Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí về biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc miền núi Nghệ An

Thứ năm - 18/11/2021 23:38 227 0
Những lĩnh vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu tại Nghệ An bao gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước và sức khoẻ. Vùng bị dễ tổn thương nhất là khu vực ven biển và miền núi. Ðối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực miền núi tỉnh Nghệ An là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nguồn thu nhập chủ yếu của họ dựa vào sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nơi đây có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Từ đó, đồng bào phải chịu tác động mạnh nhất và dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
          Vì vậy, việc nâng cao năng lực cho đồng bào về biến đổi khí hậu là nhiệm vụ rất cấp thiết. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức,  nâng cao dân trí là một trong những giải pháp đầu tiên cần được quan tâm.
Thứ nhất, phải xác định rõ đối tượng tuyên truyền để xây dựng nội dung phù hợp: Đối tượng tuyên truyền là người dân 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các vùng núi, trung du, rừng đầu nguồn, các lưu vực sông, vùng sâu, vùng xa... nơi luôn bị tác động mạnh mẽ của thiên tai; việc tuyên truyền gặp khá nhiều khó khăn, do mỗi dân tộc có đặc trưng văn hoá riêng. Cần phải hiểu được truyền thống, văn hóa của mỗi dân tộc thì tuyên truyền mới có hiệu quả. Ví dụ: phong tục làm nhà cạnh bờ suối của đồng bào Thái dễ bị lũ ống, lũ quét; người H’Mông làm nhà ở vùng núi cao, vách núi dễ sạt lở rồi tình trạng di cư tự do của đồng bào H’Mông (tập quán của đồng bào H’Mông rất khó thay đổi, ở đâu có người thân, cùng dòng họ thì họ tìm đến phát nương làm rẫy, khi nào thấy không thuận lợi lại quay về chốn cũ)… Phải kết hợp hài hòa giữa các nội dung khoa học về phòng chống biến đổi khí hậu với kinh nghiệm quý báu của đồng bào để tăng tính thuyết phục. Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, ở mỗi vùng lại có khả năng ảnh hưởng khác nhau của biến đổi khí hậu và có những giải pháp phòng ngừa, thích ứng chung và riêng, do đó cần trang bị cho đồng bào nắm vững những giải pháp phòng ngừa và thích ứng cho bản thân, gia đình và địa phương mình, nhất là đối với các địa bàn có diễn biến thời tiết, khí hậu đặc thù, cung cấp thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra như tố lốc tại Quế Phong; sương giá gây rét đậm rét hại tại Kỳ Sơn; lũ ống lũ quét, sạt lở tại các con suối ở miền núi… để đồng bào có phương án khi xây dựng, giằng chống nhà cửa, bảo vệ cây trồng vật nuôi. Tuyên truyền để đồng bào thấy được biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất, để đồng bào chủ động thực hiện các phương án ứng phó (mưa, nắng, nóng, lạnh thất thường không theo quy luật, sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Lũ quét, sạt lở đất làm cho các công trình giao thông, thủy lợi hỏng, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân; rừng nguyên sinh bị suy giảm làm mất đa dạng sinh học, giảm nhanh các cá thể chim, thú). Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Nghệ An có nhiều thay đổi. Chẳng hạn: người dân đã chuyển đổi phương thức canh tác, trước đây đốt rừng làm rẫy, trồng lúa rẫy, ngô, sắn… thì hiện nay, đối với diện tích có đủ nước đãchuyển sang sản xuất lúa nước, đối với vùng đất cưỡng thì duy trì trồng sắn cao sản, thậm chí có thể trồng cây công nghiệp, cây lấy quả như cao su, chanh leo… Từ đặc điểm đối tượng tuyên truyền là đồng bào các dân tộc thiểu số, đòi hỏi thông điệp tuyên truyền về phòng chống, thích ứng với biến đổi đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai phải hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, tiếp nhận và thay đổi được ngay hành vi.
Thứ hai, hình thức và phương pháp phải đổi mới, thiết thực: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, làm cho mỗi người dân hiểu được thế nào là biến đổi khí hậu, nguyên nhân, tác hại và giải pháp phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng các loại hình tuyên truyền như: báo chí, xuất bản, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ động trực quan... Phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng với hơn 7 cơ quan báo chí của tỉnh, 40 cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, hàng trăm trang tin điện tử và báo điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, hiệp hội. Đây chính là lực lượng đóng vai trò hết sức quan trọng trong tuyên truyền về biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, nhất là những thông tin cần phổ biến nhanh và trên diện rộng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có chính sách khuyến khích sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh... về đề tài biến đổi khí hậu, có giá trị tuyên truyền, giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa rộng. Tăng cường hoạt động cổ động trực quan: xây dựng, làm mới nội dung, hình thức các cụm panô, các khẩu hiệu hành động sao cho có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục. Tổ chức triển lãm, các phong trào hành động của các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan, đoàn thể, trường học cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó cho nhân dân. Đoàn thanh niên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, đội viên sinh hoạt về chủ đề này bằng hình thức giao lưu văn nghệ, thể thao, sinh hoạt đoàn, đội, tổ chức phong trào “sinh viên tình nguyện”, “mùa hè xanh”, đi thực tế giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai... Các cấp uỷ thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của đồng bào trước những diễn biến phức tạp, bất thường của các hiện tượng biến đổi khí hậu để định hướng tuyên truyền, đảm bảo cho người dân chủ động phòng ngừa và thích ứng với tinh thần không chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang trong dư luận, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại, rủi ro, nhất là tính mạng, tài sản của đồng bào. Tổ chức tuyên truyền vận động, có thể kết hợp tuyên truyền miệng gắn với hướng dẫn, thao tác trực tiếp để phù hợp đồng bào từng dân tộc như H’Mông, Thái, Khơ Mú… Từ đó, mỗi người dân tự giác nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hành động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Người dân phải được thông tin, tiếp cận một cách đầy đủ, có hệ thống chủ động trong việc phòng chống thiên tai. Cung cấp các thông tinliên quan đến bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu bằng tiếng, chữ dân tộc cũng là một giải pháp có hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền có chất lượng: Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ sâu rộng, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ về phương pháp công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, hiểu biết về tiếng dân tộc, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiu số.Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương, giáo viên và học sinh, các tổ chức đóng trên địa bàn, cũng như người dân nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu, kỹ năng chủ động ứng phó, phòng chống những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra, các kỹ năng phòng chống, ứng phó với thiên tai, các kỹ năng về theo dõi thông tin dự báo thời tiết... Không ngừng nâng cao trình độ và cập nhật kịp thời những kiến thức cơ bản về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho cán bộ quản lý tại địa bàn nhằm dự báo một cách chính xác, kịp thời các thiên tai, hiểm họa như bão, lũ, sạt lở, hạn hán, rét đậm, rét hại... Từng bước trang bị thông tin liên lạc hiện đại (đặc biệt là ở các thôn, bản, xã) nhằm đảm bảo liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. 
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào đi kèm với các chính sách phù hợp: Cần có cơ chế đảm bảo các điều kiện vật chất để đội ngũ công tác viên, tuyên truyền viên, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu. Công tác tuyên truyền phải gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt được hiệu quả bền vững, địa phương cần tranh thủ nguồn vốn từ các dự án kinh tế để đầu tư cho vùng dân tộc giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng qua đó nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, gây ô nhiễm, tàn phá môi trường để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Có kinh phí hoàn trả việc làm giảm thiểu phát thải và tích lũy khí nhà kính như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác v.v…
Thứ năm, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu. Trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, việc phát hiện, xây dựng để nhân rộng các mô hình, điển hình tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu... tổ chức hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, bồi dưỡng báo cáo viên; cung cấp thông tin, tài liệu, nhất là những thông tin mới. Tổ chức cho các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên đi nghiên cứu thực tiễn, nắm tình hình, phát hiện những mô hình mới, điển hình, nhân tố mới trong công tác phòng ngừa biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Một số mô hình đã bước đầu khẳng định được hiệu quả, cần được hỗ trợ củng cố và nhân rộng, đó là: Cộng đồng dân cư bảo vệ và phát triển rừng tại xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn), xã Tường Sơn, Khai Sơn (Anh Sơn), bản Khe Ngẫu (Tương Dương )...; Từ năm 2012, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền bảo vệ môi trường qua hệ thống phát thanh cơ sở. Ngành giáo dục lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn học, hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn Quốc gia, trường học xanh - sạch - đẹp; trường học thân thiện, học sinh tích cực… đem lại hiệu quả khá tốt trong việc hình thành thói quen, hành vi giữ gìn và bảo vệ môi trường của học sinh. Tiêu chí môi trường được chỉ đạo đưa vào trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, hương ước của các xóm, làng, bản… Hoạt động của Hội Sinh vật cảnh, Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, du lịch cộng đồng tại vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt… góp phần tích cực trong giáo dục tình yêu và trách nhiệm trong bảo vệ thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường của đồng bào dân tộc thiểu số. /.

Tác giả bài viết: Xuân Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây