MẤY KINH NGHIỆM VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT GIỐNG CÂY CÓ MÚI Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Thứ ba - 22/09/2020 04:36 82 0
Lịch sử phát triển cây có múi (cam, chanh, bưởi) trên thế giới đã được chứng kiến 2 loại bệnh dịch nghiêm trọng nhất, đó là bệnh do virus Tristeza và bệnh greening (bệnh vàng lá gân xanh hay còn gọi là bệnh vàng lá chè ở cam). Bệnh Tristeza đã từng hủy hoại hàng ngàn ha cam mỗi năm ở Châu Âu và Châu Mỹ. Loại bệnh nghiêm trọng thứ 2 là bệnh vàng lá gân xanh có tên khoa học là bệnh greening hiện đã và đang phát triển và phá hoại hàng trăm ha cam ở vùng Phủ Quỳ Nghệ An.
Kinh nghiệm ở Mỹ: Ngay từ năm 1917, ở California (Mỹ) đã thành lập Bộ môn chọn lọc mắt ghép cây có múi. Đến 1933, gần 60.000 cây có múi được tuyển chọn bằng các tiêu chí: cây khỏe, sạch bệnh, năng suất cao, cây có hình tán đẹp… Trong số 60.000 cây nói trên, chọn khoảng 10% số cây đảm bảo tốt nhất về sinh trưởng, phát triển (cây khỏe), rất sạch bệnh, có cấu trúc tán cây đẹp. Những cây này được dùng để lấy mắt ghép phục vụ sản xuất giống cung cấp cho nhu cầu sản xuất ở các nông trại, trang trại, nhà vườn… Nhưng do thiếu kỹ thuật chẩn đoán bệnh nên hàng triệu mắt ghép lấy từ những cây tưởng chừng như khỏe mạnh, nhưng thực chất đã nhiễm bệnh là nguyên nhân gây ra tình trạng lây lan virus truyền bệnh từ cây này qua cây khác.
Năm 1933, tiến sĩ Fawcett H.S đã phát hiện ra nguyên nhân của bệnh vảy sừng (Prorosis) ở cây có múi là một loại bệnh nguy hiểm ở California, lúc đó là do virus gây ra. Năm 1945, Wallace J.M đã phát hiện phương pháp chẩn đoán bệnh virus này một cách hiệu quả để đánh giá cây sạch bệnh chính xác.
Năm 1937, Bộ Nông nghiệp bang California đã thành lập văn phòng dịch vụ vườn ươm. Từ đó chương trình đánh dấu cây khỏe để bảo vệ và cách ly, cây đã nhiễm bệnh phải tiêu hủy và những cây khỏe trở thành những cây mẹ để được đăng ký lấy mắt ghép phục vụ cho việc nhân giống cung cấp cho nhu cầu sản xuất đại trà. Đến nay, thiết bị và phương pháp chẩn đoán đối với hầu hết các bệnh ở cây có múi nhà nước và các công ty kinh doanh cành, mắt ghép đã nắm chắc và quản lý rất tốt cả hệ thống giống cây có múi.
Tất cả cành và mắt ghép do các công ty Mỹ bán ra hiện nay đều được lấy từ các cây vi ghép, cây từ phôi hạt vô tình đã qua vi ghép, cây được bảo quản cách ly và tất cả đều có chứng chỉ sạch bệnh.
Kinh nghiệm ở Tây Ban Nha:
Những năm cuối của thập kỷ 60, bệnh virus Tristeza và một số bệnh khác đã gần như phá hủy công nghiệp cam quýt của nước này. Khoảng 800 vườn ươm khác nhau ở khắp đất nước Tây Ban Nha gặp khó khăn lớn cho khâu kiểm định do họ nhân giống lấy mắt ghép từ những cây đã nhiễm bệnh rồi mà không hề chẩn đoán được.
Sau đó, để kiểm soát nghiêm ngặt vật liệu nhân giống ban đầu, Tây Ban Nha chỉ cho phép 13 vườn ươm được hành nghề với các vật liệu nhân giống đã được cấp chứng chỉ. Năm 1975, Navarro và các cộng sự của ông đã dùng kỹ thuật vi ghép đỉnh dinh dưỡng để tạo vật liệu sạch bệnh virus. Bằng kỹ thuật này, khoảng 90 loại giống cây có múi khác nhau đã được làm sạch bệnh và cung cấp nguồn mắt ghép cho công nghiệp nhân giống cây có múi. Từ sau đó, Tây Ban Nha khôi phục lại nguồn lợi cây có múi và trở thành nước xuất khẩu quả có múi sạch bệnh sang nhiều nước ở Châu Âu.
Kinh nghiệm cốt yếu của Tây Ban Nha là tổ chức các trạm phòng dịch và vườn ươm cách ly chuyên trách cấp nguồn cành mắt ghép sạch bệnh cho cả nước.
Kinh nghiệm Trung Quốc:
Từ 1979 nghề trồng cây có múi ở Trung Quốc được khôi phục mạnh mẽ nhờ cải tổ kinh tế và nhờ thực hiện nghiêm ngặt 10 điều chỉ dẫn của Lin K.S về sản xuất cây có múi sạch bệnh ở hầu hết các tỉnh trong cả nước, đó là:
1. Hình thành vườn ươm và vườm ươm cây giống ít nhất phải cách xa vườn đã có cây bị nhiễm bệnh từ 7-8 km. Tất cả những cây có múi đã mắc bệnh phải tiêu hủy triệt để trong bán kính 5-8 km chung quanh vườn ươm.
2. Sử dụng nước nóng để xử lý hạt gốc ghép (nước nóng 560C trong vòng 50 phút).
3. Sử dụng chồi đã khử trùng (490C trong vòng 50 phút) hoặc lấy mắt ghép từ cây sạch bệnh có nguồn gốc từ phôi vô tính.
4. Áp dụng các biện pháp kiểm dịch để bảo vệ vườn ươm và khu nhân giống bằng việc cấm nhập giống từ bên ngoài vào vùng nhân giống.
5. Bảo vệ vườn ươm và khu nhân giống bằng hàng rào hoặc rào chắn gió và tạo cửa 2 lớp.
6. Tránh để khách vào khu nhà nhân giống trừ khi họ khử trùng dày dép và mang quần áo đặc biệt.
7. Khử trùng dụng cụ, dao kéo và kiểm tra chất lượng nước tưới.
8. Luôn ngăn cách giữa khu vực vườn ươm cũ với khu vực vườn ươm mới và vườn ươm cấp 1.
9. Phải diệt ngay các cá thể nhiễm bệnh (greening, canker, phytophthora…)
10. Phân phối giống sạch bệnh trong túi bầu đặc biệt có ghi tên giống và gốc ghép.
Thực hiện 10 điều chỉ dẫn này, Trung Quốc đã huy động chiến dịch diệt trừ cây bị bệnh và cả những vườn cây bị bệnh, các vùng có khoảng 50% số cây nhiễm bệnh được coi là vùng nóng phải chặt phá bỏ hoàn toàn, kèm theo phun thuốc diệt trừ côn trùng truyền bệnh. Chiến dịch điều tra và diệt cây bị bệnh được thực hiện thường xuyên và liên tục. Vườn cây mẹ được cách ly bằng nhà lưới được xây dựng đảm bảo kỹ thuật và an toàn về sâu bệnh.
Hệ thống vườn ươm, vườn cây mẹ của các tỉnh trồng cam quýt chính như: Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây… đã bảo đảm cây giống sạch bệnh cho sản xuất, nhất là các bệnh nguy hiểm như bệnh vàng lá gân xanh (greening), Tristeza, loét vỏ quả (Canker) và nấm rễ (Phytophthora).
Những quy định của Quốc tế (Theo FAO và IBPGR)
1. Hướng dẫn kỹ thuật về di chuyển an toàn nguồn gen cây có múi được quy định như sau:
Vật liệu cần được thu thập, xử lý và vận chuyển thận trọng tránh sự lây lan của sâu bệnh hại; không di chuyển nguồn gen dưới dạng cây có rễ. Khi có thể, nguồn gen của các giống nên được di chuyển bằng hạt. Chỉ di chuyển các cơ quan dinh dưỡng của cây sau khi đã qua các khâu xử lý và kiểm tra bệnh cẩn thận. Toàn bộ nguồn gen phải được thu thập từ các cây khỏe ở các vùng an toàn nhất, sau đó qua các khâu kiểm tra, xử lý bệnh. Tránh thu thập nguồn gen từ những vùng không an toàn bệnh dịch. Trong trường hợp vật liệu buộc phải lấy từ vùng nhiễm bệnh mà chưa có phương pháp kiểm tra hoặc không có, hoặc có ít thông tin về xuất xứ của cây thu thập thì sau khi đã thu thập cần áp dụng bổ sung một chu trình xử lý bệnh và lưu giữ cây trong điều kiện có thể giám sát được. Vật liệu được lấy từ một trung tâm đã qua chu trình xử lý và kiểm tra bệnh cũng cần được lưu giữ ở diện hẹp hoặc cách ly ít nhất 3 đợt phát chồi trước khi đưa ra diện rộng.
2. Bảo quản và giám định nguồn gen sạch bệnh:
Các quy định bảo quản nguồn gen sạch bệnh được chia thành 4 cấp vườn: (1) vườn giống gốc sạch bệnh cấp 1: trong nhà lưới; (2) vườn giống gốc cấp 2: trong nhà lưới hoặc ở nơi cách ly không gian nghiêm ngặt; (3) vườn mẹ nhân giống mắt ghép: trong nhà lưới hoặc ở nơi cách ly không gian nghiêm ngặt; (4) vườn ươm được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về giống cây có múi sạch bệnh.
3. Vườn giống gốc cấp 1 cho sản xuất thương mại:
Loại vườn giống gốc cấp 1 cho sản xuất thương mại được nhà nước quản lý, gồm các cây sạch bệnh được cung cấp từ chương trình kiểm dịch nguồn gen sạch và được chứng nhận là sạch bệnh, có chất lượng cao. Vườn giống gốc cấp 1 được bảo quản trong nhà lưới, là nguồn giống cung cấp mắt ghép cho vườn giống gốc sạch bệnh cấp 2.
4. Vườn giống gốc sạch bệnh cấp 2:
Có thể do tư nhân hoặc nhà nước quản lý, được bảo quản trong nhà lưới. Vườn giống gốc sạch bệnh được trồng trong nhà lưới nhằm tránh các tác nhân truyền bệnh. Các cây giống gốc chỉ được phép sử dụng cung cấp nguồn mắt ghép sau khi cây đã ra quả, chứng tỏ đúng là cây giống chuẩn.
5. Vườn nhân giống mắt ghép
Cây giống trong vườn này được nhân giống trực tiếp từ các vườn giống gốc. Thông qua vườn nhân giống mắt ghép cho phép nhân lên số lượng lớn cành mắt ghép chất lượng cao. Vườn nhân mắt ghép được xây dựng trong nhà lưới. Cây trong vườn nhân giống cần được theo dõi và kiểm tra định kỳ.

Tác giả bài viết: Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây