Bài 2: Bất cập trong xây dựng và sử dụng nhà văn hóa cộng đồng

Thứ ba - 12/09/2023 03:36 474 0
Bài 2: Bất cập trong xây dựng và sử dụng nhà văn hóa cộng đồng
Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã gây thiệt hại lớn về tài sản của bà con và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Để giảm bớt thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa bão lũ, một số địa phương ở Quảng Bình đã kêu gọi người dân và các nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng nhà vượt lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng, những ngôi nhà khang trang này chưa phát huy hết công năng.
 Đồng hành cùng người dân huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng 6 nhà tránh bão, lũ cộng đồng theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Mỗi ngôi nhà có giá trị 3 tỷ đồng với diện tích sàn sử dụng hơn 200m2. Sàn nhà cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2020 hơn 1-2m với sức chứa hơn 200 người, có bể trữ nước ngọt, bếp ăn và hệ thống vệ sinh khép kín, mái đổ bê tông, chịu được bão cấp 15.
Hiện nay, trên địa bàn 2 huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh đã có 3 ngôi nhà chống bão, lũ cộng đồng. Trong đó, 2 ngôi nhà ở thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) và thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, Quảng Ninh) được Tập đoàn Trường Thịnh xây tặng; Nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng ở thôn Ngô Bắc (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy) được người dân và Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình kêu gọi hỗ trợ xây dựng.
Chỉ vào ngôi nhà khang trang được doanh nghiệp xây tặng, ông Phan Văn Hoa (70 tuổi, thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, Quảng Ninh) nói: “Căn nhà này đã được xây dựng hơn 1 năm, từ khi xây dựng đến bây giờ thì chúng tôi vẫn chưa được sử dụng bởi năm 2021 bão lũ nhỏ. Đến nay, căn nhà này vẫn để hoang, không thấy người đến trông coi, bảo quản, sửa sang. 
Ông Nguyễn Duy Hợi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Ninh cho biết: “Chúng tôi đã lên ý tưởng để đưa nhà chống bão, lũ này vào sử dụng các hoạt động khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập bởi vào mùa mưa thì căn nhà bị thấm ướt, mùa hè chưa có nguồn nước sạch, đồ gia dụng trong nhà như bồn rửa, nhà vệ sinh lâu không được sử dụng cũng đã bị hoen gỉ. Sắp tới, Ủy ban sẽ có phương án để sửa chữa, xây dựng lại để người dân trong thôn Hữu Tân có nơi để lui tới sinh hoạt”.
Tương tự, hơn 1 năm nay, nhà chống bão, lũ cộng đồng ở thôn Vinh Quang (xã Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cũng không được mở cửa bởi không có thiên tai. Trong khi người dân nơi đây vẫn thiếu những địa điểm sinh hoạt cộng đồng, hoặc phải sinh hoạt lồng ghép với cơ sở vật chất khác khiến việc sinh hoạt của người dân bất tiện, chật chội,… 
Vậy nhưng, có những công trình văn hóa thôn được đầu tư xây dựng quy mô, cơ sở vật chất khang trang thì lại bị bỏ hoang, không sử dụng. Thực tế này cho thấy, việc bảo quản, giữ gìn phát huy những giá trị của những công trình văn hóa nơi đây chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cho hay: “Nhà chống lũ nằm trên nền đất cùng với nhà văn hóa (NVH) thôn. Tuy rằng, NVH thôn đã xuống cấp, cơ sở vật chất không được tiên tiến nhưng vì nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư nhà chống bão, lũ thành nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng như thôn Ngô Bắc. Sắp tới, địa phương sẽ lên kế hoạch kêu gọi tài trợ xây dựng để sử dụng tránh lãng phí, tạo nơi sinh hoạt mới cho cả thôn”.
Chưa thống nhất được mô hình: Triển khai công việc vận động nguồn quỹ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) đã cùng với thôn gửi thư vận động con em xa quê, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng thôn Ngô Bắc với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Ngôi nhà được xây dựng 2 tầng kiên cố, tổng diện tích 2 mặt sàn là 350m2. Tầng 1 ngôi nhà là nơi thường ngày bà con sinh hoạt cộng đồng. Tầng 2 gồm có phòng tránh trú bão lũ, bếp nấu ăn và khu vệ sinh chung.  
Là người trực tiếp quản lý nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng, ông Trần Văn Sơn (65 tuổi, thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ: “Nhà văn hóa này mở cửa thường xuyên để người dân trong làng lui tới, đây cũng là nơi gặp gỡ của các bô lão trong làng. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các sự kiện chung thì NVH này cũng được cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu để tổ chức hiếu hỉ… Vào mùa mưa lũ, ngôi nhà này còn là nơi để người dân sống trong khu vực nguy hiểm đến tránh trú”.
Để sử dụng nhà tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng một cách hiệu quả, tránh hình thức, phong trào, ông Trần Quang Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau khi khảo sát để xây dựng NVH cộng đồng hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ đề ra bộ tiêu chí để tránh lãng phí như: NVH có thể sử dụng một lúc nhiều việc, gần khu vực dân cư để người dân sinh hoạt, khu vực tránh trú phải thuận tiện để người dân có thể đến bất cứ lúc nào.
“Ngoài ra, ngôi nhà cũng phải kết hợp được nhiều công năng sử dụng. Ngoài việc sử dụng tránh lũ, ngôi nhà còn là nơi sinh hoạt động đồng, vui chơi và tổ chức các sự kiện quy mô. Tới đây, chúng tôi sẽ xuống trực tiếp những nhà tránh lũ và sinh hoạt cộng đồng như thôn Ngô Bắc và các nhà tránh lũ khác để tiếp tục tìm hướng khai thác, sử dụng NVH cộng đồng hiệu quả, hết công năng của nó” - ông Minh thông tin thêm.
Mặc dù đã tính toán đến phương án phát huy công năng của NVH cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ nhưng địa phương này vẫn chưa định hình được mô hình phù hợp. Hơn nữa, NVH truyền thống ở mỗi khu dân cư cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài” nhiều hơn. Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình cũng chưa có phương án trong việc thực hiện tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa được quy định trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu theo Quyết định 318/QĐ-TTg và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2022.
Khi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ được tích hợp thêm “Ngôi nhà trí tuệ” - một sáng tạo tiêu biểu của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh
Bài 3: Thổi hồn vào Nhà văn hóa cộng đồng

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây