoa nhẹ bùn để lấp kín viên phân.
          Lưu ý: Lượng phân viên bón đủ cho cả vụ. Tuy nhiên tùy từng điều kiện có thể bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng hay phân vi sinh.Đối với đất có độ mùn trung bình, bón thêm ít nhất 20kg lân và 7kg kali/500m2.

          3. Phòng trừ cỏ dại
           - Trường hợp ruộng ít cỏ:  Nên dùng tay để nhổ là tốt nhất, kết hợp dùng cào răng sưa sục bùn.
           - Trường hợp ruộng cỏ nhiều: Có thể dùng các loại thuốc trừ cỏ để diệt. Các loại thuốc diệt cỏ phổ biến và quy trình sử dụng trừ cỏ cho ruộng lúa theo hướng dẫn của Ngành BVTV.
          4. Phòng trừ sâu bệnh:
          * Bệnh đạo ôn: Do nấm Pyricularia oryzae gây nên. Bào tử có thể sống từ 3 - 6 tháng, nhưng sợi nấm sống được tới 2 năm.
+ Triệu chứng: Trên lá vết bệnh hình thoi, rộng ở giữa và nhọn hai đầu, vết bệnh có thể nhỏ như mũi kim và rộng đến 1.5cm. Đốm bệnh màu nâu ở giữa xám trắng. Khi nặng vết bệnh kéo dài theo phiến lá. Nhiều vết liền nhau làm cho lá bị khô (gọi là cháy lá), ảnh hưởng đến năng suất. Ở cổ lá vết bệnh làm cho lá khô nhanh. Ở trên thân vết bệnh làm cho cây tóp lại. Ở trên cổ bông vết bệnh cũng có màu xám xanh đến nâu xám, nâu đen thắt lại và lõm vào, làm hư hại toàn bộ mạch dẫn, kết quả làm cho hạt bị lửng, lép, nếu bệnh nặng sẽ bị khô và bạc trắng. Nếu bệnh xuất hiện trễ khi lúa vào mẩy bông lúa bị gãy, điểm bị gãy có màu nâu và thối mục, ở trên hạt vết bệnh có đốm màu nâu.
+ Biện pháp phòng trừ: Sử dụng những giống kháng bệnh. Xử lý hạt giống. Vệ sinh đồng ruộng và cỏ dại để diệt nguồn bào tử và sợi nấm. Phân bón cân đối N.P.K. Phân loại ruộng cao thấp hoặc cấy sớm, cấy muộn, chất đất xấu hay tốt để có chế độ bón phân hợp lý.
- Giữ nước thường xuyên, không để cho mạ hoặc lúa bị hạn.
- Khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng, tiến hành sử lý bằng một trong các loại thuốc sau: Đối với đạo ôn lá: Điều tra khi có tỷ lệ bệnh 3-5% thì ngừng bón thúc đạm hoá học, sau đó phun các loại thuốc như: Beam 75WB, Plash 75WB, Kasai 16,2SC và 21,2WP, Fujione 50EC…theo liều khuyến cáo.
           Đối với đạo ôn cổ bông: Thời kỳ lúa ôm đòng-trổ cần theo dõi thời tiết chặt chẽ. Trong điều kiện gặp nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, sáng sớm có nhiều sương mù,… cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc như phần đạo ôn lá trước và sau trổ 7 ngày.    
* Bệnh bạc lá:  Do vi khuẩn Xanthomonas oryzea gây nên.
          +Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên phiến lá ở ngọn và 2 bên mép lan vào giữa lá, khi mới xuất hiện vết bệnh màu xanh đậm, gặp nắng nóng héo vàng tế bào chết tạo thành màu trắng xám, vết bệnh hình gợn sóng, sáng sớm trên vết bệnh có giọt dịch màu trắng đục, khô màu vàng nâu chứa vi khuẩn và lây lan theo nước.
+ Biện pháp phòng trừ: Dùng giống ít mẫn cảm với bệnh. Xử lý hạt giống trước khi gieo.
 Bón phân cân đối, không bón phân lai rai, nhất là đạm, tăng cường bón kali, phân chuồng, vôi, không bón thúc quá muộn, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật.
- Mực nước trên đồng ruộng chỉ nên giữ  5 - 7 cm.
- Khi có bệnh bạc lá xuất hiện 5-10% số lá có thể dùng các loại thuốc như Xanthomex 20WP, Sasa 20WP, Starnor 20WP, Karide 3SL, 6WP, Riazogold 110WP, Panta 66.6 WP… theo liều khuyến cáo.
           * Bệnh khô vằn: Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
+ Triệu chứng: Bệnh thường gây hại ở bẹ lá và trên lá, thường xuất hiện từ dưới lên trên. Vết bệnh không có hình dạng nhất định có màu xám xanh. Lúc đầu ở bẹ lá gần mực nước, nhỏ một vài cm, nhiều vết bệnh liên kết thành những vệt lớn loang lổ tạo những vẩn mây, rìa có màu nâu, phía trong màu xám xanh hoặc vàng. Nếu bị nặng chồi lúa sẽ cháy khô, bông lép. Bệnh thường hại  ở cây lúa ven bờ nơi có nhiều cỏ dại.
+ Biện pháp phòng trừ: Cày đất, dọn sạch tàn dư, cỏ dại để tiêu diệt nguồn bệnh tồn tại ở lá, thân, bẹ, đất.
- Điều chỉnh mực nước trong ruộng tốt nhất 5-7cm. Nếu mức nước quá cao thuận lợi cho bệnh lây lan, sau đó vài ba ngày lại cho nước vào ruộng sao cho mực nước lúc này cao hơn mực nước lúc đầu, những vết bệnh sẽ bị ngập nước và sợi nấm dễ bị chết nhanh chóng vì sợi nấm rất ưa khí (háo khí).
- Nên bón cân đối N-P-K từ đầu vụ
- Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nhất là giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi, khi phát hiện có 5-7% dảnh lúa bị bệnh cấp 1-3 thì dùng các loại thuốc sau đây để phun Valydaxin 3-5L, Vivadamy 3-5DD, Anvil 5SC, Dovil 5SC, 10SC, Goldvil 50 EC, Forwavil… theo liều khuyến cáo.
Bệnh lùn sọc đen: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do virus gây bênh lúa cỏ (Rice Grassy Stunt Virus) kết hợp với virus gây bệnh lùn xoắn lá (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra.
- Rầy nâu Nilaparvata lugens là môi giới truyền các bệnh trên. Rầy nâu chích hút cây lúa bị bệnh trong thời gian 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể.
- Triệu chứng bệnh biểu hiện rõ rệt sau khi cây lúa bị bệnh 2-3 tuần. Virus gây bệnh tồn tại trong gốc rạ, lúa chét, không truyền qua hạt giống, đất, nước và không khí.
+ Triệu chứng: Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nẩy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị bệnh nặng không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.
+ Biện pháp phòng trừ: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen gây hại cho cây lúa cho đến nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm:
(1)Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ;
(2)Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ nhất là giai đoạn trước trỗ để gia tăng sức đề kháng của cây;
(3)Tiêu huỷ nguồn bệnh trên đồng ruộng, cụ thể ở giai đoạn lúa còn non: nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 20% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu huỷ tiêu huỷ ngay bằng cách cày, bừa cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác; nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 20% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ;
          (4) Giai đoạn lúa sau cấy trên 40 ngày thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh; đồng thời nếu phát hiện rầy cám thì phải phun thuốc trừ rầy.
          (5) Nếu ruộng lúa bị bệnh qua nặng thì tiêu huỷ bằng cách cày, bừa cả ruộng; trước khi cày, bừa phải phun thuốc trừ rầy nếu có rầy trên lúa đẻ nhánh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.
           * Ngoài ra còn có một số bệnh hại như: Bệnh thối bẹ, thối thân, lem lép hạt, tiêm lửa, vàng lụi, ngẹt rễ, lúa von, tiêm hạch, vàng lùn, vàng lá da cam, đốm sọc vi khuẩn, tiêm hạch,.... Biện pháp phòng trừ chúng là áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như: Bón phân cân đối, hợp lý; xử lý hạt giống trước khi ngâm; gieo trồng đúng mật độ, đúng thời vụ; dùng thuốc hoá học,...
           Một số loại sâu hại phổ biến trên đồng ruộng:
+ Bọ trĩ: Bọ trĩ thư­ờng sống tập trung ở ngọn và mép lá, phá cả lúa và mạ, vào thời tiết nóng và khô hạn, thư­ờng phá lúa xuân vào tháng 3-4 và mạ mùa, lúa mùa mới cấy vào tháng 6-7. Ruộng bị trĩ nặng lúa táp khô, phát triển kém.
* Biện pháp phòng trừ:  Phun thuốc: Ofatox, Bassa, Basudin,  Padan
+ Rầy nâu: Tập tình thường tập trung chích hút ở thân cây, bẹ lá.
          - Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm các ổ rầy ngay từ đầu vụ.
- Khi có mật độ 8 - 10 con/khóm ở thời kỳ lúa đẻ nhánh - làm đòng thì sử dụng một trong các loại thuốc sau: Chess 50WG, Oshin 20 WP, Elsin 10 EC, Sutin 50 SC, Chatot 600 WG, Cyo super 200 WP,… để phun trừ theo liều khuyến cáo. Đây là các thuốc có tác dụng lưu dẫn nên cần phun sớm khi rầy ở tuổi nhỏ. Khi phun không cần phải rẽ lúa song phải đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 – 30 lít/500m2) và hạ thấp vòi phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.
- Khi có mật độ rầy từ 17-25 con/khóm thời kỳ lúa trổ đến chín sáp, dùng 1 trong các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như: Victory 585 EC, Penalty gold 40 EC, Bassa 50 EC,… để phun trừ. Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 – 30 lít/500m2) rẽ lúa thành băng và phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.
+ Sâu đục thân lúa bướm 2 chấm: Sâu non đục vào thân cây cắn đứt các mạch dẫn dinh dưỡng, nước làm cho nõn, dảnh, bông lúa bị khô héo.
          Biện pháp phòng trừ:  Dùng giống chống chịu. Bố trí cơ cấu mùa vụ thích hợp. 
- Cày lật gốc rạ phơi ải hoặc làm dầm (ngâm nước) sau thu hoạch diệt nhộng.
- Ngắt dảnh héo, ngắt ổ trứng, bẫy đèn đồng loạt bắt bướm. 
- Mật độ ổ trứng từ 0,5-0,7 ổ/m2 (lúa đẻ nhánh) hoặc 0,2- 0,3 ổ trứng/m2 (lúa sắp trỗ) cần phòng trừ bằng thuốc hóa học: Phun các loại thuốc: Padan 95SP, Regent 800WP, Sha chong jing 50WP, Scorpion 18 EC, 36EC,  Vetsemex 20EC, 40EC , Anphatox  2.5EC, Natera  46% SG sau khi bướm rộ 5-7 ngày. Liều lượng theo khuyến cáo ghi ngoài bao bì nhãn mác.
           + Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non mới nở ra nhả tơ cuốn 2 mép lá lúa lại làm tổ sống ở trong ăn diệp lục trừ lại lớp biểu bì.
           Biện pháp phòng trừ:  Diệt cỏ dại triệt để trong ruộng và xung quanh bờ (đặc biệt cỏ lồng vực).
           - Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm, nếu mật độ bướm ra rộ có thể dùng bẫy đèn để thu hút.
           - Bảo vệ thiên địch như: Ong mắt đỏ ký sinh sâu non và nhộng.
           - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu như sau: Ở lúa đẻ nhánh: Khi mật độ 15 con/m2 với lúa gieo thẳng và 5 con/10 khóm với lúa cấy. Ở lúa làm đòng: 10 con/m2 (lúa gieo thẳng) và 3 con/10 khóm (lúa cấy). Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Padan 95SP, Regent 800WG, Dolagan, Clever, Goldan 750 WP, Fitoc 550EC... sử dụng theo liều khuyến cáo ghi ngoài bao bì nhãn mác.
           Ngoài ra còn một số sâu hại khác như bọ xít dài, rầy xanh đuôi đen, bọ trĩ, nhện gié, sâu phao... cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Tác giả bài viết: Trần Nguyễn Minh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây